Chương 64: Lương Châu khói lửa

18 1 0
                                    

Họ Trương được xem là gia tộc mở màn cho các cuộc chiến tranh cát cứ trong thời Thập lục quốc. Vì vua đầu tiên (được truy phong) - Trương Quỹ vốn là Thứ sử Lương Châu[1] thời kỳ Tấn Huệ Đế. Trương Quỹ là người tài giỏi, trọng người tài, coi trọng việc giữ vững trật tự trị an cho dân, lập nhiều công trạng. Nhưng phải đến đời thứ tư là Trương Tuấn, họ Trương mới xưng vương. Trên danh nghĩa, họ Trương vẫn là bề tôi, chịu sự cai quản của nhà Tấn, nhưng thực tế đã cát cứ, thiết lập chính quyền riêng, sử gọi là nhà Tiền Lương. Họ Trương nhiều đời cai quản Lương Châu, tuy đôi lúc có xảy ra chiến tranh với nhà Tiền Triệu và Hậu Triệu, nhưng quy mô các cuộc chiến không lớn. Bởi vậy, Lương Châu được xem là khu vực tương đối ổn định so với các khu vực khác ở phương Bắc Trung Quốc trong thời kỳ mà chiến tranh giết chóc xảy ra liên miên.

[1] Tương đương với chức Chủ tịch tỉnh thời hiện đại

Cung điện của họ Trương không lớn, thê thiếp cháu con của Lữ Quang lại đông, nên ông ta chỉ dành cho chúng tôi một gian nhà nhỏ nằm ở một góc khuất. Nhưng tôi và Rajiva không hề phật ý. Vừa ngắm nhìn cung điện đơn giản của họ Trương, vừa sắp xếp đồ đạc, tôi vừa giảng giải cho Rajiva về lịch sử của nhà Tiền Lương:

- Có điều, các vị vua họ Trương không chú trọng bồi dưỡng thế hệ kế cận, đời cha anh hùng lẫm liệt, nhưng đời con bất tài vô dụng. Người họ Trương lại thường đoản mệnh. Sau đời vua thứ năm là Trương Trọng Hoa, người trong dòng tộc bắt đầu tàn sát lẫn nhau. Mười năm mà đổi tới bốn lần vua. Vị vua cuối cùng là Trương Thiên Tích, tuy có tài ăn nói nhưng đam mê tửu sắc, không màng chính sự. Chín năm trước, vị vua này đã làm một việc hết sức hồ đồ, đó là giết chết sứ giả của Phù Kiên, khiến Phù Kiên nổi giận phái ba mươi vạn đại quân tiêu diệt nhà Lương, Trương Thiên Tích phải đầu hàng và bị áp giải về Trường An. Nhưng ông ta gặp may, khi cuộc chiến Phì Thủy xảy ra, Trương Thiên Tích đã đầu hàng nước Tấn, ông ta sống những năm tháng cuối đời ở Giang Nam.

Rajiva giúp tôi dọn dẹp, vừa trầm ngâm:

- Vậy là nhờ vận may mà Lữ Quang được làm vua Lương Châu. Khi ông ta tới đây, Lương Châu không còn các thế lực đối địch lớn mạnh nữa. Nếu nhà Lương của họ Trương vẫn còn, chỉ e Lữ Quang khó lòng chiếm được vùng đất này.

Tôi gật đầu đồng tình:

- Tuy may mắn, nhưng Lữ Quang cũng không dễ dàng chiếm được miếng thịt béo bở này. Lương Châu vốn là vùng rộng lớn, gồm tám quận, không thiếu kẻ muốn xâu xé vùng đất này.

Tôi mỉm cười đón lấy chồng y phục lộn xộn từ tay Rajiva, tự mình gấp lại phẳng phiu. Rõ ràng là chàng không biết làm việc nhà.

Lương Châu của Lữ Quang ở thời điểm này còn rộng lớn hơn cả tỉnh Cam Túc vào thế kỷ XXI, vì nó bao gồm phần diện tích của cả vùng Đông Bắc Thanh Hải, Ninh Hạ, Nội Mông và Tân Cương. Địa bàn rộng lớn như thế, chả trách khiến cho nhiều kẻ nóng mắt.

- Vẫn còn chiến tranh ư?

Chàng ngượng ngùng nhìn tôi gấp lại chồng quần áo, vừa rót cho tôi một tách nước và lấy khăn tay lau mồ hôi lắm tấm trên trán tôi.

Không phụ Như Lai không phụ nàng (Đức Phật và nàng)Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ