Chỉ dẫn thực tập 3 lạy

8 0 0
                                    

Chỉ dẫn thực tập 3 lạy



Thực tập ba lạy góp phần xây dựng tăng thân và hoàn cảnh của ta, làm cho ta có hạnh phúc. Thực tập ba lạy này trong ba tháng ta sẽ thấy hoàn cảnh của ta – y báo của ta – thay đổi và hạnh phúc của chúng ta tăng tiến.


Ba lạy được biểu tượng bằng một chữ thập và vòng tròn.


Ta bắt đầu bằng con đường dọc rồi tiếp đến bằng con đường ngang và sau hết là vòng tròn. Khi lạy xuống cái lạy đầu tiên, ta quán chiếu về tổ tiên và con cháu. Khi lạy ta nên lạy mọp xuống, càng sát đất càng tốt. Hai chân và hai tay sát xuống đất, trán cũng dính vào đất. Trong tư thế ấy, ta bắt đầu buông thư tất cả các bắp thịt trong cơ thể. Ta phải buông bỏ hết những gì ta nghĩ là ta, là của ta, để có thể hòa nhập được vào dòng sanh mạng của tổ tiên, trong đó có ta. "Con có tổ tiên tâm linh của con là Bụt, các vị Bồ Tát, các vị thánh tăng. Có nhiều vị đã đạt tới mức toàn hảo về trí tuệ cũng như về thương yêu, nhưng cũng có các vị chưa đạt tới mức ấy, cũng còn những yếu kém, những khó khăn, những lên xuống." Bên phía gia đình huyết thống cũng vậy. "Con có những vị tổ tiên rất cao, rất đẹp, nhưng cũng có những vị tổ tiên còn đau khổ, còn lên xuống. Nhìn vào con, con thấy con có những cái rất hay, rất tốt, nhưng con cũng còn có những yếu kém, nhu nhược, những lỗi lầm, những khuyết điểm. Con là ai mà không dám chấp nhận tổ tiên của con, vì vậy con chấp nhận tất cả quí vị là tổ tiên của con, và con hòa đồng với quí vị." Lạy được như vậy, tự nhiên ta hòa giải được với tất cả tổ tiên của ta. Nếu ta giận thầy hay giận cha, giận mẹ, giận anh, giận chị thì cái lạy này là cái lạy để hòa giải với tất cả. Tất cả đều là tổ tiên của mình, trong đó có cha, có mẹ, chú, bác, cô, dì và có cả anh, cả chị nữa. Tất cả những người sanh ra trước mình đều là tổ tiên của mình. Đối với người xuất gia cũng vậy. Người thụ giới trước mình là anh mình hoặc là chị mình, dù người đó ít tuổi hơn. Dù người đó còn dở hơn mình về phương diện học hỏi cũng như về phương diện tu tập, thì người đó vẫn là anh của mình, vẫn là chị của mình, và mình chấp nhận người đó là anh, là chị của mình, chứ mình không nói: người đó giỏi gì hơn tôi mà lại làm anh tôi hay là làm chị tôi? Tổ tiên của ta cũng vậy. Tổ tiên của ta có những vị rất xuất sắc và cũng có những người còn yếu kém, nông nổi, nhưng tất cả đều là tổ tiên của ta và ta phải chấp nhận họ. Cha mẹ và anh chị của ta cũng vậy. Trong họ có những điều rất hay rất tốt nhưng trong họ cũng có những yếu kém. Ta biết rằng ta cũng vậy. Trong ta có những cái hay cái đẹp nhưng cũng có những yếu kém, vì vậy cho nên ta chấp nhận anh ta, ta chấp nhận chị ta. Ta không nói: "Người đó không xứng đáng làm anh tôi, người đó không xứng đáng làm chị tôi, tại vì người đó có hơn tôi gì đâu?" Tổ tiên là tổ tiên thôi. Giỏi hay dở đều là tổ tiên. Cha mẹ là cha mẹ thôi, dù giỏi hay dở cũng là cha mẹ. Trong truyền thống đạo Bụt, người xuất gia được coi là trưởng tử và trưởng nữ của Bụt, tại vì khi phát tâm xuất gia, họ bỏ gia đình, ra nhập vào tăng đoàn và đóng vai trò của người anh và người chị của giáo đoàn. Vì vậy, dù còn nhỏ tuổi, còn học dở, còn yếu kém về giới luật và uy nghi, họ vẫn là anh là chị của ta như thường. "Những người xuất gia đó, tuổi nhỏ hơn tôi, học Phật pháp chưa bằng tôi, tu cũng chưa đến đâu, tại sao họ lại ngồi trước, họ lại ngồi trên, họ làm anh làm chị tôi sao được. Nói như vậy là chưa hiểu được cái ý nghĩa thế nào là tổ tiên, thế nào là người xuất gia, là trưởng tử của Như Lai. Trưởng tử là con lớn. Dù có hư hèn, dù có khuyết giới, người đó cũng vẫn là anh của ta, là chị của ta, tại vì truyền thống là như thế. Họ là trưởng tử của Như Lai, ta có thể giỏi hơn họ, nhưng ta không thể nói rằng họ không phải là sư phụ của ta, sư thúc của ta, sư bá của ta, sư anh của ta, sư chị của ta. Họ là họ. Tại vì họ chưa có điều kiện, chưa có nhân duyên nên họ chưa giỏi đó thôi. Từ đó mà ta đi xuống các em ta, tới các con ta. Những người giận em, ganh với em, những người thấy em mình dở, em mình cứng đầu, em mình khó chịu, em mình hỗn; những người giận con, ghét con, muốn từ con, từ cháu, những người đó phải thực tập cho tinh chuyên cái lạy thứ nhất. "Lạy đức Thế Tôn, ở trong con có những điểm rất gần với sự toàn bích, nhưng bạch đức Thế Tôn, trong con cũng có những yếu kém, những lên xuống, những nội kết và khổ đau, vì vậy con có quyền gì mà không chấp nhận các em của con và các con của con khi các em, các con của con còn có những yếu kém, những lên xuống, cứng đầu và khổ đau. Con chấp nhận tất cả những người ấy là em của con, là con của con, là cháu của con." Trong cái lạy thứ nhất ta phải làm cho được việc này, nghĩa là ta phải thực tập hòa giải được với những người trên ta và với những người dưới ta. Nếu cha mẹ mình đã sanh ra mình và chấp nhận mình là con, thì mình phải chấp nhận cha mẹ là cha mẹ, mình phải chấp nhận anh của mình là anh của mình, chị của mình là chị của mình, và em của mình là em của mình. Ta phải ôm lấy họ hết dù họ có hư hèn, dù họ có ương ngạnh, dù họ có khó khăn, dù họ có khổ đau, tại vì chánh trong ta cũng có những điểm tiêu cực đó. Mình là ai mà không chấp nhận cha mẹ mình, không chấp nhận anh chị của mình. Nếu thầy mình đã sanh ra mình, nếu thầy mình đã chấp nhận mình là học trò thì tại sao mình không chấp nhận người sư chị của mình là chị của mình, người sư anh của mình là anh của mình, người sư em của mình là em của mình. Dù người sư anh, sư chị hay sư em ấy còn có những yếu kém, còn có những lên xuống, còn có những trồi sụt, thì họ vẫn là sư anh của mình, sư chị của mình hay sư em của mình. Mình phải chấp nhận, mình phải hòa giải với người đó và chỉ có con đường ấy mới có thể giúp được những người kia. Cái lạy đầu tiên này ta phải lạy hàng ngày. Nhất là khi ta có vấn đề với cha mẹ, với thầy, với sư huynh, với sư đệ thì ta phải lạy cho thật hết lòng, phải phủ phục năm vóc sát đất.

Nhật Tụng Thiền Môn - Thiền Sư Thích Nhất HạnhNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ