NGUYÊN TẮC 18: ĐỪNG XÂY PHÁO ĐÀI ĐỂ TỰ VỆ, ĐỪNG TỰ CÔ LẬP

36 0 0
                                    


Thế giới đầy nguy hiểm và kẻ thù có mặt khắp nơi – ai cũng phải lo phòng thân. Pháo đài có vẻ là nơi an toàn nhất. Nhưng tình trạng cô lập này lại an ít nguy nhiều, bởi vì ta sẽ mất nguồn thông tin, trở thành một con mồi quá lộ liễu và dễ bắn hạ. Tốt hơn ta nên trà trộn vào những người xung quanh và lôi kéo liên minh. Đám đông sẽ che chắn cho bạn trước mũi dùi thù địch.

VI PHẠM NGUYÊN TẮC Hoàng đế đầu tiên của nước Trung Quốc thống nhất (221-210 TCN) Tần Thủy Hoàng là người quyền lực nhất thời bấy giờ. Đế chế ông ta rộng lớn và hùng mạnh hơn cả cơ đồ của Alexander Đại đế. Tần Thủy Hoàng chinh phục tất cả những lãnh thổ quanh vương quốc mình, rồi hợp lại thành một quốc gia duy nhất gọi là Trung Hoa. Nhưng vào khoảng cuối đời, ít ai được thấy ông.

Hoàng đế sống trong cung điện vĩ đại nhất thời bấy giờ, giữa thủ đô Hàm Dương. Cung điện có 270 thất thông nhau bằng hành lang bí mật hoặc địa đạo, nhờ đó Tần Thủy Hoàng tha hồ tới lui mà không ai thấy. Mỗi đêm ông nghỉ ở một thất khác nhau, và người nào lỡ nhác thấy thì lập tức bị bêu đầu. Chỉ vài người thân tín mới biết hành tung của ông ta, và hễ hé răng là bị xử trảm

Khi cần xuất cung thì Tần Thủy Hoàng phải hóa trang vi hành. Trong một lần vi hành như thế ông đột ngột băng hà. Thi thể ông được mang trở về kinh thành trong kiệu ngọc, theo sau là một xe chất đầy cá để ngụy trang mùi hôi xác chết – không ai được biết về cái chết đó. Ông ta qua đời trong sự cô đơn, cách xa hậu cung và triều đình, quanh ông lúc ấy chỉ có một cận thần và quan thái giám.

Diễn giải Tần Thủy Hoàng khởi nghiệp là vua nhà Tần, vươn lên từ vị trí một chiến sĩ vô úy với tham vọng vô hạn. Ông ta gồm thu thiên hạ bằng mánh khóe và bạo lực, hủy bỏ chế độ phong kiến. Để dễ theo dõi các thành viên hoàng tộc rải rác khắp đất nước, ông lùa về cung điện Hàm Dương khoảng 120.000 người. Ông đặt ra nhiều quy định thống nhất cho cả nước và cho xây Vạn Lý trường thành.

Tuy nhiên trong tiến trình thống nhất đó, Tần Thủy Hoàng cho đốt tất cả sách vở có liên quan đến Khổng Tử, người mà những lời giáo huấn của ông gần như đã trở thành tôn giáo. Thậm chí ai trích dẫn lời Khổng Tử đều bị chém đầu. Vì vậy có rất nhiều người căm thù Tần Thủy Hoàng, ông ta lo sợ, trở thành hoang tưởng. Số lượng người bị hành quyết ngày càng tăng. Một tác giả đương thời là Hàn Phi Tử viết rằng vinh quang của Tần kéo dài bốn thế hệ, nhưng ông ta vẫn phải sống trong sự hãi hùng thường xuyên và lúc nào cũng canh cánh sợ thích khách.

Khi càng lui sâu vào cung để tự bảo vệ, Tần Thủy Hoàng càng mất quyền điều khiển đất nước. Bọn thái giám và gian thần tha hồ thao túng, thậm chí còn âm mưu chống lại ông. Cuối cùng ông chỉ là hoàng đế trên danh nghĩa và thân phận cô lập đến mức lúc chết chẳng ai hay. Có lẽ ông bị các quan cận thần đầu độc, tức là những người đã khuyên ông sống cách ly để đề phòng thích khách.

Đó là hậu quả của việc cách ly: Rút lui vào pháo đài rồi mất quyền điều khiển nguồn quyền lực. Mất đi đôi tai nên không nghe thấy diễn biến quanh mình, nhận thức không chính xác về quy mô thực tế. Những tưởng được an toàn hơn, nhưng thật ra ta đã tự tách khỏi cái tri thức vốn bảo đảm sự sống của mình.

48 Nguyên tắc chủ chốt của QUYỀN LỰCNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ