1922.
Tôi từ chỗ của Espagne [1] trở về nhà. Romano [2] áng chừng vui vẻ lắm vì tống được tôi đi sau quãng ngày tôi chè chén cùng thằng bạn thân và ăn dầm nằm dề, ném lại một đống loạn xà ngậu cho nó dọn. Romano không ưa tôi, Espagne thì luôn cười hì hì một cách dễ mến sau khi chọn cách nhét hai chúng tôi chung một chỗ để hiểu nhau hơn, hay chí ít là cậu ấy nghĩ thế dù kết quả quá là tệ. Nhưng dù sao thì tôi cũng về sau lá thư triệu tập từ Chính phủ. Có một hội chợ thuộc địa được tổ chức tại Marseille vào tháng Sáu tới, tôi được gọi về để tham gia vào đoàn tiếp đón Hoàng thượng xứ An Nam với danh nghĩa là hiện thân của nước Pháp, với tất cả sự tôn trọng mà chúng tôi có thể dâng cho một ông vua hề.
Kỳ thực, tôi chỉ thấy phiền phức. Tôi chỉ sang cái xứ sở nóng chảy mỡ ấy đúng một lần khi họ cần tôi làm chứng cho việc giao và nhận vùng Basse-Cochinchine [3]. Có lẽ là hồi sáu hai [4]. Quá chừng là kênh rạch và quá chừng muỗi, đi bằng thuyền. Xứ ấy chỉ đọng lại trong đầu tôi thứ ấn tượng như một phiên bản nghèo quắt so với Venice, chỉ thế thôi, không hơn. Đáng lý là người làm chứng của An Nam cũng phải xuất hiện như tôi, nhưng tôi đã nghe phong thanh rằng người đó khinh ra mặt từ vua mình tới người Pháp nên không thèm đi, bởi vậy nên đối mặt với tôi cùng tướng Bonard và tá Don Carlos hôm đó chỉ có hai chánh sứ [5]. Điều ấy khiến tôi càng bất mãn hơn nữa, nhưng rồi tôi nhanh chóng phắn về Pháp sau khi ký và rồi ném chuyện này ra sau đầu. Xét cho cùng, An Nam chỉ là một cái thuộc địa mà thôi, mà tôi thì không thích mấy xứ nóng như lò bánh mì.
Bất quá, lần này thì tôi không trốn được nữa. Chính phủ đã cử người mang thư tới thì tôi phải làm cho trọn cái chức trách của mình, xếp va li rồi lên tàu dong thẳng về Marseille. Thực ra tôi chẳng phải mó tay làm gì, tất cả đã có người dưới làm. Tôi chỉ cần một bộ tuxedo đủ đẹp để chào vua và dự tiệc, rồi thế là xong.
Hay chí ít, đó là những gì tôi đã nghĩ thế.
Khi nàng đặt gót ngọc xuống những bậc thang đầu tiên, tôi đã tưởng nàng là phi tần của cái bóng đèn [6] trước mặt mình. Vua các nước bên Đông được phép cưới nhiều thê thiếp để sinh con nối dõi kể cả khi ông ta đáng tuổi ông cố nội của các bà vợ. Phụ nữ chỗ tôi sẽ giãy nảy lên như giẫm phải than khi biết đức ông chồng có nhân tình thôi chứ nói gì đến cưới thêm thê thiếp, bởi vậy nên bà nào có chồng sang làm ăn bên Đông Dương thì chắc cú là bà ấy phải sồn sồn đi theo để tránh việc tòm tem mèo mỡ. Mặc dù trước đấy từng có một vua An Nam cưới vợ Hà Lan [7], hay chuyện các bà có tình nhân không kém gì chồng cũng chẳng phải chuyện lạ, nhưng nếu nhìn theo chiều ngược lại thì cả ông lẫn bà chẳng ai muốn thừa nhận đâu.
Hôm ấy là một ngày nắng, nóng và đầy gió. Ngài Sarraut [8] đích thân lên tàu đón vua xuống, và để khỏi mắc công nhìn đống vải lụa màu mè ấy thêm phát nào nữa, tôi nhìn quanh để rồi kịp nhận ra nàng trong đoàn công sứ trôi theo ông ta suốt một tháng trên cái tàu Porthos này. Nàng vận áo đỏ thắm, thêu sóng ngũ sắc ở gấu áo, đầu chít khăn xanh tròn vạnh tựa vầng trăng, chân đi giày thêu. Mặc dù không thích những xứ nóng giống như An Nam, nhưng tôi vẫn phải thẫn thờ trước nàng mất một thoáng, cũng như từ trước tôi phải công nhận là đàn bà con gái ở xứ này đẹp, bởi tôi tự thấy mình là một người luôn tôn thờ cái đẹp và việc nào thì ra việc nấy. Họ đẹp một cách vô cùng khác biệt với phụ nữ phương Tây, song nàng còn đẹp đẽ hơn bất cứ người phụ nữ mé Đông nào tôi từng thấy trước đó: đôi mày cong như hai vầng trăng non, rặt một đôi mắt huyền đen nhánh long lanh, hệt như nét cọ quệt phẩm đen trên mặt giấy ướt.
Thẩn thơ thì thẩn thơ, nhưng tôi vẫn nhớ được những quy cách ứng xử như một quý ngài lịch thiệp trước phụ nữ. Bởi vậy nên tôi không ngại tiến về phía nàng, đưa một bàn tay về phía trước và nở nụ cười lịch lãm mà dám chắc bao quý cô trên phố sẽ ngất ngây một khi tôi mở lời.
"Xin cho phép tôi được hộ tống phu nhân, thưa phu nhân xinh đẹp."
Nàng nhìn tôi, vẫn im lặng. Nàng nhìn lung lắm, bằng đôi mắt đen thăm thẳm như trời đêm ôm vời lấy những con phố im lìm, song vẫn long lanh hệt như sắc nước đen loang loáng dưới những chân cầu uốn khúc mỗi khi đèn đường thắp sáng. Bấy giờ thì tôi nhận ra, tôi vừa nói bằng tiếng Pháp. Nếu là thế thì có thể hiểu cho sự im lặng của nàng, những bà chúa ở trong cung vua An Nam nào có biết tiếng Pháp. Họ chẳng rời khỏi đó cho đến mãn kiếp bao giờ. Tôi thì chẳng biết chút tiếng An Nam nào cả, mọi thứ đều cần qua thông ngôn. Mãi đến sau này nhớ lại, tôi nhận ra rằng khoảnh khắc đầu tiên nàng mở lời với tôi chính là lúc đánh dấu cho việc xứ nóng đã sinh nàng ra sẽ đưa cả thế giới này đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
"Vậy làm phiền ngài. Tôi cũng biết chút chút tiếng Pháp, xin ngài cứ nói thoải mái."
Nàng bình thản vươn bàn tay trái của mình ra, chớp hàng mi dày rủ như bóng quạt xuống gò má tròn hồng lựng vì sức nóng. Giọng nàng du dương như tiếng cầm tôi đã mơ hàng đêm ở Opéra d'Paris. Dưới cái nắng tháng Sáu, nàng đứng trong gió biển thổi lộng tà áo bóng loáng sắc lụa thắm, ánh mắt đen thẳm ôm vẹn cả dịu dàng lẫn kiêu kỳ, cổ ngẩng cao như đang thách thức, khóe môi chỉ hơi cong lên một cách mơ hồ, nàng đặt bàn tay vào bàn tay đi găng của tôi bằng một cử chỉ tự nhiên lại giống như đang ban phước, cổ tay trắng đeo một chiếc vòng ngọc xanh như màu lá, nhẹ bẫng đi tựa gió thoảng.
Rồi, như đọc được suy nghĩ của tôi từ lúc mới nhìn thấy mình, nàng điềm đạm nói tiếp.
"Tôi là Trần Chung Liên. Ngài có thể gọi tôi là Vietnam, hay Annam, tùy ngài."
"Nhưng đừng đem tôi ra đồn đoán xem tôi có quan hệ gì với Bửu Đảo [9], vì tôi cũng giống như ngài thôi, ít nhất là ở phương diện tồn tại, Ngài La France ạ."
Nàng nói, rồi im lặng, tiếp tục nhìn tôi bằng đôi mắt huyền đấy như chờ lại từ tôi một lời chào đủ tôn trọng. Tôi khom người, đặt một nụ hôn lên mu bàn tay nàng.
"Vâng, xin quý cô thứ lỗi cho tôi. Tôi là La France, hay là Francis Bonnefoy."
BẠN ĐANG ĐỌC
hetalia, shortfic, fravi, tường dương | full | La belle fille dans le portrait
FanfictionMột bức chân dung người con gái đẹp được anh vẽ trong ba mươi năm, rốt cuộc là tình hay là đem người đóng khung? 1922, nàng nhận được một lá thư mời. ___ • warning: có sự liên quan chặt chẽ tới các sự kiện lịch sử • • bìa: tranh của họa sĩ Phương Qu...