Chương 14: Tôi trở về

43 2 0
                                    

Ngày tháng cứ thế trôi qua, chớp mắt đã sang xuân.

Tuy người Khâu Từ không ăn Tết Nguyên Đán như người Hán, nhưng vào ngày đầu tiên của năm mới, tôi vẫn tặng quà cho hai anh em Rajiva, của Rajiva là một chuỗi tràng hạt làm bằng gỗ đàn hương, của Pusyseda là một bức tranh Doraemon do chính tay tôi vẽ.

Tôi nói với họ, thế là tôi đã thêm một tuổi, năm nay tôi hai mươi tư. Tôi chẳng muốn phải thừa nhận rằng mình đã già thêm một tuổi gì cả.

Sinh nhật của tôi rất dễ nhớ, đó là ngày mùng mười tháng Giêng âm lịch, vì vậy tôi thường tổ chức sinh nhật theo lịch âm.

Nhưng sau tuổi hai mươi thì tôi không còn hứng thú với ngày tết nữa, mỗi dịp tết đến lại nhắc tôi nhớ rằng, mình đã già, đã già rồi...

Ở thời cổ đại chỉ có hai anh em họ vui sinh nhật với tôi.

Tôi dạy họ nói: chúc mừng sinh nhật và hát bài "Chúc mừng sinh nhật", rồi đề nghị họ hát cùng tôi.

Giọng hát trẻ con bập bẹ của Pusyseda rất buồn cười, rất đáng yêu.

Rajiva lắc đầu kiên quyết không chịu hát.

Nhưng khi tôi bảo, vào ngày sinh nhật người Hán sẽ nói "chúc mừng sinh nhật" rồi hát bài hát này, sau đó sẽ ăn một loại bánh ngọt vừa thơm vừa ngậy và còn được tặng quà nữa.

Rajiva nghe xong, vẫn còn lần chần, mãi sau mới chịu cất giọng.

Giọng hát của cậu ấy cũng trầm ấm, truyền cảm như giọng nói, tuy vẫn còn có nhiều âm khàn đục, do đang trong thời kỳ vỡ tiếng, nhưng lại tạo cho bài hát một âm điệu rất đặc biệt.

Bài chúc mừng sinh nhật mà cậu ấy đang khe khẽ hát cho tôi nghe là bài hát hay nhất mà tôi từng được nghe vào dịp này.

Có điều, gương mặt của cậu ấy, như tôi đã biết từ trước, đỏ như gấc chín, át cả nước da bánh mật vốn rất nổi bật.

Buổi tối ngày tiếp theo, sau khi kết thúc giờ học, Rajiva không đến thư phòng đọc sách như mọi khi, cậu dùng dằng ngập ngừng mãi mới lôi từ trong áo ra một chiếc khăn lụa thêu hình thoi khổ dài với các màu sắc đỏ, vàng, xanh da trời đan xen.

- Tặng cô.

Cậu lại đỏ mặt.

- Cô bảo sinh nhật muốn được tặng quà...

Tôi không có thời gian để bận tâm về sự chu đáo này, tôi còn mãi ngẩn ngơ ngắm nhìn món quà của mình.

Đây là chiếc khăn lụa Atala, Atala có nghĩa là loại tơ lụa được làm ra bằng kỹ thuật xoắn sợi tơ dọc và nhuộm đồng thời, đây cũng là loại vải dùng để may quần áo phổ biến nhất của phụ nữ Tân Cương ngày nay.

Tơ lụa Khotan là thương hiệu nổi tiếng nhất. Lụa, ngọc và thảm được mệnh danh là ba "quốc bảo" của Khotan. Đến tận thế kỷ XXI, người Khotan vẫn sử dụng những phường nhuộm nguyên thủy với chiếc máy dệt cồng kềnh, cao hơn năm mét, được xây đắp bằng đất và gỗ.

- Rajiva, cậu có biết ngôi chùa Masa ở Khotan không? Những hạt giống của cây dâu mà cô công chúa người Hán mang đến Tây vực đã được gieo trồng ở chùa này đó.

Không phụ Như Lai không phụ nàng (Đức Phật và nàng)Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ