Tháng ba, mùa xuân, hoàng đế nhường ngôi cho thái tử rồi lên làm thái thượng hoàng. Thái tử lên ngôi hoàng đế, tự xưng Nhân Hoàng, đổi niên hiệu Thiệu Long.
Quan thần của Đông Cung nhập vào cung Quan Triều của hoàng đế, còn các viên quan tiền triều thì lui về cung Thánh Từ cùng thái thượng hoàng, những thay đổi ngổn ngang cùng tang lễ của Linh Từ Quốc mẫu, phu nhân của nguyên thái sư khiến công việc chồng chất, hậu cung vì thế mà chưa định thân phận. Tuy vậy nhưng Trần thị vẫn là người có uy lực lớn nhất trong tất cả cung nhân, nguyên do phải kể đến cái thế lực chống lưng cùng những mối quan hệ ngầm với quan thần ngoài tiền triều.
Đặng Kế cũng là một trong những vị quan thần từng nhận bạc từ phía Trần thị. Ông không phải tham quan, vô tài, vô đức có thể tuỳ tiện nhận hối lộ từ phi tần hậu cung chỉ để làm giàu cho bản thân. Tuy là nhà Nho nhưng Đặng Kế không bị những giáo điều cứng nhắc trói buộc, ông có lí lẽ và lập luận của riêng mình đối chọi với mỗi thực tại khác biệt. Ông chịu nhận bạc của Trần thị vì ông nhìn ra được, từ sau khi An Sinh vương thác, những đứa con của ngài không có ác niệm, họ cũng chỉ muốn lôi kéo chút bè phái để thuận lợi trong chốn quan trường. Phần khác, ông còn ngưỡng mộ tài dùng binh cùng cái phẩm cách cao thượng của Hưng Đạo vương. Ông tin chắc, một người như vậy không phải loại tiểu nhân tầm thường. Nhưng tất nhiên làm gì cũng phải tính đường lui, mâu thuẫn nội tộc họ Trần, một quan thần khác họ như Đặng Kế không nên can thiệp quá sâu để tránh đi kết cục như mấy mươi quan thần năm xưa bị xử chết bên bờ sông Cái. Không đối nghịch cũng chẳng ủng hộ, ông lựa chọn ở phía trung lập, thi thoảng thuận tiện thì âm thầm giúp đỡ.
Đặng Kế là Hàm lâm viện học sĩ chuyên việc biên soạn chiếu lệnh cùng sắc dụ [1] nên ông thường xuyên lui tới làm việc trực tiếp với quan gia. Một chiều thu muộn, quan gia dụ ông thảo một bài chiếu sắc phong Phu nhân,
"Thiên Cảm, trẫm muốn ban cho Trần thị mỹ hiệu này."
"Thiên Cảm? Không biết dụng ý của bệ hạ là..."
Đặng Kế vuốt nhẹ chòm râu bạc, bộ quan phục màu tía trên người càng tôn thêm cái vẻ học giả, đường bệ của một nhà Nho đã đọc qua hết thảy tam thư, ngũ kinh để thấu trọn thế thái nhân gia. Nghe được lời nói buông lỏng của một ông quan văn vốn cứng nhắc, hoàng đế bỗng cao hứng khác thường,
"Đâu cần ý nghĩa gì đặc biệt, không phải tên vốn dĩ để phân biệt người với người sao?"
Dù đã từng nhận bạc từ Trần thị nhưng ngày ban chiếu sắc phong Phu nhân là lần đầu tiên Đặng Kế được diện kiến cô ả. Không biết là do có họ hàng hay sự trùng hợp vô tình nào đó, Trần thị và hoàng đế phảng phất một nét gì đó rất tương đồng. Cả hai đều mang một vẻ thâm trầm, yên tĩnh, nửa thanh cao, nửa kín đáo khiến người đối diện phải e dè cái khí chất vương giả toát ra từ người họ. Một người thiếu nữ đoan trang như sương, một người đàn ông đạo mạo như nước, khi đứng cạnh nhau tạo nên một bức tranh thuỷ mặc êm đềm.
Chỉ vài ngày sau khi ban ra chiếu chỉ sắc phong Phu nhân, Đặng Kế lại được thái thượng hoàng trực tiếp dụ, thảo thêm một chiếu chỉ sắc phong Trần thị làm hoàng hậu. Sau khi định danh phận Phu nhân, ai cũng nghĩ rằng Trần thị sẽ phải an phận mấy mươi năm, nhưng chưa đầy nửa tuần trăng đã lập tức được phong hoàng hậu. Những quan thần đã từng nhận ân tình của cô ả thì đứng im không ý kiến, chỉ còn phe cánh đối nghịch kiên trì quỳ gối cầu khẩn thượng hoàng xem xét lại. Quan gia cũng chẳng có vẻ bất ngờ với quyết định này của thượng hoàng, vui vẻ thuận theo.
BẠN ĐANG ĐỌC
Trăng Nhàn. [Cảm hứng lịch sử]
Fiksi Sejarah- Tác giả: Chuyết Hiên. - Thể loại: truyện không ngắn (tầm mười chương), viễn tưởng, cảm hứng lịch sử, lãng mạn, gia đình, nhẹ nhàng. - Nhân vật chính: Thiên Cảm Trần Thị Thiều, Thánh Tông Trần Hoảng và rất nhiều nhân vật cùng thời khác. - Bối cảnh...