Người ta hay nói trẻ con mau quên, đại đế cũng cho là như thế cho đến khi công chúa nhỏ của ngài lại nhắc đến hoàng tử nhà người ta. Chấp niệm bắt người ta làm thư đồng cho mình của công chúa nhỏ vẫn còn lớn lắm. Đại đế nghĩ nếu mình không giải quyết gọn ghẽ thì con gái cưng của ngài sẽ nhõng nhẽo mấy ngày liền mất.
"Thân phận người ta là hoàng tử, không thể làm thư đồng cho con được đâu." Ngài nhắc nhở "Nếu con muốn thì sau lễ cha sẽ tìm cho con bạn học cùng."
"Vậy thì cho anh ta thay chỗ thầy giáo là được ạ." Công chúa nhỏ không hê nao núng với chướng ngại vật là phụ vương của mình "Thầy giáo là người đáng được tôn trọng, chính cha đã nói như vậy. Thế thì hoàng tử cũng làm được thầy giáo mà đúng không?"
Con gái nhỏ của đại đế có số tuổi chưa cần dùng đến bàn tay thứ hai để đếm mà đã có tham vọng đuổi thầy giáo. Đợi đến lớn thì công chúa nhỏ thay máu luôn nền giáo dục nước nhà quá. Đại đế nhấn nhấn ấn đường của mình, cảm thấy hơi nhức nhức đầu.
"Con có biết cha mất bao nhiêu lâu mới mời được thầy cho con không? Con thích người ta, nhưng người ta chưa chắc có đủ kiến thức để dạy con."
"Có mà!" Công chúa nhỏ phản đối rồi chạy về phía thư phòng của mình. Rất nhanh sau đó bé con quay lại với những tờ giấy đã được những con chữ phủ kín. "Là anh ta dạy con làm nè. Chỗ nào con không hiểu anh ta còn vẽ minh họa cho con dễ hiểu hơn nứa!"
Đại đế nhận lấy phần bài tập đã được hoàn thành của con gái của ngài, kết quả đều đúng hết. Kèm thêm đó là những hình vẽ để công chúa nhỏ hình dung ra những phép tính trong bài toán 'con dê đi vào rừng'. Nét vẽ có phần hơi vội nhưng vẫn rất sống động và bắt mắt, cho thấy người vẽ có kỹ năng hội họa vững vàng. Trưởng công chúa của đại đế nãy giờ vẫn đang say sưa đọc sách lúc này cũng tò mò mà nhìn sang.
"Mấy con dê dễ thương quá!" Trưởng công chúa năm nay tròn 9 tuổi lên tiếng khen ngợi. "Thầy giáo không vẽ được mấy bức như thế này đâu."
Đúng vậy, người ta bỏ bao nhiêu năm tháng để vẽ tranh non sông hữu tình, chứ có luyện vẽ mấy con dê béo béo xinh xinh đâu mà đòi so sánh. Đại đế tức cái lồng ngực nhưng lại không được thể hiện, vì trẻ con có lý lẽ và góc nhìn riêng của chúng. Không thể vì thế mà quát mắng hay bác bỏ một cách phũ phàng được.
Đại đế im lặng mất một lát thì đầu ngài tự bật lên một chân lý: Chuyện gì mình không làm được thì để cho người khác làm. Con gái nhỏ của ngài nằng nặc đòi hoàng tử nước bên dạy học thì cứ để cho đương sự tự tìm cách mà từ chối. Ai bảo em khi không khiến bé con nhà ngài mê như điếu đổ làm gì.
"Được rồi, mai cha sẽ mời người ta đến. Còn việc thuyết phục người ta làm thầy giáo sẽ là trách nhiệm của con."
Ngài lơ đãng nhớ đến dáng vẻ run rẩy ngại ngùng của người nào kia, ngón tay ngài cảm thấy hơi ngứa ngứa. Cứ như ngài phải véo đôi má hơi phúng phính của đối phương một cái thì mới bõ tức. Người gì mà gây chuyện để ngài phải bận tâm là giỏi.
Chưa hay biết gì về những điều sắp tới, Minh Phúc ngồi ngây người ở bàn, lá thư đang viết dở chỉ vẻn vẹn có một dòng chào hỏi. Đại đế hôm nay không có vẻ gì là muốn cho em bay đầu cả, ngài lại còn nhắc nhở em về cách hành xử ở nơi đất khách quê người nữa. Nhưng mà quá trình với phương pháp cứ kỳ lạ như nào ấy, khiến em có muốn chia sẻ cũng không biết bắt đầu từ đâu. Ngài cũng không đáng sợ như em nghĩ, dù ngài có hơi hung dữ thật, nhất là khi ngài nghiêm mặt trầm giọng. Khí chất của một vị đế vương đức cao vọng trọng đúng là không thể xem nhẹ được, tim em vẫn còn đánh một cái thịch rõ to đây này. Có điều khung cảnh công chúa nhỏ ôm lấy chân ngài rồi ngài nhẹ vuốt tóc cô bé đem đến cho em một cảm giác dịu dàng và bình yên.
YOU ARE READING
Đại đế và Công chúa nước láng giềng
Ficción históricaTruyện kể về một ngài đại đế chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải lòng chàng "công chúa" nước láng giềng.