Đầu tháng hai âm lịch, tức khoảng trung tuần tháng ba dương lịch, sau hơn một tháng phong tỏa, cổng thành Guzang, cuối cùng cũng được mở. Cư dân trong thành, ai nấy mặt mũi xanh xao, héo hắt, bị dồn đứng ở hai bên đường để nghênh đón đoàn quân chống phản loạn của Lữ Quang trở về. Sau gần ba tháng trời không ngừng rơi, băng tuyết đã tan chảy hoàn toàn trong tiết xuân ấm áp, để lộ ra vô số rác rưởi la liệt khắp phố phường. Hôm qua, Lữ Thiệu đã đốc thúc quân lính thu dọn, nhưng không bằng cách nào xóa sạch được dấu vết của nạn đói trầm trọng vừa qua.
Đoàn quân của Lữ Quang được đón rước trong tiếng kèn trống inh ỏi, nhưng phía sau âm thanh náo nhiệt ấy là những gương mặt thẫn thờ, buồn thảm. Cờ bay phấp phới, dọn đường cho Lữ Quang chầm chậm tiến vào. Bên cạnh ông ta là đám con cháu Lữ Soạn, Lữ Hoằng, Lữ Long và Lữ Siêu, tên nào tên ấy vẻ mặt vênh vang, đắc ý. Sau đoàn tướng lĩnh là đến đội binh sĩ, ai nấy mặt mày lem luốc, mỏi mệt rã rời, áo quần rách nát, để lộ những sợi bông két bẩn, trên người họ, chỉ có chữ "lính" in sau lưng áo là vẫn nhìn thấy rõ dù đứng từ rất xa. Lữ Quang xuất chinh dẫn theo năm vạn quân, viện binh của Lữ Hoằng khoảng hơn ba vạn. Nhưng giờ đây, theo tính toán sơ bộ của tôi, chỉ còn khỏang hơn ba vạn người. Tim tôi đập mạnh, vậy là chỉ còn hơn một nửa số người sống sót trở về.
Sau đội binh lính là đội xe bò chở hàng, trên những cỗ xe cỡ lớn chất ngất thứ gì đó rất giống lương thực. Đám cư dân Guzang, sau nhiều ngày đói khát, khi nhìn thấy hàng dài xe chở lương thực như vậy, bỗng nhiên náo động, ầm ĩ. Dân chúng vỗ tay rầm trời, ùn ùn kéo về giữa phố, nhưng đã bị đám lính dẹp đường cản lại. Từng cánh tay gầy guộc giơ ra, chới với trong không trung, kiếm tìm trong vô vọng.
Số lương thực lớn như vậy, chắc chắn không thể là lương thực còn dư sau trận đánh. Trong cảnh đói kém này, đào đâu ra ngần ấy lương thực? Tôi đứng ở đầu phố, nhìn đám người nhà họ Lữ đầy ngạo mạn mà cười buồn.
Thời kỳ Thập lục quốc kéo dài hơn một trăm ba mươi năm, lật mở sách sử, sẽ thấy sự xuất hiện thường xuyên của những dòng chữ ngắn ngủi thế này: "Mất mùa lớn, nạn đói nghiêm trọng". "Quan Trung xảy ra nạn đói, dịch bệnh hoành hành". "Hạn hán, bệnh dịch, giá lương thực tăng đột ngột".
"Nước lũ ngập năm châu: Kinh Châu, Dự Châu, Từ Châu, Dương Châu, Ký Châu".
Chúng ta vẫn thường tự mãn rằng: Trung Quốc đất đai rộng lớn, sản vật phong phú, nhưng thực tế là đất tuy rộng mà sản vật không lấy gì làm phong phú. Do sự khác biệt sâu sắc về địa lý giữa các vùng Đông - Tây - Nam - Bắc, nên hàng năm thiên tai đều xảy ra cục bộ tại nhiều khu vực. Khi đất nước thống nhất, chúng ta có thể thực hiện chính sách phân phối nguồn tài nguyên. Nhưng trong giai đoạn cát cứ phân tranh, hoặc dưới sự thống trị của nhà cầm quyền quan liêu, hủ bại, người dân tại những khu vực xảy ra thiên tai mà không được cứu trợ sẽ ra sao? Họ chỉ có thể đi cướp bóc. Bởi vậy, "thiên tai" thường đi liền với "nhân họa". Trong giai đoạn chiến tranh xảy ra liên miên, hoặc khi một nhà nước đang đứng bên bờ vực diệt vong, thì trong sách sử thường xuất hiện rất nhiều những ghi chép về thiên tai. Những người mê tín cho rằng đó là do ý trời. Nhưng nguyên nhân chính là do nhà nước đã không biết cách phân phối nguồn tài nguyên, thế nên, nạn đói và chiến tranh thường không bao giờ tách rời nhau.
BẠN ĐANG ĐỌC
Không phụ Như Lai không phụ nàng (Đức Phật và nàng)
Tiểu thuyết Lịch sửTên truyện: Không phụ Như Lai không phụ nàng ( Đức Phật và nàng ) Tác giả: Chương Xuân Di ( Tiểu Xuân ) Thể loại: Ngôn tình, cổ đại, xuyên không, ngược, cảm hứng lịch sử, cảm động, yếu tố Phật giáo, lịch sử , HE. Số chương: 99 + 1 ngoại truyện Văn...