Ai đã vỡ tan?

9 1 0
                                    

Chủ đề: tan vỡ

tên: Ai đã vỡ tan?

Không phải commission, chỉ là những nét bút nhanh chóng cho một chủ đề đã gần đến cuối trong nhóm viết của tớ. Tớ sẽ không sửa lại, mặc dù nó không đúng với kì vọng của tớ lắm, nhưng cảm xúc của tớ đã lưu lại đó mất rồi.

Chiều cuối Hạ, nắng len lỏi qua lớp lá cây màu ngọc, rọi xuống bóng cây ngô đồng lớn. Người con gái ngồi trên tấm ván dày cộm của ghế gỗ, khẽ khàng rũ mi.

Gió lay nhẹ nhưng da cô vẫn cảm nhận được sức nóng tỏa ra từ nắng. Cô ghét mùa hè, song vào cái ngày mọi thứ dường như đã sắp soạn sửa xong xuôi để khoác lên màu trời thu trong vắt, vẫn có gì đó khiến cô thấy xao xuyến và lo âu không ngừng.

Thở dài, hẳn là vì chữ "cuối" sắc và nặng nề đó.

Cuối, một từ đại trưng cho sự kết thúc sắp chớm nở, để rồi sau đó là nơi không còn là "vùng an toàn" quen thuộc. Cuối của cái gì cũng buồn mang mác, cái cuối hạ lại còn làm lòng người nao núng hơn cả. Bởi lẽ cuối hạ là hết hè, hết những ngày thỏa sức rong ruổi trên từng con phố lớn nhỏ, từng ngóc ngách của làng quê hay từng mặt biển gợn sóng xanh rầm rì. Hết cả những ngày khỏi phải để dành tâm trí cho việc này việc nọ của cuộc đời một người. Hết cả, nhưng cũng về đây cả, quá khứ về trong tim, trong hồn.

Chà, cô yếu đuối hơn rồi. Nếu như là trước đây, cô sẽ cười nhạo rằng cái tâm hồn giao cảm đó chẳng khác gì một bài cảm nhận văn thơ luôn được thổi phồng trước con mắt của hậu thế. Nhưng từ ngày ấy, cô đã thôi cười nhạo, vì đã đong đếm được sức nặng của cây bút vô hình đó rồi.

Ngày hôm đó? Cô cau mày, cô nhớ gì về ngày ấy đây? Một ký ức chắp vá rời rạc, một tâm hồn thủng lỗ chỗ, một chiều cuối hạ sắp tắt nắng... À thì, cô không muốn nhớ đến lắm. Não che giấu những khổ đau cho cô rồi. Chỉ biết rằng, hôm đó, hồn vỡ tan.

Bóng khóm lá ngả nghiêng, lốm đốm từng vạt nắng trên đất sỏi, cô gái đứng lên, chạm khẽ vào thân cây ngô đồng. Tay cô lướt nhẹ qua lớp vỏ sần sùi, lách qua những chiếc gai lớn nhỏ, chạm vào một vệt khắc đã vờ và cũ lắm rồi. Cây đã tự chữa lành cho nó, nhưng tay cô thì tưởng chừng như bỏng rát. Ngồi thụp xuống, cô run rẩy từng chập, mồ hôi làm tóc dính bết vào hai má, nước mắt rơi.

Ôi. Ôi đứa em trai tội nghiệp của cô. Đứa bé chỉ hết lòng vì ước mơ đó! Cô nghiến chặt răng, cố ngăn tiếng nấc chực chờ phá tan cuống họng để chui ra, đến mức toàn thân run rẩy. Cô không còn rõ nữa, là hôm nay, hay vẫn là buổi chiều năm ấy? Là ngày gió nhẹ, trời trong hay buổi chập tối sắp mưa giông?

À, nhận thức thì mông lung, kí ức thì mờ mịt, song cơ thể vẫn còn khắc ghi những gì đã từng hiện diện ở đó. Cô vẫn thường đến đây vào cuối hè, trong vô thức. Cô vẫn thường viết tin nhắn gửi đến một số máy đã không tồn tại nữa mỗi đêm khuya. Hỏi rằng, em có còn khỏe đó chứ? Cất lên tiếng ngâm nga vui sướng rằng, chị em vẫn mãi là độc giả trung thành của em đó nha. Cô lại phải "về đó", lại phải tiếp tục như thế nữa. Vì cô, nhân danh đứa bé tội nghiệp của cô, vì để hận thù cháy mãi, vì để kẻ đáng phải chết phải ăn năn đến tận cuối đời.

Em của cô chết. Mùa hè, năm hai nghìn không trăm lẻ hai, sinh mệnh ngoan cường đó bỗng vụt tắt như một đốm sao băng. Mà sao thì muôn vàn, ai có để tâm em của cô đã lìa đời rồi chứ?

Chỉ có cô, chỉ mình cô thôi. Hỡi ôi! Vì sao chỉ có chính cô? Vì sao chỉ mỗi mình cô hiểu đớn đau đã đè và nghiền nát đôi vai đó thế nào? Vì sao chỉ là cô mà không phải lũ khốn đó, lũ đã mang em cô đi khỏi chốn nhân gian mà em vẫn hằng yêu thương!?

Lách tách, loẹt xoẹt, tiếng giấy nát, tiếng mưa vẫn còn văng vẳng bên tai cô. Có một hôm nào đó, bóng đứa con gái tóc tai bù xù, mặt hằn lên nỗi đau và niềm hận căm mãnh liệt ùa vào lớp học nọ, ôm siết lấy đôi vai đã quá gầy còm, che đi đôi mắt chưa thoát khỏi cơn kinh hoàng bỡ ngỡ.

"Lũ khốn! Quân chó chết! Bây đã giết em tao! Bây giết nó rồi!". Cảnh lại đổi nơi, sà xuống gốc cây ngô đồng này, hai ngày sau hôm đó.

Là tiếng rít gầm gừ của gió, của răng nghiến ken két vào nhau. Tiếng gào sụp đổ vô vọng đến thế, lại bị nhấn chìm trong chửi rủa và nhạo báng đắng cay. Ngày hôm đó, mà cũng như ngay đây, ngay giờ đây. Bạn học xúm xụm cười tít mắt gặm trò vui của một người đã sạp xuống gần như sát đất, kẻ đầu sỏ hoảng loạn nhiếc móc rồi chối phăng đi, nhưng tất cả có còn lại gì nữa đâu? Em trai cô chẳng phải đã treo lủng lẳng ngay đó rồi ư, chẳng phải đã theo cơn gió và gốc cây em ngủ trưa mỗi buổi ra chơi đi rồi đấy sao!?

Chẳng còn gì. Ôi, chẳng còn gì ngoài một đứa giả dối đã đến muộn lại còn khóc nỉ non, chẳng còn gì ngoài những con thú vật khoác lớp da trẻ trung non nớt đang lăm le gặm xác.

Ác ý không gì xua đi được lại kéo cô xuống thêm chút nữa, bấu víu lấy toàn thân, nhơ nhớp và bẩn thỉu không gì tả được. Cô gọi chúng đến đây, nói với chúng: đứa em trai khốn khổ của cô đây, chết chỉ vì viết ra một nhân vật vươn lên từ khổ cực; chỉ vì chúng cảm thấy nó xúc phạm đến tâm hồn muốn chơi của tuổi mười sáu, mười bảy. Mà chúng, không một ai thoát khỏi tội giết người! Cô buộc tội trong cuồng loạn, gào khóc, bấu lấy đất, rồi như nổi khùng đứng lên, chỉ vào thân cây đã khắc một vết cuối cùng đánh dấu đã từng có một người đã tồn tại. Một hồn ma nhớp nháp đầy hận thù và ác ý, đứng ngay đó, cố đòi lại câu xin lỗi đã đến muộn lắm rồi. Song không được. Làm gì có ai chịu nhận, làm gì có câu xin lỗi nào, làm gì có bằng chứng! Những thứ như đổ rạp đi từ thẳm sâu của linh hồn người đã hứng chịu bạo lực lạnh làm gì để lại bằng chứng!

Cô đòi lại được gì cho một tác giả đã chọn về miền xa chứ? Làm được gì khi chẳng ngăn được thứ bạo lực nhen nhóm trong nơi vốn là chốn công bình cuối cùng còn sót lại của thế gian này? Không làm được gì! Bất lực, gào khóc, vạch trần tội lỗi bằng con dao hai lưỡi sắc lẹm, rồi sao? Không làm được gì! Không gì cả...

...

À, có tiếng xin lỗi thành tâm nhưng cũng chất chứa bao mỏi mệt vang lên sau lưng cô, như người gần đất xa trời rồi. Cô gái không nhìn. Nhưng cô biết người thanh niên phía sau cô cũng chỉ mới vừa hai mấy, cái tuổi mà đáng lý ra em cô cũng được trải qua thôi.

Không ai nói gì.

Có gì đó, lội lại, hoặc lướt phăng qua, từ ký ức trở về ngày hôm nay. Mồ hôi nhễ nhại, nước mắt cứ tuôn, đến bây giờ, vẫn thế. Cô vẫn thế. Chúng vẫn thế. Xã hội này, vẫn luôn thế. Chẳng qua là có thêm một người cứ về vào cuối hạ, trong vỡ tan. Một người khắc dằn vặt từng đêm thâu, hằng ám ảnh cái xác treo lơ lửng vẫn mỉm cười thanh thản, cũng vụn vỡ tróc ra như một lớp tường xám cũ.

Liệu tâm khảm bị dày vò nhiều đến thế, người có sống lại được hay không?

Là ai đã vỡ tan rồi vậy?

NHỮNG MẨU TRUYỆN VIẾT VÌ NGƯỜINơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ