Can Tương và Mạc Gia là tên hai vợ chồng người rèn kiếm. Mà cũng là tên hai thanh kiếm báu ngày xưa ở bên Trung Hoa.
Nguyên đời Xuân Thu, vua nước Ngô (1) là Hạp Lư muốn có những thanh kiếm báu, mới đắp một cái thành ở Ngưu Thủ Sơn để đúc mấy ngàn thanh kiếm, gọi là Biển Chư. Tuy vậy chưa vừa ý, nhà vua tìm được người nước Ngô tên Can Tương, cho ở cửa Tượng Môn để đúc những thanh kiếm thật sắc, chém đá như chém bùn.
Can Tương được lệnh nhà vua cho vào kho và khắp toàn quốc tìm vàng và sắt tốt. Đoạn chọn ngày giờ, Can Tương sai các đồng nam và đồng nữ cả thảy 300 người, ngày đêm đốt than nấu. Nhưng suốt cả 3 tháng trời, vàng sắt vẫn không chảy. Can Tương lấy làm lạ, không biết tại sao. Người vợ là Mạc Gia bảo rằng:
– Những bảo vật của thần linh tất phải đợi nhân khí mới thành tựu được. Nay phu quân đúc kiếm suốt 3 tháng không thành, hoặc giả thần linh còn chờ đợi nhân khí chăng?
Can Tương nói:
– Ngày xưa thầy ta cũng đúc mãi mà kiếm không thành, nên cả hai vợ chồng phải nhảy vào lò, bấy giờ mới kết quả. Về sau, ai đúc kiếm ở chân núi ấy cũng phải làm lễ tế lò. Nay ta đúc kiếm mãi không được, hay là cũng phải thực hành như thế!
Mạc Gia nói:
– Thầy ta còn bỏ thân để đúc nên thần kiếm, khó gì mà ta không noi gương.
Đoạn, Mạc Gia tắm gội sạch sẽ ra đứng ở bên lò. Sai các đồng nam, đồng nữ kéo bể đốt than. Giữa lúc lửa cháy phừng phực, Mạc Gia liền nhảy ngay vào lò. Được một lúc, vàng và sắt đều chảy ra cả.Bấy giờ, Can Tương đúc được hai thanh kiếm. Thanh đúc trước lấy tên là Can Tương. Thanh đúc sau lấy tên là Mạc Gia. Can Tương giấu lại một thanh kiếm, chỉ đem thanh kiếm Mạc Gia dâng cho Hạp Lư. Vua Ngô cầm thanh kiếm chém thử vào viên đá thì viên đá đứt đôi ra. Nhà vua thưởng cho Can Tương 100 nén vàng.
Sau, vua Ngô biết Can Tương giấu lấy một thanh, mới sai người đến đòi và bắt buộc nếu không chịu giao trả thì sẽ xử tử. Can Tương đem thanh kiếm ra xem. Thanh kiếm ở trong bao nhảy ra, hóa thành một con rồng xanh. Can Tương cưỡi con rồng ấy bay lên trời đi mất. Sứ giả về tâu với Hạp Lư. Nhà vua thở dài, luyến tiếc, lại càng quý trọng thanh kiếm Mạc Gia, mới thuê người làm kim câu để đeo thanh kiếm vào mình. Lại truyền lệnh: ai làm kim câu giỏi, giá trị thì được thưởng 100 nén vàng.
Người trong nước đua nhau làm kim câu để dâng. Có một Câu Sư tham giải thưởng to, giết chết hai con thơ, lấy máu tươi hòa với sắt đúc thành 2 cái kim câu đem dâng cho Hạp Lư. Qua mấy hôm sau, Câu Sư đến cửa cung nhà vua xin lãnh thưởng. Hạp Lư hỏi:
– Kim câu của nhà ngươi có gì đặc biệt hơn của người ta không mà đến đòi lãnh thưởng?
– Có. Vì muốn được thưởng, tôi đã giết chết hai con để đúc thành hai cái kim câu ấy. Người khác bì thế nào được.
Nhà vua truyền đem 2 cái kim câu ấy ra. Nhưng thị vệ tâu rằng: vì bỏ lẫn vào đám kim câu khác, cái nào cũng giống nhau, không thể tìm được. Câu Sư lại van nài xin cho xem tất cả. Thị vệ đem ra một đống kim câu. Nhưng Câu Sư cũng không nhìn được cái nào là của mình, mới cất tiếng kêu lên:
– Ngô Hồng và Hổ Kê ơi! Ta đây, sao 2 con không hiển linh trước mặt đại vương?
Vừa dứt lời, lạ thay, hai cái kim câu trong đống nhảy ra, ấp vào ngực Câu Sư. Hạp Lư kinh sợ, bảo:
– Ừ, thế thì nhà ngươi nói thực.
Đoạn thưởng cho Câu Sư 100 nén vàng. Từ bấy giờ, nhà vua quý trọng 2 kim câu như thanh kiếm Mạc Gia, và đeo chúng hẳn bên mình.Về sau, thanh kiếm này không biết lạc về đâu.
Cách hơn 600 năm, đến triều nhà Tấn (265-419), có quan thừa tướng tên Trương Hoa trông thấy trên trời có khí lạ, liền triệu một người giỏi về thiên văn là Lôi Hoán đến hỏi. Lôi Hoán nói:
– Đó là cái tinh bảo kiếm ở về địa phận Phong Thành.Trương Hoa lập tức bổ Lôi Hoán làm huyện lệnh ở Phong Thành. Lôi Hoán đào nền ngục thất, bắt được một cái rương bằng đá, dài hơn 6 thước, rộng hơn 3 thước. Mở ra xem, trong có 2 thanh kiếm. Lấy thứ đất ở núi Tây Sơn mà chùi đánh thì ánh sáng rực rỡ. Lôi Hoán đem dâng cho Trương Hoa một thanh, còn một thanh giữ lại cho mình. Trương Hoa xem thanh kiếm, bảo:
– Đây tức là thanh kiếm Can Tương, còn thanh kiếm Mạc Gia đâu mất. Tuy vậy, thần vật thế nào rồi cũng hợp nhau.
Một hôm, Lôi Hoán và Trương Hoa cùng đeo kiếm đi qua bến Diên Bình Tân. Tự nhiên hai thanh kiếm bỗng nhảy xuống nước mất. Vội vàng sai người lặn xuống nước tìm thì thấy có hai con rồng ngũ sắc, vểnh râu, trừng mắt, làm cho người này hốt hoảng vội trồi lên. Từ đó, hai thanh kiếm hoàn toàn mất tích.
BẠN ĐANG ĐỌC
ĐIỂN TÍCH ĐIỂN CỐ
PoetryMỘT ĐIỂN TÍCH ĐIỂN CỐ MÀ BẠN TỪNG ĐỌC VÀ THẤY ẤN TƯỢNG? Nhà thơ Lý Bạch từng có câu "Mỹ nhân nhất tiếu hoán thiên kim", tức người đẹp nở một nụ cười đáng đổi lấy nghìn lạng vàng, hay chúng ta thường gọi là "nụ cười đáng giá ngàn vàng". Mỹ nhân được...