Chương 32: Nước chảy

472 18 1
                                    

Tôi không biết "tổ" có nghĩa là gì, cảm giác chắc là mình nghe nhầm, có lẽ nó là "máng" hay cái gì khác, nhưng đúng lúc này, trời đổ cơn mưa, ở điểm nhận đồ bao nhiêu là người đến người đi, chúng tôi cũng không muốn chờ lâu, cho nên tôi không hỏi kỹ thêm nữa, vác đồ đạc xếp lên chiếc xe tải cỡ nhỏ, lái xe vào khu vực thành phố giữa cơn mưa lây rây.

Chiếc xe tải con này còn nhỏ hơn cả chiếc Jinbei của tôi, bánh xe chỉ to cỡ cái chậu, cầm lái mà cứ nhẹ bẫng. Tiểu Hoa bảo tôi chịu khó một chút, chiếc xe nhỏ này chỉ để đi trong khu vực nội thành thôi, đến đoạn đường núi lầy lội là phải đổi sang xe Huangsha tải trọng lớn hơn, vì ở đó đường khó đi. Tôi thầm nghĩ, đúng là đã làm cái nghề này, dù cho lúc ở địa bàn hoành tráng vẻ vang biết bao nhiêu, thì đến khi xuống đất cũng vẫn chẳng khác chi lũ trộm cắp. Nghề này cứ như đi trên một chiếc bập bênh giữa ồn ào náo nhiệt và bỉ ổi ti tiện, chẳng mấy khi ai cũng nghĩ thoáng ra được.

Thành Đô là một thành phố rất ngầu, hồi học đại học, tôi có anh bạn đến từ Thành Đô, cứ mỗi lần cậu ta nhắc đến gái đẹp Tứ Xuyên và đồ ăn vặt là cả bọn phải thèm rỏ dãi, có thể dùng một từ để miêu tả, đó chính là "nhàn hạ". Thế nhưng chỉ e lần này tôi không có thời gian để hưởng thụ rồi.

Chiếc xe tải con đưa chúng tôi vào trong một con ngõ nhỏ phía Bắc thành phố, lại qua một đoạn đường lớn nữa là bắt gặp ngay cổng chính của đại học Tứ Xuyên. Trong trường toàn là những tòa nhà bê-tông cũ vàng khè, hình như là đã được sơn phết tu sửa nhiều lần, nên có vài chỗ tô vẽ khá đẹp, khiến cả tòa nhà cũ rích trông có vẻ như là vẫn còn sử dụng được, nhưng thực chất thì vẫn què quặt như cũ thôi. Nhìn kỹ, nhà cũ đúng là nhà cũ, đi đến cuối con ngõ là một gian nha khách nho nhỏ. Nhà khách này không gắn biển hiệu gì hết, trước cửa chỉ treo một tấm bảng gỗ trên viết ba chữ "Điểm dừng chân" đỏ choét, đang đong đưa theo gió.

Chúng tôi dừng xe, bước vào trong, đi vòng qua quầy lễ tân sơ sài (nếu như nhất định phải gọi cái của nợ đó là "quầy lễ tân"), đi một đoạn bỗng đột nhiên rộng rãi thoáng mát sáng bừng hẳn lên. Thì ra đoạn hành lang bên trong được thiết kế theo phong cách Châu Âu hết sức tỉ mỉ, toàn bộ sàn nhà lát bằng gỗ thật, hai bên lối đi treo đầy tranh sơn dầu. Tiểu Hoa bảo tôi, đây là địa bàn của họ ở Thành Đô, nhà khách này không dùng để kinh doanh với người ngoài, nếu ai tới hỏi thì cứ bảo chẳng có phòng trống, tấm biển ngoài kia chỉ là thứ ngụy trang mà thôi, bên trong tòa nhà này toàn là người của bọn họ khắp từ Nam chí Bắc.

Chúng tôi ai nấy đều vào phòng của mình, tắm rửa nghỉ ngơi một lát, một tên người làm ở đây vốn là dân địa phương đến dẫn chúng tôi đi ăn bánh bao họ Hàn*), đi dạo mấy con phố cổ, đến tối khuya lại ăn ở một tiệm lẩu mỡ bò, mịa nó, đây là lần đầu tiên trong đời tôi được biết cũng có thể ăn lẩu vào bữa khuya muộn đấy. Để bớt cảm giác cay đến tê lưỡi, tôi vừa ăn xì xụp vừa nốc liền đến sáu, bảy chai bia để súc miệng, thế mà ăn xong, sau gáy tôi vẫn còn tê dại, tí nữa thì xỉu.

* Năm 1914, Hàn Ngọc Long người Ôn Giang đến Thành Đô mở tiệm ăn, trong đó món bánh bao là nổi tiếng nhất. Sau này con trai là Hàn Văn Hoa dụng công nghiên cứu sáng tạo phát triển thêm, từ đó các loại bánh bao của nhà họ Hàn nổi tiếng khắp cả nước, trở thành đặc sản địa phương.

Đạo Mộ Bút Ký - Quyển 7Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ