Hồi 20

31 0 0
                                    

Luyện sắc tướng yên hoa hỗn tích,

Thuyết diệu ngữ đạo niệm thuần chơn

Nghĩa là:

Luyện cái sắc tướng chỗ yên hoa ở lộn,

Nói lời diệu đạo niệm tròn chơn.

Có bài kệ rằng:

Thấy tốt như không chẳng động tâm,

Công-phu đến chỗ thiệt huyền-thâm,

Có ai học đặng chơn không pháp,

Cọp hát rồng ngâm tự cổ kim.

Lại nói Xích-Thái-Cổ thành đạo rồi làm sao té chết đặng. Khi người đệ tử chặt dây, ông thoát xác phàm rồi, nay trở lại hiển cái đạo cho nó coi, ngày sau biết là việc Thần Tiên phải học mới thành. Còn đệ tử thấy thầy nhảy xuống hang sâu trong lòng hoảng-hốt giựt mình, đợi hết mấy bữa chẳng thấy ông lên bèn bỏ gánh đứng giữa trời nguyện xin cải lỗi. Nguyện rồi liền nhảy theo để liều mình theo thầy chuộc tội, sau cũng đặng chứng quả (Tri-Phi Hối-Quá Thánh-Quan). Đây nói qua Lưu-Trường-Sanh, dốc lòng đi luyện cái sắc ma, nghe người nói chỗ Tô-Châu nhiều người lịch sự mỹ miều. Liền đi qua đó kiếm ít cục đá, điểm luyện cho thành vàng, cổi hết áo đạo bận đồ hàng nhiễu đi tới nhà điếm. Mấy người coi cửa tiếp hỏi thầy ở đâu, quý hiệu là chi?

Đáp rằng:

– Ta là Trường-Sanh-Tử, người ở Yên-Sơn đi bán châu báu đến đây, ta đi đã lâu, nay muốn kiếm một mỹ-nhơn tuyệt sắc đặng chung vui.

Mấy người coi cửa nghe nói khách bán châu báu đến, biết là Tài-Thần Bồ-Tát, lật đật tiếp đãi vui mừng dẫn đến phòng hạng nhứt. Có một nàng tuyệt sắc vô song tên là Tợ-Ngọc xuất-sắc có danh, đờn ca xướng hát, việc việc đều hay, biết vẽ biết họa, lại thông việc thi bài, người chủ tiệm quí chuộng hơn hết.

Tợ-Ngọc thấy Trường-Sanh-Tử khí tượng đàng hoàng, lời nói điều hòa tử tế, không có một lằng kiêu-lẫn, khách quí như vậy mà sao chẳng tiếp đãi? Rồi nàng lại làm ra mười phần yểu điệu, trăm thứ yêu thương. Trường-Sanh nhớ hai câu của thầy dặn hồi trước:

– Dẫu như núi Thái-Sơn sập trước mặt mình cũng không kinh; chẳng phải chẳng kinh, sập mà như chẳng sập. Người mỹ-nhơn ở trước mắt mình cũng chẳng động; chẳng phải chẳng động, ở trước mà tưởng như không có ở trước.

Trường-Sanh-Tử nhớ y như vậy, tưởng như không không, chẳng có một chút ma chướng nào nhập đặng. Uổng phí công của Tợ-Ngọc muốn phá ông mà làm ra thiên ban tình ái, muôn thứ phong lưu cũng không động lòng ông. Bởi cái lòng là chủ cái thân, như cái lòng không động thời trong lòng an tịnh. Cái ý niệm cũng nghe theo cái Tâm bày vẽ. Hễ cái Tâm không động thời ý niệm cũng không dám động. Duy thứ nhứt con mắt lỗ tai, là mối giặc đầu. Hai đứa nó ham vui thấy sắc tốt, nghe tiếng dâm liền báo với anh Tâm hay trước. Trường-Sanh là người chí đạo, thường thường hồi quang phản chiếu, đem cái "Tâm" giữ gìn định chắc nơi tổ-khiếu. Dặn nó đừng có tin lỗ tai với con mắt, thời khỏi lầm việc lớn, rồi cái Tâm cũng y theo lời ông dặn, làm giống như người chẳng biết chẳng hay, tỉ như con nít lên ba, không biết giận hờn tham luyến chi cả. Chỉ biết có chơi giỡn, chẳng hề động cái tình, ngủ chung một giường, nằm chung một gối, lại tỷ như tấm da thúi mà bạn với đống xương khô, không có điều chi lạ. Lúc còn sống thì phấn đợi kiều-nga, xuê son đen đỏ. Chẳng may khi số dứt rồi thì người người đều ghê gớm, ruồi lằng banh bấy thịt da, chẳng khác nào hình sậy giấy bao mà thôi.

Thất Chơn Nhơn QuảNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ