Công phu chiều thứ tư

12 0 0
                                    

Công phu chiều thứ tư



Tĩnh Tọa – 20 tới 30 phút


Kinh Hành Im Lặng – một vòng


Kệ Mở Kinh


Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (ba lần) (C)


Pháp Bụt cao siêu mầu nhiệm


Cơ duyên may được thọ trì


Xin nguyện đi vào biển tuệ


Tinh thông giáo nghĩa huyền vi. (C)


Trì Tụng


Hướng về Bụt và Thánh Chúng trên hội Kỳ Viên (3 lần) (C)






Kinh Trung Ðạo Nhân Duyên



Ðây là những điều mà chính tôi đã được nghe hồi Bụt cư trú tại ngôi nhà khách ở trong một khu rừng thuộc tụ lạc Na Lợi. Lúc ấy có tôn giả Tán Ðà Ca Chiên Diên đến thăm người. Sau khi đảnh lễ dưới chân Bụt, đại đức lui về một bên, ngồi xuống và bạch:


"Thế Tôn, Thế Tôn thường nói tới danh từ chánh kiến. Vậy chánh kiến là gì? Thế Tôn diễn giải về chánh kiến như thế nào?"


Bụt bảo tôn giả Tán Ðà Ca Chiên Diên:


"Người đời thường nghiêng về hai khuynh hướng nhận thức: một là có, hai là không. Ðó là do vướng mắc vào tri giác sai lầm của mình. Vì vướng vào tri giác sai lầm cho nên mới kẹt vào hoặc ý niệm có hoặc ý niệm không. Tán Ðà Ca Chiên Diên! Phần lớn người đời đều bị kẹt vào chấp và thủ. Người không bị kẹt vào chấp và thủ thì không còn nắm giữ, kế đạt và vọng tưởng về cái ngã nữa. Người ấy biết cái khổ khi có điều kiện phát sanh thì nó phát sanh, khi hết điều kiện tồn tại thì nó tiêu diệt. Người ấy không còn nghi hoặc gì nữa cả. Cái thấy của người ấy không do bị ảnh hưởng của kẻ khác mà có, trái lại do chính người ấy tự đạt được. Cái thấy ấy gọi là chánh kiến. Ðó là cách trình bày chánh kiến của Như Lai. Vì sao thế? Người có tri kiến chân chánh khi quán sát về sự sanh khởi của thế gian thì không thấy thế gian là không. Người có tri kiến chân chánh thì khi quán sát về sự hoại diệt của thế gian thì không thấy thế gian là có. Tán Ðà Ca Chiên Diên! Chấp có là một biên kiến, chấp không là một biên kiến khác; Như Lai lìa hai biên kiến đó mà thuyết pháp ở trung đạo. Nghĩa là: Cái này có vì cái kia có, cái này sanh vì cái kia sanh; từ vô minh mà có hành, từ hành mà có thức, từ thức mà có danh sắc, từ danh sắc mà có lục nhập, từ lục nhập mà có xúc, từ xúc mà có thọ, từ thọ mà có ái, từ ái mà có thủ, từ thủ mà có hữu, từ hữu mà có sanh, từ sanh mà có lão tử và khổ đau chồng chất thành khối. Nếu vô minh không còn thì hành không còn, hành không còn thì thức không còn, thức không còn thì danh sắc không còn, danh sắc không còn thì lục nhập không còn, lục nhập không còn thì xúc không còn, xúc không còn thì thọ không còn, thọ không còn thì ái không còn, ái không còn thì thủ không còn, thủ không còn thì hữu không còn, hữu không còn thì sanh không còn, sanh không còn thì lão tử không còn và nguyên khối khổ đau chồng chất kia bị tiêu diệt."

Nhật Tụng Thiền Môn - Thiền Sư Thích Nhất HạnhNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ