"Khởi đầu thực sự của câu chuyện Chí Phèo là hình ảnh biểu tượng chiếc lò gạch cũ và kết thúc cũng bằng hình ảnh – biểu tượng đó, hiện thoáng trong tâm trí Thị Nở. Chí Phèo bởi thế có kết cấu đóng. Tính chất đóng kín là là một hằng số nghệ thuật của truyện ngắn này. Nó chẳng những đổ bóng vào không gian và thời gian truyện, hằn dấu trên số phận của nhân vật, mà còn khớp đúng với hoàn cảnh của làng xã Việt Nam, nhất là ở đồng bằng và trung du Bắc bộ trước Cách mạng tháng Tám năm bốn nhăm.
[...] Nam Cao kết thúc truyện ngắn của mình bằng cái chết của Chí Phèo và sự lặp lại hình ảnh của chiếc lò gạch cũ. Nhưng không vì thế mà Chí Phèo của ông gây ấn tượng là câu chuyện của một người cụ thể ở một làng cụ thể. Bởi lẽ Chí Phèo tuy chết nhưng vẫn để lại một Chí Phèo con, một sự "tre già măng mọc" theo nghĩa trực tiếp, mặc khác, quan trọng hơn là sự phổ biến của chiếc lò gạch ở một làng quê – một yếu tố tượng trưng cho sự lặp lại của cấu trúc làng xã. Hơn nữa, Việt Nam xưa là đất nước của những người nông dân bởi sự áp đảo tuyệt đối của họ về dân số và diện tích trên địa bàn cư trú đối với các thành thị phương Đông tiền tư bản chủ nghĩa, thường chỉ là nơi đầu não hành chính, cho nên cơ sở kinh tế của nó là nền kinh tế tiểu nông, cấu trúc xã hội của nó là cấu trúc làng xã.
Được chiếu rọi bởi ánh sáng của cái nhìn đó, hình tượng Chí Phèo bỗng vụt lớn lên, bước ra khỏi mảnh đất cụ thể của làng Vũ Đại, bước ra khỏi mảnh đất chật hẹp của một làng nói chung nào đó, để lấy vóc dáng của toàn xã hội. Đồng thời và ngược hướng với sự phát triển theo chiều kích quy mô trên, hình tượng Chí Phèo còn phát triển theo chiều hướng kích vĩ mô. Nó thu nhỏ lại từ diện mạo cụ thể đến vô diện mạo, từ hữu hình đến vô hình. Nó tạo thành một cái gọi là chất Chí Phèo gia nhập họ hàng với những AQ, chất Ôblômôp, chất Đông Kisốt...lẩn quất đâu đó trong mỗi con người, mà đôi khi trong những điều kiện nhất định, người ta thoáng nhìn thấy, thoáng nghe thấy một hình dáng, một hành vi, một sự ăn nói kiểu Chí Phèo...Chí Phèo sống với chúng ta, sống giữa chúng ta, sống trong chúng ta là vậy.
(ĐỖ LAI THÚY - THỨ NHẤT SỢ KẺ ANH HÙNG, Đi tìm ẩn số nghệ thuật truyện "Chí Phèo"- Tạp chí Ngôn ngữ, số 4, 1990)
YOU ARE READING
Văn học học đường: Chí Phèo - Nam Cao
Short StoryĐây là những tư liệu tham khảo, liên hệ mở rộng từ nhiều nguồn khác nhau về tác phẩm Chí Phèo giúp tăng tính sâu sắc cho bài viết. Chúc các bạn thành công với môn Văn! Hãy yêu môn Văn hơn nhé! "Em ơi nhớ lấy câu này Học Văn không khó nhưng mà phải c...