Chương V (1):

132 23 0
                                    

Không phải lời kể của nhân vật

----Đà Lạt, năm 1998, sân sau một gian nhà cấp 4 xóm Hạ----

Tiếng vỗ tay vang lên liên hồi.

-Chị, chị nhảy đẹp quá, lại một lần nữa đi chị.

-Cho chị thở chút, đây là bài thứ ba rồi đó bé con.

Nụ cười nở bừng trên khuôn mặt xinh xắn đang đỏ lên vì nắng nhuộm mồ hôi nhễ nhại của người con gái, cô đi lại và ngồi xuống bậc thềm, bên cạnh cậu bé.

-Trông chị nhảy thích ghê.

-Thế em cũng học nhảy đi.

-Mọi người đều chê bai khi em nói thế còn gì.

Một tiếng vọng vang lên trong đầu cô gái: Làm cha mẹ khó thật!

Căn bản thực chất là muốn để an toàn của con lên đầu, nhưng lại vô tình gieo vào đầu con trẻ những suy nghĩ ngăn cản sự phát triển của nó.

Vùi dập hi vọng và đam mê của tụi nhỏ ngay từ khi chúng mới nhen nhóm hình thành. Mang "nhiệm vụ" dẹp những suy nghĩ tiềm tàng khả năng tổn hại đến trẻ, nhưng thực chất là giết chết sự tự tin của chúng.

Trong cái xã hội mà họ tranh nhau từng chút để kiếm cơm áo gạo tiền thế này, người ta coi việc theo đuổi đam mê, ước mơ là viễn vông. Nhưng đời người ngắn ngủi như thế, cứ cắm mặt chạy theo những nhu cầu về vật chất, đến lúc chết đi rồi, liệu có mấy ai bình tâm, hạnh phúc vì số tiền cả đời mình dốc sức cày cuốc, cuối cùng đổi thành một cái hòm thật to, được làm bằng gỗ xịn cất công đem từ tận ngọn núi A, B nào đấy xuống, hay liệu sẽ ăn năn rằng không biết cuối cùng cả đời mình đã làm những gì để đem lại giá trị hạnh phúc cho bản thân, để giờ phút nằm xuống có thể bình tâm không hối hận.

Nói những điều này với một đứa trẻ thật tiêu cực quá.

Ngưng một chút, cô gái lựa lời đáp:

-Một phần là mọi người lo cho sức khỏe của em ấy mà, tính chất công việc này cũng có phần khắc nghiệt nữa. Dù vậy, chị nghĩ là nếu em thích thì cứ làm thôi. Đây là cuộc đời em, em đừng để sau này, khi em nghe theo mọi người, rồi không thành công với công việc mà mọi người ngoài kia đặt mốc là thành đạt hoặc thành đạt nhưng lại không làm em hạnh phúc, em sẽ không tránh khỏi suy nghĩ đổ lỗi cho những lời nói ấy đâu. Kiểu là: "Giá như lúc đó mình không nghe lời họ" hay "Tại họ mà bây giờ mình mới thế này.". Hãy sống một cuộc đời không làm em hối hận, không thể đổ thừa ai đó khi toàn bộ từ đầu đến cuối đều là sự lựa chọn của em. Hãy cứ làm cái em thích, "đừng để em bị mắc kẹt trong giấc mơ của người khác." Chị cười rồi xoa đầu tôi.*

Khoảnh khắc đó thế giới quan của tôi thay đổi.

Từ giây phút ấy, tôi đi theo chị để coi mọi người trong nhóm tập nhảy. Vì còn nhỏ nên tôi không thể làm theo một số động tác được. Dù vây, tôi được tiếp xúc với âm nhạc, cộng thêm cái máu nghệ thuật thừa hưởng từ chị nên qua thời gian tôi dần nhảy theo được. Ban đầu thì là bắt chước linh tinh thôi, nhưng dần được các anh chị cùng nhóm tập cho thì nom cũng chuyên nghiệp lắm. Đam mê trong tôi cũng mỗi lúc một lớn dần.

Vậy mà chị mất.

Năm đó tôi gần bảy tuổi. Nguồn năng lượng và cảm hứng chị truyền cho tôi còn chưa đâu vào đâu thì người con gái ấy ra đi vĩnh viễn vì "tai nạn sân khấu" – cái mà khi chuyện mới nổ ra người đời vẫn thường dùng để lí giải cho cái chết của chị.

Đám tang chị, mẹ như chết đi, còn ba thì biến mất. Họ phản ứng mạnh vốn là vì ban đầu không muốn chị theo nghiệp thần tượng hay bất cứ thứ gì liên quan đến giới nghệ sĩ đầy phức tạp.

Sau đám tang, ba không còn quay về nhà nữa. Có người nói trên đường đi, trong lúc bần thần, ông gặp tai nạn, người thì bảo ông tự sát để theo con gái, một số thì dám đảm bảo rằng ông còn sống, nhưng chẳng biết ở đâu. Mà dù là sao đi nữa, ông cũng không về, chị mất cũng đã mất, mẹ con tôi vẫn phải sống tiếp giữa miệng lưỡi dư luận vẫn cứ đang không ngừng xôn xao bàn tán về bi kịch của cái nhà này.

Chỉ là, người phụ nữ ấy, mẹ tôi, đã phải gồng gánh rất nhiều chuyện. Con gái mất đã là một cú đánh giáng trời vào cái thân người nhỏ bé đó. Đáng ra những lúc như thế, ba phải là chỗ dựa cho mẹ, cùng bà vượt qua nỗi đau. Vậy mà ông đi mất. Ban đầu tôi giận, nhưng rồi chuyển sang buồn nhiều hơn. Tôi biết ba vì thương chị quá nên mới như thế. Đây vốn là bi kịch, bi kịch không ngờ đến xảy ra với gia đình nhỏ chúng tôi.

Vì chỉ còn tôi và mẹ, mọi chi phí trong nhà đều là do bà lo liệu. Vậy nên, mẹ phải đi làm nhiều việc hơn, thường xuyên tăng ca hoặc làm thêm bán thời gian. Dù thế, mẹ vẫn rất cố gắng để quan tâm tôi bù lại phần tình thương của một người cha.

Khoảng thời gian này, tôi ở nhà một mình khá nhiều. Những lúc ấy, tôi thường nhìn lại tấm ảnh gia đình đóng khung gỗ ở đầu giường, rồi đôi mắt tôi lại di đến di ảnh của chị. Ảnh được chọn là một tấm chị nhìn máy, cười và giơ tay chữ V, tôi nhớ tấm này được chụp trước giờ trình diễn ở hậu trường một mini concert mà team chị được mời đến collab. Lúc đó, chị còn hớn hở bảo rằng đây là lần đầu tiên mà team chị được diễn show lớn như thế. Từ hôm đó đến nay còn chưa được nửa năm, vậy mà...

Từ sau cái tai nạn đấy, âm nhạc, vũ đạo dường như biến mất khỏi cuộc đời tôi và mẹ. Tôi không phải không muốn nhớ tới, chẳng là, cái hoàn cảnh lúc này, không cho phép tôi được tiếp tục nữa.

Chỉ là, thình thoảng tôi lại nhớ đến khuôn mặt, nụ cười của chị và những thứ cuối cùng chị để lại cho tôi trước khi chị mãi mãi về với bầu trời.

Tai nạn ấy diễn ra lúc tôi đang ở phòng tập nhảy, bật TV mong chờ màn trình diễn của nhóm.

-Là tiết mục thứ tư nhỉ.

Tôi vừa rà kênh vừa nói thầm.

6h55 tối 27 tháng 4...

Tôi tặc lưỡi, "chẳng phải 6h30 bắt đầu chương trình sao? Giờ mà vẫn chưa thấy gì."

Rồi bỗng chuông điện thoại reo lên, là số của trưởng nhóm nhảy.

-Em nghe!

-Em đến đây mau đi, chị em gặp tai nạn rồi.

*Lời kể của Hy Thừa.

𝔹𝕠 𝕔𝕠𝕟𝕘 𝕒𝕟𝕙 𝕓𝕒 𝕜𝕚𝕖𝕡 | 𝕝𝕖𝕖 𝕙𝕖𝕖𝕤𝕖𝕦𝕟𝕘Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ