Kiên trì, kiên trì, nhất định phải kiên trì
Gần đây việc học hành của tôi không được suôn sẻ lắm. Không thể hiểu những gì giáo viên nói, không bắt kịp bạn bè là cảm giác của tôi trong nhiều tiết học. Mà như một lẽ tự nhiên, thứ không thể hiểu sẽ khiến ta chán ghét. Càng chán ghét càng muốn tránh như tránh tà. Đụng đến liền thấy mệt mỏi, chán trường. Theo lẽ tự nhiên này, tôi dần chẳng tha thiết học nữa. Có thể nói đối với việc học tôi đã chết tâm.
Bạn tôi nói, có thể vì ngành này không phù hợp với cậu nên cậu mới thấy vậy. Tôi chợt nghĩ, thế nào là phù hợp?
Trước khi đặt chân vào giảng đường, tôi là dân tự nhiên. Hồi đó môn tôi học được nhất là môn hóa. Thành tích môn này của tôi có thể coi là cao nhất lớp. Kỳ thi THPT cũng đạt điểm khá cao. Thế nên tôi quyết định chọn chuyên ngành liên quan tới môn học này. Lúc đưa ra lựa chọn này tôi nghĩ sau này việc học chắc cũng không quá vất vả. Sau đó mới biết đó chỉ là tôi nghĩ. Thầy tôi nói, cách giảng dạy đơn giản hóa mọi vấn đề ở cấp ba khiến các em lầm tưởng môn này rất dễ. Tới khi học sâu vào mới biết, mình vốn chẳng biết gì về nó. Trước khi vào trường ai cũng nói tôi phù hợp với ngành này. Chỉ sau một năm lại có người nói với tôi rằng tôi vốn chẳng hề phù hợp. Vậy chẳng lẽ chỉ sau một năm tất cả đã thay đổi?
Vì là dân tự nhiên nên việc tôi dở các môn xã hội cũng rất bình thường. Mà môn tệ nhất chính là môn văn. Mỗi lần phát bài kiểm tra chỉ toàn ba với bốn. Đáng thương tới mức tôi cũng chẳng dám nhìn. Lúc đó tôi cũng tự ý thức được mình không phù hợp với việc viết lách. Nhưng gần đây vì áp lực khá lớn nên tôi chọn dùng con chữ để giảm bớt phần nào. Một vài người nói bài viết của tôi không tồi. Nói tôi khá phù hợp với việc viết lách. Vậy rốt cuộc là tôi phù hợp hay không?
Câu trả lời tôi cũng chẳng rõ. Chỉ rõ một điều. Dù phù hợp hay không phù hợp thì đối với lựa chọn của mình nhất định phải có trách nhiệm.
Mệt mỏi, chán trường, mất động lực ai mà chẳng phải trải qua. Đây là yếu tố tất yếu của trưởng thành. Như Mễ Mông từng viết:
Con người sẽ trưởng thành ba lần.Lần đầu là khi nhận ra mình không phải trung tâm của thế giới. Lần thứ hai là khi phát hiện ra dù cố gắng đến đâu vẫn có những việc cảm thấy thật bất lực. Lần thứ ba là khi biết rõ có những việc bản thân không thể làm được nhưng vẫn cố tranh đấu đến cùng.
Tôi có một nguyên tắc khá ngớ ngẩn. Đó là có thể kém cỏi hơn người khác nhưng không nói đến việc bỏ cuộc. Khẩu hiệu mỗi ngày của tôi chính là: dù có rớt môn này cũng phải rớt cho vinh quang. Rớt cho không hổ thẹn với lòng mình. Câu khẩu hiệu này luôn khiến tôi nhớ đến một chuyện xưa.
Năm lớp 8 là năm đầu tiên chúng ta học hóa. Cô chủ nhiệm của tôi là giáo viên dạy hóa. Hồi đó vì không ưa giáo viên chủ nhiệm nên lần nào tới tiết hóa tôi cũng ngủ. Như một lẽ thường tình, bài kiểm tra hóa đầu tiên tôi được 5 điểm. Lúc nhìn con điểm tôi đã bị sốc và giận dữ. Không phải giận cô mà là giận mình. Giận mình tự hủy hoại mình. Từ đó tôi bắt đầu chăm chỉ nghe giảng, quyết tâm thay đổi bản thân. Để lần sau nhận điểm thấp cũng không cần tự trách nữa. Từ ngày đó tôi bắt đầu đi trên con đường "phục thù" môn hóa. Cứ mãi như vậy, chẳng biết từ bao giờ tôi lại thành người nằm trong top giỏi hóa của lớp. Phục thù mãi tới nỗi giờ học chuyên ngành hóa học. Bây giờ cảnh xưa lặp lại, tất nhiên cũng phải dùng lại khẩu hiệu xưa.
Trước nay tôi luôn cảm thấy tam quan của mình có chút bất ổn. Vì mọi người ai cũng nói " cái gì không thuộc về mình thì có cố tranh giành cũng vẫn không có được." Tôi lại không cho là như vậy. Với tôi, đã là thứ mình thích thì nên đấu tranh vì nó. Chỉ cần không làm gì trái với luân thường đạo lý là được. Bạn chưa từng cố gắng vì nó lại nói rằng nó vốn chẳng thuộc về mình. Bạn thích điều gì đó nhưng vì tin thứ gì là của mình cuối cùng vẫn sẽ là của mình mà ngồi im đợi nó đến. Bạn cảm thấy nó sẽ đến chứ?
Vậy nên tôi vẫn luôn quan niệm rằng đối với việc gì cùng nên liều mình một lần. Cuối cùng cho dù kết quả là gì cũng không ân hận. Tôi cũng tin rằng trên đời này ngoại trừ tình yêu của người không yêu bạn thì nỗ lực nào cũng sẽ đem đến kết quả tốt.
Giống như nguyên tắc 10.000 giờ vậy. Malcolm Gladwell đã viết về nó như sau "10,000 giờ là con số kỳ diệu của sự vĩ đại". 10,000 giờ đồng hồ luyện tập là đòi hỏi bắt buộc để đạt được cấp độ tinh thông và khả năng trở thành một chuyên gia đẳng cấp thế giới - trong bất kỳ lĩnh vực nào".
Vậy nên nhất định phải kiên trì. Đừng lựa chọn từ bỏ quá sớm vì cho rằng mình không làm được. Bởi biết đâu, thành công bạn luôn mong đợi nằm ngay sau khoảnh khắc bạn muốn từ bỏ đó.Qua những dòng chia sẻ trên , chỉ muốn nói 1 điều đến các cậu rằng hãy thật kiên trì thực hiện việc mà bản thân muốn làm nhé .
Cậu không cần phải tự ti về bản thân vì con người sinh ra không ai hoàn hảo hết , chính bản thân các câu hiện giờ cũng đã rất xuất sắc rồi!
BẠN ĐANG ĐỌC
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
FanfictionĐây là một bộ truyện tùy hứng thôi , chủ yếu là mỗi một chương mình sẽ chia sẻ những thông tin và câu chuyện khác nhau