Người ta nói nhiều đến cái mà chúng tôi tạm gọi là cấu trúc đường tròn của Chí Phèo. Về nội dung, nó thể hiện con đường bế tắc của nhân vật. Song về nghệ thuật lối cấu trúc này mang dấu ấn của thơ, chẳng những nó gợi lại một thể thơ nào đó, một điệp khúc - vốn là lối tổ chức câu cú quen thuộc của thơ: truyện ngắn Chí Phèo là một thứ "thủ vĩ ngâm" về cái lò gạch. Kết cấu đường tròn được hỗ trợ bằng các mô típ: gương mặt đầy sẹo, cái lò gạch bỏ hoang ít nhất đã có hai ám ảnh tạo nên mô típ về con người thừa, con người ở ngoài lề cộng đồng. Chính việc sử dụng mô típ cũng góp phần gợi nên cảm giác quay vòng, nó thuộc về bản chất của thơ.
Trong Chí Phèo, chất thơ còn được điểm xuyết bằng những cảnh tượng và bức tranh phong tục vốn là những "mã" của sinh hoạt dân gian, truyền thống; cảnh kín nước ven sông, chợ búa, nồi cháo hành chữa bệnh; chất ước lệ (ví dụ đoạn miêu tả nhan sắc thị Nở), những thành ngữ (thằng có tóc, thằng trọc đầu...) nhìn chung đầy rẫy trong truyện. Và cuối cùng phải kể đến một đoạn thơ trữ tình ngoại đề có thể sánh ngang với những đoạn cùng thuộc loại ngôn từ ấy hoặc một loại khác nữa - các đoạn độc thoại - nổi tiếng trong truyện và tiểu thuyết xưa nay. Tôi muốn dẫn đoạn Nam Cao nói hộ Chí Phèo: "Hắn cảm thấy hắn đã tới cái dốc bên kia của cuộc đời. Đối với những con người như hắn, những trận ốm như thế này là trận gió đầu thu báo hiệu mùa đông sẽ tới"... Ở đây Chí Phèo với Nam Cao là một, sự đồng cảm tìm thấy hình thức bộc lộ thích hợp nhất: trữ tình.
(Đặng Anh Đào, Tài năng & người thưởng thức, NXBVăn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2001)
YOU ARE READING
Văn học học đường: Chí Phèo - Nam Cao
Historia CortaĐây là những tư liệu tham khảo, liên hệ mở rộng từ nhiều nguồn khác nhau về tác phẩm Chí Phèo giúp tăng tính sâu sắc cho bài viết. Chúc các bạn thành công với môn Văn! Hãy yêu môn Văn hơn nhé! "Em ơi nhớ lấy câu này Học Văn không khó nhưng mà phải c...