NGUYÊN TẮC 8: NHỬ MỒI DỤ ĐỊCH

85 0 0
                                    


Khi khích được địch thủ ra tay, ta là người nắm quyền kiểm soát. Khiến cho đối phương đến với ta, và như vậy hắn phải thay đổi kế hoạch ban đầu. Dụ hắn bằng lợi lộc kếch sù – rồi tấn công. Cờ trong tay ta

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Tại hội nghị Vienna năm 1814, các cường quốc của châu Âu tụ họp về để phân chia những gì còn lại của đế chế Napoléon. Thành phố tưng bừng lễ hội, chủ nhà tổ chức những buổi khiêu vũ linh đình nhất. Tuy nhiên lởn vởn trong hội nghị vẫn là cái bóng của Napoléon. Vị cựu hoàng không bị hành quyết, cũng không bị đày ra biên địa xa xôi, mà chỉ bị quản thúc trên đảo Elba, không xa bờ biển nước Ý.

Ngay cả khi bị giam lỏng trên đảo, một kẻ gan dạ và thông minh như Napoléon Bonaparte cũng làm cho đối phương bồn chồn. Người Áo muốn mưu sát ông ngay trên đảo, vị Nga hoàng tính khí thất thường càng làm nỗi lo âu dâng thêm khi lên cơn tam bành ngay trong buổi họp vì bị một phần đất nước Ba Lan phủ nhận ông: "Coi chừng, ta sẽ cho con quái vật xổ lồng!", ông đe dọa. Ai cũng biết ông ám chỉ Napoléon. Trong số tất cả những chính khách trong phòng, chỉ có mỗi Talleyrand, nguyên cựu ngoại trưởng của Napoléon là có vẻ bình tĩnh và không tỏ vẻ quan ngại. Chừng như ông biết việc gì đó mà người khác không biết.

Trong lúc đó trên đảo Elba, cuộc sống cựu hoàng đế được nhại lại để chế nhạo sự vinh quang đã qua. Như là "vua" đảo Elba, cựu hoàng được phép hình thành triều đình riêng – ông có một đầu bếp, một bà chuyên lo chuyện y phục, một nhạc công piano chính thức cùng với một số quần thần. Tất cả màn kịch này được dựng lên để sỉ nhục Napoléon, và chừng như nó có hiệu quả.

Nhưng mùa đông năm đó xảy ra một loạt những diễn biến lạ lùng và ngoạn mục đến nỗi có thể dựng thành kịch bản. Elba luôn bị bao vây bởi cả đội chiến thuyền Anh Quốc, với mọi họng súng đều chĩa về những nơi nào có thể làm bàn đạp cho một vụ đào thoát. Vậy mà vào ngày 26 tháng 2 năm 1815, giữa thanh thiên bạch nhật một chiếc thuyền chở theo 900 người lại có thể đón được Napoléon để đưa ông ta ra khơi. Quân Anh đuổi theo nhưng không kịp.

Mặc dù sẽ an toàn hơn nếu rời khỏi châu Âu, song Napoléon không chỉ quyết định trở về Pháp mà còn đặt cược cao hơn nữa bằng cách tiếng về Paris với một đội quân ít người, với hy vọng khôi phục ngai vàng. Chiến lược này lại thành công – mọi người, mọi tầng lớp đều quỳ mọp dưới chân ông. Nguyên soái Ney dẫn quân từ Paris xuống bắt ông, nhưng khi binh sĩ gặp lại vị lãnh tụ yêu quý, họ phản phé. Một lần nữa Napoléon được tôn lên hoàng đế. Nhiều người tình nguyện gia nhập đoàn quân của ông. Cả nước như chìm vào cơn mê sảng. Tại Paris quần chúng nổi loạn. Ông vua vừa thế chỗ Napoléon chỉ còn cách là trốn khỏi đất nước.

Trong vòng trăm ngày sau đó, Napoléon trị vì nước Pháp. Nhưng chẳng bao lâu sau cơn mê say thoáng qua, nước Pháp vỡ nợ, mọi nguồn tài nguyên gần như cạn kiệt và Napoléon không thể làm gì nhiều để cứu vãn tình thế. Tháng sáu năm ấy tại trận Waterloo, hoàng đế vĩnh viễn đại bại. Lần này thì địch thủ đã tiêu hóa kỹ lưỡng bài học: Họ lưu đày ông ra hoang đảo Sainte Hélène rất xa ngoài khơi bờ biển Tây Phi. Ở đó không có cửa nào để đào thoát.

48 Nguyên tắc chủ chốt của QUYỀN LỰCNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ