17 CÂU THƠ CUỐI: Nhân dân góp phần làm nên giá trị văn hóa, vật chất tinh thần.

408 7 0
                                    

Nếu đề bài yêu cầu phân tích đoạn thơ này, trước hết phải nói được khái quát nội dung phần thơ trước. Tham khảo ở ví dụ phần 2.

Nhân dân không chỉ là những người làm ra không gian địa lý, xây dựng nên giang sơn, gấm vóc, làm nên lịch sử Đất Nước mà còn là những người viết nên truyền thống vẻ vang, lưu giữ và truyền lại những giá trị vật chất tinh thần. Mọi vẻ đẹp văn hóa truyền thống đều do nhân dân tạo ra và giữ truyền:

"Họ giữ và truyền cho ta hạt giống ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà từ hòn than con cúi
Họ truyền giọng điệu cho con mình tập nói
Họ gánh theo tên xã làng trong mỗi chuyến di dân."

- Từ "họ" được nêu lên như một điệp khúc, như nhấn mạnh vai trò, công lao to lớn của nhân dân với Đất Nước.

- Cặp từ "giữ - truyền" được nhắc lại như khẳng định sứ mệnh thiêng liêng của mỗi con người, mỗi thế hệ trong công cuộc xây dựng đất nước "gánh vác phần người đi trước để lại", "dặn dò con cháu chuyện mai sau" để đưa "Đất Nước đến những tháng ngày mơ mộng."

- Nhân dân là những người đã giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng để Việt Nam bốn nghìn năm gắn liền với hình ảnh cây lúa và nền văn minh lúa nước. Hạt lúa được làm ra từ "một nắng hai sương" như là tinh hoa của đất trời, kết tinh mồ hôi, công sức của người nông dân trên đồng. Hạt lúa trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp tần tảo của người nông dân lao động, biểu tượng cho một cuộc sống thanh bình, ấm no.

- Một trong những nét đẹp văn hóa của Đất Nước là ngôn ngữ, giọng điệu. Và nhân dân đã "truyền lại giọng điệu cho con mình tập nói", giữ gìn ngôn ngữ tiếng Việt như giữ lấy linh hồn của dân tộc. -> Điều đó đã khẳng định ý thức và tinh thần dân tộc của nhân dân khi họ nhận ra một chân lí hiển nhiên, còn tiếng nói Đất Nước quê hương là giữ lại được bản sắc văn hóa của một dân tộc.

- Đồng thời, nhân dân còn lưu giữ lại những địa danh, những tên xã tên làng như lưu giữ lại những kí ức của lịch sử qua mỗi chuyến di dân. Họ đã mang theo những tên xã tên làng thân quen để đặt tên cho những vùng đất mới mà họ đi qua, những cái tên nặng trĩu tình yêu thương và nỗi nhớ về cội nguồn, về đất tổ quê cha, về những truyền thống văn hóa thấm đượm tình yêu thương. Nhân dân còn xây dựng nền tảng vững chắc cho con cháu đời sau an cư lạc nghiệp, "đắp đập be bờ cho đời sau trồng cây hái trái". Những thế hệ đi trước đã vất vả làm lụng, kiên nhẫn bền bỉ để người đời sau có những thành quả ngọt ngào.

Và cũng chính nhân dân viết lên truyền thống bất khuất trước mọi kẻ thù, lưu giữ vẻ đẹp văn hóa ấy qua bao thế hệ:

"Có giặc ngoai xâm thì đánh giặc ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại."

Giọng thơ rắn rỏi, đanh thép đã thể hiện tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm cao độ của nhân dân. Chính họ đã xông pha trận mạc để đánh đuổi ngoại xâm, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ sự bình yên của Đất Nước, cũng là bảo vệ những giá trị vật chất và tinh thần quý giá của dân tộc.

Nhân dân đã làm tất cả không quản gian lao, vì một lý tưởng:

"Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân Dân, Đất Nước của ca dao thần thoại."

Nhà thơ khẳng định chắc nịch "Đất Nước này là Đất Nước của nhân dân", lời khẳng định ấy đã thể hiện một cách chân thành, mãnh liệt tình cảm của nhà thơ đối với dân tộc. Hơn ai hết, nhà thơ hiểu rằng, để có được Đất Nước trường tồn, vĩnh cửu thì nhân dân hơn ai hết là những người đã đổ máu xương, đổ công sức của mình để làm nên hình hài đất nước. Vì thế Đất Nước không của riêng ai mà là của chung, của nhân dân và mãi mãi thuộc về nhân dân.

Đất Nước | Nguyễn Khoa Điềm.Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ