Tôi đã vẽ nàng trên tấm canvas tốt nhất, bằng những thức màu đẹp nhất. Tôi chọn tranh sơn dầu, bởi nàng hẳn sẽ thú vị lắm khi ngắm chân dung mình qua nét cọ của dân châu Âu. Nhưng tôi vẫn chưa vẽ xong. Tôi còn không biết là sẽ lâu tới vậy, đến bức La Joconde cũng chỉ vẽ trong mười bốn năm thôi [26], nhưng con số mà tôi dành ra đã vượt quá mười bốn năm mất rồi.
Angleterre có từng nhìn qua bức họa một lần. Cậu ta có hơi ngạc nhiên rằng tôi đang vẽ chân dung của một người phụ nữ đang đứng ở chiến tuyến đối lập, một người mà theo cậu ta nói – "căm thù chúng ta hết nấc" – bằng cái giọng quý tộc Anh mà tôi vốn ghét, nhưng tôi không phản bác vì nghe ra sự tự giễu trong đấy. Trong khoảng dừng cọ, tôi chợt nghĩ có lẽ Angleterre đang nhớ tới quãng thời gian trước đó cùng với Amérique, lúc mà Hoa Kỳ còn là mười ba thuộc địa của Anh Quốc, Amérique khi ấy còn là một thằng nhóc tí xíu chẳng hiểu sự đời đã được cậu ta mang về dinh thự của mình, nuôi nấng và hết mực yêu thương, mặc cho sự bất bình tới từ Chính phủ Anh. Nhưng rồi cái gì đến cũng phải đến, khi thằng nhóc đó đủ lớn, hai bên chĩa súng vào nhau, và thế là hết. Anh anh em em cái gì suốt chừng ấy thập kỷ chỉ còn là hai viên đạn bay ra khỏi nòng, mang theo khói thuốc súng bay lượn trên mũi nhọn của lưỡi lê. Đạn chẳng trúng Angleterre hay Amérique, nhưng quá đủ để xé rách tất cả những yêu thương mong manh còn tồn tại giữa cả hai.
Và thế là thế.
Tôi chỉ trả lời cậu ta gọn lỏn, rằng, tôi biết chứ. Tôi biết dù thái độ nàng có hòa hoãn và vui tươi hơn chút thì đâu đó trong nàng vẫn âm ỉ ngọn lửa được thắp bởi dòng máu nóng tuôn trào suốt hàng ngàn năm trong huyết quản. Đức Napoléon từng bảo chúng tôi đừng động tới Trung Hoa kẻo đánh thức con sư tử đang say ngủ, nhưng con sư tử ấy cũng bị người dân của nàng đánh đuổi hết lần này tới lần khác suốt cả ngàn năm đấy, không phải sao? Tôi từng buồn cười trước sự cứng đầu của Espagne khi cậu ấy đối chọi với những người trong chính phủ của mình về cái lý tưởng hòa bình mà cậu ấy luôn đau đáu, rằng hàng trăm năm xung đột đã quá mức chịu đựng cho dân lành rồi, im đi thôi và trở nên vô can bằng con đường hòa hoãn đi. Một chữ ký vào bản hiệp ước rồi mọi thứ sẽ xong, chẳng ai hại ai nữa. Có điều, nếu bắt tay nhau mà dễ dàng đến vậy, hẳn trong quá khứ sẽ không có một France từng quay mũi kiếm đâm thẳng vào lồng ngực cậu ấy rồi. Ừ, là tôi đấy, cái con người mà Espagne coi là đứa bạn thân thiết nhất trên đời.
Suy cho cùng, tất cả chúng tôi được sinh ra bởi nguyện vọng của dân chúng và tồn tại cùng với cái thứ gọi là lịch sử tới chừng nào quốc gia sinh chúng tôi ra vẫn còn hiện hữu trên cuộc đời, nhưng bản thân chúng tôi cũng chẳng khác gì con người cả. Ngoài hình dáng giống con người, tuổi trẻ và vẻ đẹp vĩnh hằng, tất cả những dịch bệnh, nội chiến, xâm lăng, bom đạn, đủ thứ, tất cả những gì mà quốc gia gánh chịu đều sẽ ghi dấu trên cơ thể chúng tôi như những vết sẹo. Một số phai đi theo năm tháng, một số thì không, cứ hằn đấy và có khi rỉ máu trở lại. Đó là số mệnh mà Chúa ban cho tất cả những ai gọi là quốc gia, nhưng chuyện khỉ gió nhất là ông bố già đó cũng lại ban cho chúng tôi tất cả cảm xúc của một con người.
Tức là thể nào cũng có xung đột thôi. Và rằng dù tôi có phản đối đến thế nào, tôi vẫn phải kéo tấm khăn trắng phủ lên bức chân dung đang vẽ dở và mặc quân phục vào, dẫn tàu viễn dương vượt biển trở lại xứ nóng An Nam.
BẠN ĐANG ĐỌC
hetalia, shortfic, fravi, tường dương | full | La belle fille dans le portrait
FanfictionMột bức chân dung người con gái đẹp được anh vẽ trong ba mươi năm, rốt cuộc là tình hay là đem người đóng khung? 1922, nàng nhận được một lá thư mời. ___ • warning: có sự liên quan chặt chẽ tới các sự kiện lịch sử • • bìa: tranh của họa sĩ Phương Qu...