Tiêu đề đầy đủ: BÀN VỀ Ý NGHĨA THẨM MĨ CỦA CÁI GỌILÀ "YẾU TỐ TỰ NHIÊN CHỦ NGHĨA" TRONG TÁC PHẨM CỦA NAM CAO.
(Phan Huy Dũng, Tác phẩm văn học trong nhà trường – Một góc nhìn, một cách đọc, nxb Giáo dục Việt Nam H.2009.)
1. Gần đây[1], có vài người nghiên cứu đã đặt vấn đề xem xét lại những nhận định lâu nay về cái gọi là "yếu tố tự nhiên chủ nghĩa" trong tác phẩm của Nam Cao. Đó là việc làm cần thiết để tiếp cận ngày càng sâu sắc hơn sáng tác của nhà văn lớn này trên bình diện thẩm mĩ. Quả thực không thể kết luận rằng Nam Cao đã rơi vào tự nhiên chủ nghĩa, đã bị hạn chế về tư tưởng khi cường điệu những nét xấu về ngoại hình của nhiều nhân vật và khi đưa vào truyện Nửa đêm những yếu tố ma quái, định mệnh. Tuy nhiên, các tác giả của hai bài viết trênTạp chí Văn học số 3 năm 1991 và Nhân dân chủ nhật số 41 năm 1991 đã chưa thuyết phục được người đọc vì lí lẽ bào chữa của họ còn mang màu sắc chủ quan rất khó kiểm chứng. Ai dám bảo cái "chủ đích nghệ thuật" mà người nghiên cứu tìm được và nêu lên trong bài viết là của chính Nam Cao chứ không phải sản phẩm tư tưởng của người nghiên cứu? Ở đây, chúng tôi sẽ không kiến giải vấn đề theo hướng đó.
Tác phẩm văn học không phải là một hiện tượng tĩnh. Theo tâm lí học nghệ thuật, nó là "một tổng hoà các kí hiệu thẩm mĩ nhằm thức tỉnh các cảm xúc thẩm mĩ ở con người". Để đi đến thực chất vấn đề, cần trước hết lưu tâm phân tích các chi tiết của tác phẩm trong tư cách "kĩ thuật xã hội của tình cảm" của chúng, xem chúng làm dấy lên ở người đọc những cảm xúc gì, hoặc đưa họ vào trạng thái tình cảm nào (để trên nền trạng thái cảm xúc và tình cảm đó, họ nhìn cuộc đời một cách khác trước). Đây là cách làm khả dĩ giúp ta chạm đến được ý nghĩa đích thực của tác phẩm – cái ý nghĩa nhiều khi bị nhận nhầm là nằm trong một vài mệnh đề thuần lí có thể dễ dàng lẩy ra để tuỳ đó mà phê phán hay ca ngợi. Tất nhiên, để nêu được ý nghĩa thẩm mĩ thực sự của những chi tiết thường bị xem là tự nhiên chủ nghĩa, ta còn cần phải tôn trọng những dữ kiện của cảm nhận trực giác, bởi nhiều khi chúng là sự sáng suốt hiếm hoi bị vùi lấp dưới không ít những sự phân tích sai lạc, vô bổ.
2. Nhân vật có ngoại hình thậm xấu, xấu một cách quái dị - đó là một hiện tượng phổ biến trong sáng tác của Nam Cao. Tần số xuất hiện rất cao của những chân dung kiểu này khiến ta phải nghĩ rằng Nam Cao đã làm công việc mô tả đó một cách hoàn toàn có ý thức. Nếu cho như thế là tự nhiên chủ nghĩa, thì ta buộc phải kết luận rằng Nam Cao thường xuyên rơi vào tự nhiên chủ nghĩa, rơi vào sự "nhục mạ con người". Nhưng đó chỉ là một giả định. Có người nào nghiên cứu ông mà không khẳng định sáng tác của ông mang tính nhân đạo sâu sắc, mà khẳng định như thế là có cơ sở và đúng đắn. Như vậy, tự nhiên chủ nghĩa ở đây chỉ là một câu chuyện tưởng tượng. Nó là kết quả của một thói quen phân tích hơn là kết quả của sự tiếp nhận nghệ thuật thực thụ.
Sáng tác của Nam Cao chứng tỏ nhà văn quả thực đã có một quan niệm nghệ thuật riêng của mình về thế giới, con người. Quan niệm nghệ thuật là phạm trù về các chỉnh thể nghệ thuật. Nó có tính vững bền và bao trùm toàn bộ sáng tác của nhà văn lớn. Chí Phèo và Nửa đêm được viết ra cùng một năm (1941), lại nói về cùng một kiểu, loại nhân vật. Rõ ràng là vô lí việc chúng ta vừa biểu dương sự phân tích xã hội sâu sắc của nhà văn ởChí Phèo, đã vội quay ra phê phán ông có cái nhìn lệch lạc khi nêu các nguyên nhân làm biến chuyển tính cách của Đức – con Trương Rự. Ở đây, sự hời hợt không phải thuộc về phía tác giả, mà thuộc phía người nghiên cứu, thuộc phía người đọc chưa đọc đúng, chưa phân tích ra ý nghĩa thẩm mĩ của nhiều yếu tố hợp thành tác phẩm. Vả lại, đành rằng trong Chí Phèo, Nam Cao đã chỉ ra một cách hết sức thuyết phục "môi trường thực tại phi nhân bản" đã làm tha hoá con người ghê gớm như thế nào, nhưng giá trị của tác phẩm không phải chỉ bị quy định bởi chừng ấy, và nỗi căm giận đơn giản đối với xã hội thực dân nửa phong kiến chưa phải là chỗ đi đến cao nhất của kiệt tác này. Như vậy, ta sẽ không lấy làm lạ khi thấy ở Nửa đêm, cái ưu điểm từng thấy rất rõ trongChí Phèo lại không được bộc lộ thật đậm nét. Đáng lẽ phải từ đó phát hiện ra cái độc đáo của tác phẩm, ta lại kết luận nó có nhiều rơi rớt của chủ nghĩa tự nhiên.
YOU ARE READING
Văn học học đường: Chí Phèo - Nam Cao
Krótkie OpowiadaniaĐây là những tư liệu tham khảo, liên hệ mở rộng từ nhiều nguồn khác nhau về tác phẩm Chí Phèo giúp tăng tính sâu sắc cho bài viết. Chúc các bạn thành công với môn Văn! Hãy yêu môn Văn hơn nhé! "Em ơi nhớ lấy câu này Học Văn không khó nhưng mà phải c...