Chương 100: Không phụ Như Lai không phụ nàng

57 2 2
                                    

Tôi lái xe trên đường cao tốc Bàn Sơn, trời trong gió mát, thoải mái dễ chịu làm sao. Đỗ xe giữa một rừng tre trúc um tùm, thanh vắng, sau đó xuống xe, cuốc bộ, tôi chầm chậm cất bước, men theo con đường nhỏ rợp bóng cây. Hương thơm thanh thanh của mùi bùn đất lẫn trong gió mát ru vỗ tôi, tôi nhắm mắt hít hà thỏa sức, cảm giác như không khí bụi bặm trong phổi mình được thanh lọc triệt để. Mỗi lần đến nơi đây, tôi đều có cảm giác thanh thản, nhẹ nhõm, bình yên vô cùng, tôi sẽ tắt điện thoại di động, không để bất cứ ai làm phiền mình. Hôm nay là ngày gia đình tôi đoàn tụ.

Dòng suối trong veo, chảy róc rách qua các bậc đá trên lối đi, chốc chốc lại có chú chim cất cao tiếng hót thánh thót rồi vút bay lên không trung. Có một căn nhà nhỏ ở cuối lối đi. Đằng sau bức tường trát bùn dân dã là một vườn rau củ quả tươi xanh mơn mởn, dưới giàn nho xanh tốt là một chiếc bàn tròn và những chiếc ghế mây. Căn nhà đơn sơ, thanh tịnh, nằm bên cạnh chùa Thảo Đường với lối kiến trúc giả cổ là căn nhà của cha mẹ và tôi.

Tôi cắm chìa khóa vào ổ, mở cửa, gọi lớn:

– Cha ơi mẹ ơi, con về rồi!

Ngoài những vật dụng thiết yếu là đồ điện tử hiện đại, còn lại hầu hết đồ đạc trong nhà đều là những vật dụng xưa cũ. Nhà bếp, phòng khách, phòng ngủ đều đã được lau dọn sạch sẽ. Chiếc hộp gỗ mà cha nâng niu như bảo bối luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất trên bàn đọc sách của cha. Chiếc hộp đã cũ mèm, bạc màu, nhưng không vương một hạt bụi.

Ra ngoài cũng không tìm thấy, tôi định rút điện thoại gọi cho mẹ, nhưng lại đút vào trong túi. Họ còn có thể đi đâu được nữa? Chắc chắn đã đến ngôi chùa ở ngọn núi phía trước để tụng kinh rồi. Sư sãi trong chùa đều tin rằng cha mẹ tôi là cư sĩ. Họ vô cùng khâm phục cha về sự thông tuệ Phật pháp và thường mời cha đến chùa giảng kinh. Có lẽ hôm nay cha được mời đến đó.

Tôi bước vào đại điện của ngôi chùa nghìn năm tuổi ấy, cả một biển người đang xếp bằng tụng kinh niệm Phật. Họ đang tụng niệm “Kinh kim cương”, cuốn kinh mà tôi thuộc nhất. Lặng nghe âm thanh tụng niệm trầm bổng tựa như một bản đồng ca ấy, sống mũi tôi bỗng nhiên cay xè vì xúc động. Cuốn kinh này trải qua 1650 thời gian, vẫn tràn đầy sức sống và được lưu truyền rộng khắp.

– “Tu Bồ Đề, nếu có người đem bảy thứ châu báu với số lượng lớn đến nỗi, chứa đầy các thế giới, nhiều tới vô lượng a tăng kỳ đề bố thí, thì phước đức cũng không bằng phước đức của một người con trai hay một người con gái nhà lành, khi người này phát tâm bồ đề, đọc tụng thọ trì kinh này và đem thuyết giảng cho người khác nghe, dù chỉ là một bài kệ bốn câu trong ấy. Thuyết giảng theo tinh thần nào? Thuyết giảng mà không kẹt vào “tướng”, như như và không động. Vì sao thế?”

“Tất cả pháp hữu vi

Như mộng huyễn, bào ảnh

Như sương, như chớp lòe

Hãy quán chiếu như thế”.

“Sau khi nghe Phật dạy kinh này, thượng tọa Tu Bồ Đề và các vị khất sĩ, nữ khất sĩ, Ưu bà tắc, Ưu bà di và tất cả các giới Trời, Người và A tu la đều rất hoan hỷ, tin tưởng và tiếp nhận để thực hành”.[1]

[1] Bản dịch “Kinh kim cương” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Kết thúc buổi tụng niệm, tất cả các sư tăng và cư sĩ cùng làm lễ vái lạy Đức Phật. Trong số họ có hai ông bà lão đứng lên. Bà lão tóc bạc trắng, quàng chiếc khăn lụa màu sắc còn tươi nguyên. Ông lão cao lớn, gầy gò, dáng điệu lom khom, nhưng phong thái an nhiên, bất phàm, tựa như một tiên ông. Ông lão đưa tay khoác lên chiếc ba lô mang theo bên mình, để lộ chuỗi hạt mã não rực đỏ trên cổ tay.

Ông lão và bà lão nhìn nhau, mỉm cười, dắt tay nhau ra khỏi đại điện. Tôi tươi cười bước tới, đón chiếc ba lô từ vai cha, mỗi tay nắm một vị, thong thả đi về phía cổng chùa.

HOÀN TOÀN VĂN.

GẶP HAY KHÔNG GẶP

Nàng gặp ta, hay không gặp ta

Ta vẫn nơi đây

Không vui, cũng không buồn

Nàng nhớ ta, hay không nhớ ta

Tình vẫn nơi đây

Không đến, cũng chẳng đi

Nàng yêu ta, hay không yêu ta

Yêu vẫn nơi đây

Không tăng, không giảm

Nàng theo ta, hay không theo ta

Tay ta vẫn trong tay nàng

Mãi không buông

Hãy sà vào lòng ta

Hoặc là, cho ta một chỗ trong trái tim nàng

Yên bình yêu nhau

Trong niềm vui thầm lặng.

“Tự khủng đa tình tổn phạm hành,  
Nhập sơn hựu phạ ngộ khuynh thành。  
Thế gian an đắc song toàn pháp,  
Bất phụ như lai bất phụ khanh.

(Vì người mà đến - tớ thấy bài này rất hợp với cặp đôi Rajiva và Ngải Tình, mọi người nghe thử nha.)

Không phụ Như Lai không phụ nàng (Đức Phật và nàng)Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ