Vào buổi trưa của ba ngày sau đó, một ốc đảo xanh mướt xuất hiện trước mắt tôi.
Bao nhiêu ngày qua, tôi đã chán ngán với sắc vàng đơn điệu của mênh mông cồn cát, hôm nay, được nhìn thấy sắc xanh ngút ngàn thế này, tôi hưng phấn đến độ nhảy cẫng lên gào thét.
Chứng kiến điệu bộ "hoang dại" ấy của tôi, Kumalajiba chỉ biết lắc đầu thở dài rồi cười và cho tôi biết, nơi đây chính là Wensu.
Wensu, địa danh này cậu ta đã nhắc đến trong ngày đầu gặp tôi. Nghe khá quen, chắc chắn phải có âm tiếng Hán tương đương, nhưng tôi không nhớ ra.
Mải mê lục tìm dữ kiện bộ nhớ, đoàn người đã đến cổng thành lúc nào mà tôi không hay.
Không gian tưng bừng âm nhạc đặc trưng vùng Tây Vực, những khúc điệu tươi vui rộn rã.
Một đội ngũ hùng hậu chỉnh tề nghênh đón chúng tôi.
Hai bên đường có rất nhiều lán trại. Bên trong không có người, chỉ đặt một số tượng Phật. Dựa trên trình độ điêu khắc mà tôi quan sát được, thì đó đều là những pho tượng quý giá.
Dân chúng ở hai bên đường đều đứng lên chào đón, từng chậu hoa tươi được cung kính dâng lên đến trước mặt hai mẹ con tiểu hòa thượng.
Hai người chắp tay lễ tạ, đón hoa tươi mang đến rắc lên mình các bức tượng phật(1).
(1)Nghi thức này được tác giả viết dựa trên việc tham khảo nghi thức đón tiếp Trần Huyền Trang khi hòa thượng đến Khâu Từ trong sách " Huyền Trang Tây du kí " của tác giả Tiền Văn Trung. Huyền Trang sống vào thời Đường, cách nhân vật nam chính trong truyện chừng 200 trăm năm , vì vậy nghi thức đón tiếp có lẽ không thay đổi nhiều.
Trong chuỗi nghi thức kỳ lạ đó, tôi chú ý đến người đàn ông dẫn đầu: khoảng bốn mươi tuổi, thân hình cường tráng vạm vỡ, đầu để mái lửng, nhưng phía sau gáy lại tết thành những lọn dài, rồi búi ngược lên đỉnh đầu và được quấn lại bởi một mảnh khăn thêu kim tuyến.
Người đó đội một chiếc mũ miện bằng vàng khắc hình long phụng, khoác áo choàng đỏ có viền thêu hình thoi, đính châu báu, phía trước là những hình tròn thêu chỉ vàng lấp lánh, ống chân thì...
Đấy, tôi lại mắc bệnh nghề nghiệp rồi, lúc nào cũng quan sát chi tiết những người đối diện như quan sát một hiện vật nghiên cứu.
Tuy không hiểu họ nói gì, nhưng tôi đoán đó là đoàn người ra nghênh đón khách quý, gồm các thành viên của hoàng thất và người đàn ông khoác trên mình trang phục quyền quý kia chính là nhà vua.
Tuy ni cô xinh đẹp Jiba cũng được chào đón nồng hậu và cung kính, nhưng rõ ràng đối tượng của nghi thức nghênh tiếp hết sức long trọng này không ai khác, chính là Kumalajiba.
Từ lâu tôi đã nghĩ rằng Kumalajiba không phải một nhà sư tầm thường, nhưng cậu mới mười ba tuổi, làm sao đã có thành tựu gì xuất chúng.
Chắc hẳn cậu còn có thân phận gì khác ngoài là một nhà sư, ví như là con cháu nhà vua chẳng hạn.
Không lẽ cậu ấy là hoàng tử?
BẠN ĐANG ĐỌC
Không phụ Như Lai không phụ nàng (Đức Phật và nàng)
Tiểu thuyết Lịch sửTên truyện: Không phụ Như Lai không phụ nàng ( Đức Phật và nàng ) Tác giả: Chương Xuân Di ( Tiểu Xuân ) Thể loại: Ngôn tình, cổ đại, xuyên không, ngược, cảm hứng lịch sử, cảm động, yếu tố Phật giáo, lịch sử , HE. Số chương: 99 + 1 ngoại truyện Văn...