Chương 23: LO ÂU VÀ TRẦM CẢM

23 1 0
                                    

Khi một cá nhân có nhiều bệnh cùng một lúc, ví dụ vừa bị viêm khớp vừa bị dị ứng theo mùa, người ta nói tới hiện tượng comorbidity, có bệnh đồng tồn tại hay là bệnh đi kèm. Điều này khiến cho việc chữa bệnh có thể trở nên phức tạp hơn, các biện pháp điều trị bệnh này có thể có ảnh hưởng tiêu cực tới bệnh kia và ngược lại.

Đồng mắc bệnh có thể xảy ra một cách tình cờ, ví dụ khi một bệnh nhân Covid-19 cũng có huyết áp cao, tiểu đường hay bệnh tim. Nhưng trong nhiều trường hợp, các bệnh tồn tại đồng thời này liên quan tới nhau. Có ba trường hợp một cá nhân mắc nhiều bệnh một cách không tình cờ. Hoặc căn bệnh này là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới căn bệnh kia, ví dụ rối loạn lạm dụng rượu có thể dẫn tới xơ gan. Hoặc bệnh này gián tiếp khiến bệnh kia xuất hiện: ung thư có thể là một cú sốc tâm lý, làm đảo lộn cuộc sống của người bệnh và khiến họ rơi vào trầm cảm. Ở trường hợp thứ ba, các căn bệnh đồng tồn tại bởi chúng có cùng chung nguyên nhân. Một chấn thương tâm lý trầm trọng có thể vừa gây ra rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD), vừa có thể khiến trầm cảm xuất hiện. Hoặc những tổn thương bẩm sinh trong gene khiến rối loạn lo âu và trầm cảm cùng xảy ra ở một người. Hiển nhiên, nhiều khi rất khó để phân định rạch ròi. Các nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng tâm thần phân liệt và trầm cảm có chung một số rủi ro về gene. Mặt khác, khi tâm thần phân liệt phát ra và bắt đầu phá hủy cuộc sống của người bệnh, nó có thể dẫn tới việc người đó rơi vào trầm cảm và lạm dụng rượu.

Hiện tượng đồng mắc vô cùng phổ biến ở các tâm bệnh, và bệnh càng nặng thì khả năng nó không phải là tâm bệnh duy nhất mà người ta có càng cao. Quá nửa số người mắc một tâm bệnh ở mức nặng cũng có hai hoặc nhiều hơn các tâm bệnh khác. Trong năm người trầm cảm thì ở bốn người, nó không phải là tâm bệnh duy nhất.

Thùy Dương không dám tới bể bơi của trường, không dám nói chuyện với thầy giáo, không dám mở email ra đọc. Nỗi sợ giao tiếp khiến cô "đóng băng, chân tay hóa đá, miệng há ra mà không phát ra tiếng". Thanh đứng ở cổng trường run rẩy mà không thể đi vào trong, và có giai đoạn cậu sợ công an tới mức không thể đi xe máy ra đường. Hoa thức dậy mỗi sáng với cảm giác lo âu mơ hồ như có thảm họa lơ lửng trên đầu, rà soát trong tâm trí mãi mà không tìm được lý do. Thành dùng các app nhắn tin bảo mật nhất chỉ để nói chuyện về tuổi thơ của mình và đón bạn tới thăm cách nhà mình mấy trăm mét để không phải gửi địa chỉ nhà qua Internet. Uyên sợ các cuộc tiếp xúc, tới trường là chóng mặt, vào thang máy đúng lúc sinh viên tràn vào chen chúc thì buồn nôn, khó thở và hoảng sợ. Xuân Thủy vừa đặt vé máy bay trên mạng vừa lập cập sợ lộ thông tin thẻ tín dụng, sợ mua hớ, sợ mua thiếu hay thừa cân hành lý, sợ đánh sai thông tin. Anh "sợ đến buồn ỉa luôn, rất muốn đại tiện mà vào nhà vệ sinh thì không có gì mà đại tiện cả". Cứ mười người trầm cảm thì có sáu người cũng bị rối loạn lo âu. Ngược lại, hơn một nửa số người rối loạn lo âu cũng sẽ trầm cảm ở một thời điểm nào đó trong đời mình. Rối loạn lo âu và trầm cảm hay đi cùng nhau tới mức, trong một thời gian dài, người ta không đánh giá được đây là một hay hai bệnh. Đây cũng là lý do vì sao chúng ta dành một chương riêng cho sự đồng tồn tại của chúng. Chúng chồng chéo lên nhau ở cả lịch sử bệnh trong gia đình, ở các triệu chứng và trong chẩn đoán. Những người bị bệnh kép này chịu ảnh hưởng nặng nề hơn và có tỷ lệ tự sát cao hơn những người chỉ có một trong hai bệnh.

Đại Dương ĐenNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ