Sự sống và cái chết trong truyện ngắn " Vợ nhặt "

17 1 1
                                    

🌿 Sự sống và cái chết trong truyện ngắn "Vợ nhặt" ❤️

Nạn đói năm Ất Dậu (1945) là một cơn ác mộng, là nỗi nhức nhối khó quên trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Thảm họa ấy diễn ra trên 32 tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Nhà văn Kim Lân đã chọn bối cảnh ấy cho truyện ngắn Vợ nhặt.

1. Trên nền hiện thực của nạn đói, bằng việc xây dựng nên một tình huống truyện độc đáo, đi sâu miêu tả diễn biến tâm lí phức tạp của các nhân vật và sáng tạo những chi tiết, hình ảnh đặc sắc, nhà văn chuyên viết truyện ngắn này đã để lại trong lòng người đọc những ám ảnh nghệ thuật khó quên. Câu chuyện xoay quanh cuộc đối mặt giữa sự sống và cái chết của những người nông dân trong nạn đói khủng khiếp năm ấy.

Không gian của truyện là xóm ngụ cư, bên bờ sông ven chợ xác xơ, heo hút. Từng trận gió từ cánh đồng thổi vào, ngăn ngắt. Hai bên dãy phố, úp súp, tối om, không nhà nào có ánh đèn lửa. Điểm vào đó là âm thanh thê thiết của tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ đang gào lên từng hồi, là tiếng ai hờ khóc lúc to, lúc nhỏ vẳng đến từ phía những nhà có người chết đói. Không khí ở đây vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người. Quyện trong đó còn có mùi khét lẹt của đống rấm được đốt ở những nhà có người chết.

Bằng sự kết hợp của các yếu tố hình ảnh, âm thanh và mùi vị, nhà văn Kim Lân đã tạo ra ấn tượng về không gian truyện đặc trưng, mang màu tử khí. Rồi như một cận cảnh, ống kính của nhà văn dừng lại ở một bữa ăn ngày đói thật thảm hại.

Ở đó, miếng ăn dường như đã không phải dành cho con người nữa. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo. Niêu cháo lõng bõng, chỉ kịp chia cho mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn. Người mẹ già lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút, bà gọi đó là món chè khoán. Cái món ngon đáo để ấy thực chất là cháo cám, thứ mà con người khi đói nhìn thấy hai con mắt đã tối lại, khi ăn thì không nuốt nổi vì đắng chát và nghẹn bứ trong cổ.

Cái đói và cái chết nắm tay nhau càn qua xóm ngụ cư. Người người lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường.

Cái đói có sức mạnh tàn phá ghê gớm cả về hình hài đến phẩm giá con người. Mọi khuôn mặt ở xóm ngụ cư đều đã mang dấu tích của cái đói. Lũ trẻ con trong xóm độ này ngồi ủ rũ dưới những xó đường không buồn nhúc nhích. Ngay như Tràng - một thanh niên to khỏe trong xóm, giờ cũng chỉ bước đi từng bước mệt mỏi. Khật khưỡng trong bóng chiều nhá nhem là dáng điệu tả tơi của hắn - chiếc áo nâu tàng vắt sang một bên cánh tay, cái đầu trọc nhẵn chúi về đằng trước.

Dấu vết tàn phá ghê gớm nhất của cái đói với con người vẫn là ở thị, người vợ mà Tràng nhặt được trong thảm cảnh của cái đói. Người phụ nữ này không có tên. Nhà văn gọi nhân vật là người đàn bà, là thị. Có lẽ số phận, những mảnh đời như thị không phải là hiếm trong nạn đói ấy. Thị mang một bộ dạng rách rưới, áo quần tả tơi như tổ đỉa, gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt. Có lẽ đã đói lâu ngày, nên vì miếng ăn, thị trở nên sấn sổ, trơ trẽn.

Văn Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ