Lệ Sa cẩn thận nép ở cửa buồng, ẩn nhẫn chờ đợi.
Nay đã là năm thứ mười em gán thân cho nhà hội đồng Trạch, có thể nói là lâu nhất trong đám người ở lẫn tá điền trong nhà. Là đứa con rơi con rớt của một thầy thông ngôn trên Sài Gòn với một con hát, số phận của em vốn đã có thể bi thảm hơn cả việc bị bỏ rơi ngoài ruộng. Nhưng thật may mắn , cô Thái Anh đã nhìn thấy em.
-Cô ơi, cần em phụ gì không ? - Em gọi với vào trong, còn muốn đẩy cửa đi vào.
-Thong thả chớ! Em mần chi hối chị dữ vậy ? - Bên trong trả lời ra, tuy lời có ý lẩy nhưng giọng thì nhẹ hững như giỡn chơi.
Dăm ba phút sau, Phác Thái Anh vui vẻ tung cửa ra, ưỡn ngực khoe tấm áo mới may màu mỡ gà, miệng còn cười không dứt.
-Em coi được không Lệ Sa ? Má chọn màu này coi bộ tôn da chị dữ lắm.
Thái Anh không nói quá, sắc vàng lúc nào trông cũng hợp với sắc da, mái tóc của chị ấy. Lệ Sa ngó thấy cũng kiềm lòng không đặng, phải buộc miệng mà lên tiếng cảm thán:
-Áo hợp với cô dữ thần! Em nhìn mà còn thấy mê, em mà là đàn ông thì em đem lễ qua dạm hỏi cô liền.
Thái Anh dường như rất ưng bụng với mấy lời này của Lệ Sa, mặt mày tươi tắn lên thấy rõ. Cô liền kéo em ra trước gương, ấn cho em cây lược bằng ngà mà bắt em chải tóc cho mình. Ôm mớ tóc mềm trên tay, tâm tình Lệ Sa chợt cảm thấy mềm nhũn lẫn ấm áp lạ.
-Chiều nay anh hai ảnh từ Sài Gòn về tới, chị tính mượn *sốp-phơ của ảnh mà chở má đi Chợ Lớn chơi. Em đi với chị ha?
Lệ Sa suýt đã quên mất trả lời, chỉ chăm chăm nâng niu mái tóc trên tay. Em đang nghĩ rằng có lẽ chiều nay em nên thử hòa cả hoa nhài vào nước tắm cho cô Thái Anh, vỏ bưởi có vẻ như chưa đủ thơm. Dù cho em đã rất cất công hái bồ kết, chẳng biết vì cớ gì tóc của cô ba không đen nhánh mà chỉ hung hung, nâu như vỏ dừa khô. Nhưng như mớ mứt dừa phơi đúng nắng, mái tóc ấy ánh lên rực rỡ tựa ánh đuốc vào những hôm nắng giòn, ép ánh mắt em dán mãi vào mặt trời thứ hai ấy.
-Em đâu dám. Em làm vậy bà lớn rầy chết.
-Má dễ lắm, em cứ đi theo. Má chỉ khó chuyện lấy chồng à. Nghe nói anh hai ảnh tính làm mai cho chị anh bạn học nào của ảnh trên Sài Gòn, mà ảnh làm như chị dễ tánh lắm.
-Chứ tánh lựa chồng của cô ra làm sao mà cô nói khó ? - Lệ Sa hỏi, giọng em vô thức nhỏ hẳn xuống.
Ánh mắt Thái Anh chợt sáng lên làm Lệ Sa đâm ra chột dạ lạ thường, tay em đưa lược chốc đã hơi run rẩy. Cô ba làm ra vẻ nghĩ ngợi lung lắm, rồi toe toét cười:
-Muốn rước chị là phải kiếm được lá diêu bông làm sính lễ nghen.
-Lá gì ngộ vậy cô ? Lá đó nó mọc ở đâu?
Lệ Sa nhớ Thái Anh đã chẳng nói gì, chỉ tủm tỉm cười mãi.
Cậu hai dắt bạn về nhà, người đó là con độc đinh một chủ xưởng gỗ lớn, còn được chánh phủ Pháp cấp học bổng cho ăn học đặng mai sau làm chức thông ngôn. Lệ Sa nhớ hôm ấy mình đã lui cui dọn mâm chén lên nhà lớn , quay đầu nhìn thấy người ấy cùng Thái Anh dựa cây nhãn sau hè nói chuyện mà lòng đắng như khổ qua còn non, chua hơn cả mớ xoài xanh em vặt để dành khi cô lạt miệng.
Em tự hỏi cô ba thích gì ở người đó. Gia cảnh ? Vẻ ngoài ? Hay đơn giản chỉ là tính tình hiền như đất lẫn cái răng khểnh mà cô luôn ra vẻ mơ màng khi nhắc về ? Lúc đầu, cô giữ kẻ mà chỉ tiếp chuyện cho có lệ. Nhưng rồi như trúng phải một thứ tà thuật, đôi mắt cô bắt đầu sáng lên trước những lời phun châu nhả ngọc ấy, đôi môi hồng luôn miệng nhắc đến tên người mỗi lần cậu hai về nhà vào dịp Chúa Nhựt, ngón tay mảnh mai bắt đầu tập gò nên những nét chữ nhắn gửi những lời thổn thức lên mặt giấy.
Em thấy hết thảy, mà chẳng biết phải làm gì bây giờ.
Em chỉ biết lẳng lặng đem quần áo của cô ra giặt, cẩn thận chà lại bằng vỏ bưởi sau khi xả nước cho thơm.
Em chỉ biết đứng cạnh giường cô mà quạt đuổi muỗi, đến tận khi gần bình minh mới trở về giường.
Em chỉ biết để dành những trái mận giòn ngọt, đâm muối ớt cay thêm một chút pha lẫn ít tôm khô. Cô vẫn thường nói ăn mận không chấm muối ớt thì khác nào thương nhau mà không nói được, bứt rứt lắm.
Chuyện trăm năm của cô rồi cũng dần thành hình khi người kia đem cha má xuống thưa chuyện dạm hỏi. Ngày chiếc xe bốn bánh đậu xịch lại trước cổng, cô Thái Anh nép sau tấm rèm tròn mắt trông ra phía sân mà ngóng, cặp má hồng hây hây đỏ khi nhìn người con trai Sài Gòn bước đến nắm lấy tay mà dìu cô ra ngoài bộ ván ngựa trước nhà cho phụ mẫu nhìn mặt.
Lệ Sa lúc ấy đương lúi húi nhóm lửa nấu nước châm trà, tay đưa mớ xơ dừa vào bếp mà tâm trí chỉ đặt ở những lời về trầu cau, mâm quả, vàng vòng ở nhà trước, tay bị hơ đến đỏ hồng lên mà không hay. Nhưng lạ lắm, tay cũng phỏng rồi, nhưng dường như nơi ngực áo mới là chỗ rỉ máu , nếu không cớ sao lại đau như thế này? Lại nóng như thế này ?"Con chim đa đa đậu nhánh đa đa
Chồng gần không lấy mà lấy chồng xa"Hồi còn nhỏ dại cô Thái Anh thích nhất là nghe em ngâm 2 câu này. Cô từng nói sẽ lấy một người cùng thôn, sẽ ở cạnh để phụng dưỡng cha mẹ già thay cho người anh nặng chí tang bồng. Nhưng Sài Gòn có xa không ? Xa chứ, đi bộ cũng phải mất 2, 3 ngày đường. Thế sao cô vẫn đi ? Thế sao cô không ở lại ? Sao cô không giữ lấy những lời cô đã nói với em ?Người kia đem đến sinh lễ có vòng có vàng, trầu cau mâm quả. Chớ có lá diêu bông đâu mà cớ sao cô Thái Anh nhận lời?
Lệ Sa biết cô đã quên, Lệ Sa biết ái tình đã che mờ đôi mắt trong biếc của cô. Có lẽ em nên nhắc cho cô nhớ, nhắc cho cô bằng việc dứt áo đi tìm lá diêu bông.
Nhưng lá diêu bông tìm ở nơi nào ?
Những thứ của ngon vật lạ luôn bắt nguồn từ trong rừng, nên em liền vác rựa băng rừng mà kiếm. Em đi ngay trong đêm trước ngày rước dâu, đi mãi đi mãi. Trên đầu em là ánh trăng sáng soi rõ bóng em, trong lòng em là thứ tình cảm soi rõ lòng mình.
Em đi mãi và đi mãi, và đi mãi.
Người ta không nghe gì về em nữa. Ông bà hội đồng tưởng em đã vì khổ cực mà trốn đi, Thái Anh không vì mất đi một con ở mà hoãn cuộc ân ái với người chồng đầu ấp tay gối. Duy chỉ có dân trong thôn thỉnh thoảng lại nghe tiếng ngâm từ nơi nào đó trong rừng già vọng lại, ngâm về câu chuyện người con gái đòi lá diêu bông làm sinh lễ, nỉ non mãi thầm trách người con gái sao vội lấy chồng.
![](https://img.wattpad.com/cover/312722577-288-k445490.jpg)