Câu chuyện số 3: MỘT KHÔNG GIAN XANH TÍM VÀ ĐẶC QUÁNH

180 5 0
                                    

(Hoa, 53 tuổi, kinh doanh tự do)

Bỏ lại ga tàu điện ngầm sau lưng, Hoa băng qua bãi cỏ rộng. Xa xa, những vạt rừng của ngoại ô Stockholm sáng lên trong ánh nắng hè muộn. Tâm trí Hoa trở về với những vần thơ của Anna Akhmatova, nhà thơ người Nga yêu dấu của chị từ hồi đại học.

Đằng nào cũng chết, sao không bây giờ?

Ta chờ mi đó, ta đang nát lòng

Ta tắt đèn đi, cửa ta toang mở.

Những lời trò chuyện cùng Thần Chết mà Akhmatova viết trong giai đoạn tăm tối nhất của đời bà đã đi theo Hoa qua gần bốn thập kỷ, quãng thời gian chị học cách sống với căn bệnh trầm cảm của mình.

Chờ mi đến cùng, giản đơn ngọt mộng

Vóc dáng thế nào cũng không quan trọng

Ào đến mau đi như viên đạn độc...📜

Đến lúc này, dù giai đoạn thê thảm nhất đã qua, trầm cảm vẫn đeo bám chị như một con chó lẽo đẽo ở bên, lúc xa lúc gần. Nó sẽ gửi những tín hiệu trước khi lặng lẽ áp tới, như vào sáng nay. Đầu tiên, chị có cảm giác lạnh ở lưỡi. Rồi sẽ hơi đau bụng. Tâm trạng vui vẻ, hào hứng của chị đột ngột biến mất, một nỗi buồn vô cớ xuất hiện. Tự nhiên nước mắt chị chảy ra. Rồi Hoa thấy như có con rắn lạnh ngắt trườn trong bụng, khiến chị phải rùng mình. Cái đau đớn bên trong lớn dần lên, một thứ đau đớn khó tả được bằng lời.

Từ bìa rừng, con đường mòn cong nhẹ và bắt đầu trườn lên cao. Hoa bước đều trên sỏi và chỉnh lại chiếc áo khoác màu cam. Những lúc như thế này, chị sẽ tránh xa tin tức thời sự, chọn mặc đồ nhiều màu dù thực ra chị chỉ thích trắng và đen, và cố gắng hoạt động chân tay thay vì tiếp tục ngồi bên bàn giấy. Gần cả cuộc đời, Hoa không rõ mình bị sao. Giỏi nhạc và vẽ, biết đọc từ sớm, được nhiều người tấm tắc là thần đồng, nhưng Hoa lớn lên với một cảm giác căm ghét bản thân. Càng được khen, con bé Hoa lại càng thấy mình xấu xí, kém cỏi, và tin rằng thực ra nó đang bị chế giễu. Những lúc sắp lên sân khấu, là tâm điểm của hàng trăm ánh mắt, là những lúc nó muốn chết nhất. Đó không phải là cảm giác muốn biến mất vì xấu hổ, mà là mong muốn tự tiêu diệt bản thân, nhưng không theo một cách nhẹ nhàng mà phải thật đau đớn. Sự căm ghét chính mình lớn lên theo thời gian và trở nên tự nhiên với Hoa như người khác thấy đói, thấy khát. Càng giấu nó đi, nó lại càng trở thành một thứ ung nhọt bên trong chị.

Hoa vẫn cho rằng chuyện của chị là kết quả của một tuổi thơ cô đơn. Chị đã ở một mình nhiều quá. Nếu như hồi nhỏ chị được lắng nghe, được vuốt ve, được tặng quà, thì liệu nỗi cô đơn có tích tụ lại thành bệnh như thế này không? Bố chị là quan chức lớn, cả bố lẫn mẹ đều đi công tác biền biệt. Hồi tưởng lại, chị vẫn thấy mình là con bé con lang thang trong khuôn viên rộng lớn của gia đình ở Hà Nội, ngoài cổng, lính gác đứng ngày đêm khiến bạn bè không dám tới chơi. Bên ngoài nhìn vào, gia đình Hoa nền nếp và trí thức, nhưng bên trong là sự lạnh lẽo. Từ nhỏ, Hoa đã hiểu được là bố mẹ luôn tìm mọi cơ hội để không phải gần nhau. Cô bé Hoa luôn mơ ước được sống trong một gia đình đông con, tối chen chúc nhau ngủ trên một giường. Hay ít nhất là trong nhà có những buổi nói chuyện bình thường, cãi vã to tiếng cũng được, vẫn còn tốt hơn là sự im lặng băng giá nhân danh sự "có học" và nỗ lực "không làm tổn thương con cái" của bố mẹ.

Đại Dương ĐenNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ