Thân phận và vai trò của cung nữ thời Thanh

57 3 0
                                    

Cung nữ, danh xưng này trong hậu cung để chỉ những nữ hầu phục vụ cho hoàng thất, bao gồm hoàng đế, hậu phi và hoàng tử cùng hoàng nữ. Vì tính chất công việc, phần nhiều họ có xuất thân tương đối bình dị, ở các triều trước Thanh thì còn thu nạp cả tội nô và tiện tịch vào hạng cung bộc, và điều này cũng tạo nên ấn tượng cho người hiện đại rằng cứ là "cung nữ" thì sẽ thấp hèn.

Thực tế điều này hoàn toàn là sai lầm, đặc biệt là với cung đình nhà Thanh. Ở thời đại này, cung nữ cùng hậu phi tuy vị trí khác biệt nhưng lại đều có nhân phẩm như nhau.

===
Xã hội Trung Quốc thời trước, thậm chí là Nhật Bản, Hàn Quốc lẫn Việt Nam trước Nguyễn đều theo hình thái xã hội phân biệt "Lương" 良 và "Tiện" 賤, nhân quyền của hai hạng này đều có sự khác biệt nhất định, trong đó hạng tiện là bị khinh rẻ nhất, tuy không có luật cho phép chủ nhân tùy tiện giết hại nhưng mua bán đều được.

Thân phận cung nữ ở các triều đại trước Thanh khá phức tạp và đa dạng, nhưng dựa vào thói quen chung thì cung nữ ở các triều này thường có hai thân phận cả lương lẫn tiện. Ví như Triều Tiên có thói quen tuyển chọn hạng thường dân vào cung làm "Nội nhân" 內人, tức đều thuộc về "lương", tuy nhiên lại cũng có tầng lớp "Hạ nữ" 下女 xuất thân là nô tỳ nhà quan, tức thuộc "tiện", để làm các việc nặng, khác hẳn nội nhân là phục vụ bên cạnh chủ nhân. Triều Thanh khác biệt với các triều khác ở chỗ nhân sự thuyên giảm, cả thái giám và cung nữ tử đều ít hơn các triều trước, trong đó cung nữ tử chỉ làm việc bày trí đồ vật, hầu hạ gần chủ nhân mà việc nặng đều do thái giám làm, do đó xuất thân của cung nữ tử triều Thanh đều là lương dân, tức người bao y.

Rất nhiều người hiện đại nhầm bao y ngang với nô lệ, thực tế mình đã giải thích nhiều ở các bài trước, ở bài này chỉ liệt kê những yếu tố để nói rằng bao y hoàn toàn không liên quan gì đến nô lệ. Cái gọi là nô lệ, tức là "tiện" trong xã hội lương-tiện cũ, họ đều có đặc tính sau:
Không có thân phận độc lập trên pháp luật. Điều này biểu hiện ở hộ tịch, họ không có hộ tịch riêng mà phụ thuộc vào hộ tịch của người chủ, do đó cũng được gọi là "Hộ hạ nhân" 户下人;
Mất đi quyền tự chủ thân thể. Đặc điểm là dễ bị chủ nhân tiến hành mua bán;
Trên pháp luật không được đối đãi với thân phận "Lương nhân" 良人 và "Chính thân" 正身;
Không thể tham gia khoa cử;

Những điều này, người bao y hoàn toàn trái ngược:
Có hộ khẩu độc lập. Người bao y chính là "Kỳ nhân" hay gọi là "người Bát kỳ" trong diễn Nôm. Bên cạnh đó, bọn họ còn có thể sở hữu hộ hạ nhân của riêng mình;
Có được quyền tự chủ thân thể. Người bao y vào cung và vương công phủ đệ để phục vụ hoàng thất, nhưng cả hoàng thất cũng không thể tự do mua bán hay thậm chí giết hại, giới hạn lớn nhất là đuổi việc;
Trên pháp luật, người bao y thuộc về khái niệm thân phận "Lương nhân" 良人 và "Chính thân" 正身, cùng với nhóm Ngoại bát kỳ (Mãn-Mông-Hán) là cùng loại thân phận;
Người bao y có thể tham gia khoa cử, làm quan đầu triều cũng có;

Những điều này có thể thấy rõ pháp luật triều Thanh minh bạch lương-tiện cỡ nào, cũng cho thấy sự "ti tiện" của cung nữ triều Thanh là không tồn tại. Họ vào cung phục vụ hoàng thất, cũng giống hậu phi phục vụ hoàng đế và thái hậu, đều cùng một mục đích đền báo ân chủ nhân tối cao, họ cùng hậu phi đều xuất thân dân lành như nhau.

HẬU CUNG NHÀ THANHNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ