VỀ NHÂN VẬT CHÍ PHÈO

58 0 0
                                    

(G.S Nguyễn Hoành Khung, Lịch sử văn học Việt Nam, tập V, phần II (1930 - 1945, NXB Giáo dục, 1978)

Chí Phèo là kết tinh những thành công của Nam Cao trong đề tài nông dân và là một kiệt tác trong nền văn xuôi trước Cách mạng. Khác với đa số truyện ngắn khác, Chí Phèo vừa phản ánh xã hội nông thôn trên bình diện đấu tranh giai cấp vừa thể hiện vấn đề con người bi tha hóa. Qua hình tượng Chí Phèo, một hình tượng nông dân lưu manh hóa, Nam Cao không những đã miêu tả sâu sắc, cảm động cuộc sống đày đọa của người nông dân bị đè nén bóc lột đến cùng cực, mà còn dõng dạc khẳng định nhân phẩm của họ trong khi bị xã hội vùi dập đến mất cả hình người, tính người.

1. Trong làng Vũ Đại, Chí Phèo là một "thằng cùng hơn cả thằng cùng", không cha không mẹ, không thân thích họ hàng, không nhà không cửa, không tấc đất cắm dùi...; cả đời Chí Phèo "chưa bao giờ được chăm sóc bởi một bàn tay đàn bà" đến nỗi mơ ước đuợc chung sống với một người phụ nữ xấu đến "ma chê quỷ hờn" cũng không đạt được, Chí Phèo sống cuộc sống tối tăm của một con vật và chết cái chết thê thảm của một con người. Số phận khốn khổ ấy của Chí Phèo cũng chính là số phận của cả một lớp người cố cùng dưới đáy xã hội nông thôn Việt Nam cũ.

Từ tuổi thơ "bơ vơ, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ" đến tuổi thanh niên "làm canh điền cho ông Lý Kiến", Chí Phèo sống cuộc sống lao động cực khổ của người cố nông ở nông thôn. Quãng đời lương thiện ấy chấm dứt khi Chí bị lão Lý Kiến cho giải lên huyện rồi đi ở tù.

Sau 7, 8 năm biệt tích trở về Chí đã hoàn toàn thay đổi. Hắn trở nên xa lạ với dân làng Vũ Đại và cũng xa lạ với bản thân. Hắn không còn là người nông dân lao động nữa mà phần tử bị loại ra khỏi xã hội loài người. Dù vậy, hình tượng Chí Phèo không phải là ngẫu nhiên, cá biệt. Xã hội thực dân, phong kiến trước đây không hiếm những trường hợp người lao động bị đè nén bóc lột đến cùng cực đã quay lại chống trả bằng con đường lưu manh. Bá Kiến đẩy Chí vào nhà tù (giai cấp địa chủ phong kiến còn chỗ nào là chỗ dựa tốt hơn bộ máy cai trị của "nhà nước bảo hộ" trong việc đàn áp nông dân!); nhà tù thực dân, cái nhà tù đã bắt giam người ta lúc lương thiện và thả ra khi trở thành hung ác - đã giết chết cái phần người của Chí, biến Chí thành Chí Phèo, một người nông dân hiền lành thành một con thú dữ. Hiện tượng bi thảm ấy là có quy luật, tính phổ biến trong cái xã hội ăn thịt người đó. Trong nhiều truyện ngắn khác của Nam Cao, ta đã gặp những họ hàng xã của Chí Phèo: Trạch Văn Đoành (Đôi móng giò), cu Lộ (Tư cách mõ)... và ngay trong Chí Phèo là Năm Thọ, Binh Chức, những tiền bối gần gũi của hắn. Chí Phèo chết, nhưng hiện tượng Chí Phèo phải chăng sẽ hết? Nghe tin Chí Phèo chết, Thị Nở "nhìn nhanh xuống bụng" và bỗng "thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không xa nhà cửa và vắng người lại qua...". Câu chuyện kết thúc ở đó. Sau này Thị Nở có tìm đến cái lò gạch cũ và cho ra đời một Chí Phèo con để "nối nghiệp" bố hay không, điều đó chưa chắc, nhưng có một điều chắc là: hiện tượng Chí Phèo chưa hết chừng nào bọn địa chủ còn tác quái trên đầu dân lành không cho ai được sống. "Tre già măng mọc, có bao giờ hết những thằng du côn!" Sức mạnh phê phán của Chí Phèo trước hết là đã vạch ra thật hùng hồn cái quy luật tàn bạo, khủng khiếp trong xã hội thực dân phong kiến đó.

Văn học học đường: Chí Phèo - Nam CaoWhere stories live. Discover now