Chương 38: Mất Mát
Lúc tiễn tôi ra xe ngựa, Trịnh Khải có căn dặn Hải vài điều nhưng tôi không nghe được, chỉ có thể ngồi yên trong xe nhìn ra. Nương theo ánh trăng nhàn nhạt tôi thấy được Hải cúi người chào Trịnh Khải rồi nhảy lên xe. Trịnh Khải đội lại cái nón to lên đầu che khuất cả mặt nhưng tôi vẫn cảm giác được ánh mắt ấm áp của anh đang nhìn mình. Đến khi xe chạy đến góc đường tôi quay người nhìn lại vẫn còn thấy anh đang đứng yên tại chỗ nhìn theo.
Vừa về tới cổng phủ đã thấy một người hầu mặt mũi căng thẳng đi ra đi vào, chị ta nhìn thấy tôi thì chạy đến:
- Tiểu thư Đinh Thanh, tôi chờ tiểu thư nãy giờ, tiểu thư Đinh Ngọc có chuyện rồi.
Tôi hốt hoảng cầm tay chị ta hỏi lại:
- Chị Đinh Ngọc có chuyện gì?
- Tiểu thư, tôi cũng không rõ. Lúc này quận công và quận chúa đang ở bên nhà Trang quận công. Ông Lộc sai tôi ở đây báo tin cho tiểu thư và công tử Đình Duệ.
Rốt cuộc là Đinh Ngọc gặp chuyện gì mà quận công và mẹ cả đều phải qua nhà Trang quận công? Trong lòng tôi chợt dâng lên một nỗi lo sợ vô hình, quay qua nhìn Hải đang đứng bên xe ngựa, giọng gấp gáp:
- Mau đến nhà Trang quận công.
Hải nhanh nhẹn đỡ tôi lên xe rồi quất roi ngựa chạy thẳng đến nhà Trang quận công. Xe ngựa vừa đến trước phủ Trang quận công đã thấy người hầu hớt hải chạy ra ngoài, tôi xách váy đi nhanh vào gian phòng khách nhưng không có một ai, đến bóng dáng của người hầu cũng không thấy. Dựa theo trí nhớ tôi đi thẳng vào sân nhà trong thì đứng khựng lại. Trước mắt tôi là sân nhỏ được thắp lồng đèn sáng rực, quận công đứng bất động bên cây mai còn mẹ cả thì đang được người hầu dìu hai bên đến ghế đá gần đó, phu nhân Trang quận công đứng tựa hẳn vào người Trang quận công, Phan Huy đứng buông thõng hai vai giữa sân. Người hầu đứng vây quanh, có người quỳ trên nền gạch, có người quay mặt đi, không khí trầm lắng đến đáng sợ.
Tôi chầm chậm bước thêm một bước vào trong, cảm giác tim dường như cũng ngừng đập, chỉ hi vọng những suy đoán trong lúc tôi ngồi xe ngựa đến đây là không đúng. Bất ngờ một người chạy đến ôm chặt lấy người tôi khiến tôi lảo đảo suýt ngã ra sau, đến khi nhìn kỹ lại thì ra là Gạo. Gạo quỳ xuống ôm lấy hai chân tôi khóc nức nở:
- Tiểu thư...
Vì tiếng kêu khóc của Gạo mà vài người trong sân quay ra nhìn tôi, ánh mắt họ thế nào tôi không nhìn rõ, chỉ cảm thấy hai chân mình run lên theo tiếng khóc của Gạo. Tôi quỳ xuống đỡ lấy hai vai của Gạo, nghe giọng của mình run run:
- Đừng khóc, nói chị nghe có chuyện gì?
Gạo không những không ngừng khóc mà tiếng khóc lại càng lớn hơn, trong sân cũng có vài người bắt đầu nức nở. Tôi không nhịn được, hít vào một ngụm khí, quát lên:
- Nói.
Gạo vì tiếng quát của tôi mà không khóc lớn nữa nhưng vẫn không thể trả lời được. Một người đàn ông khác đi đến gần tôi, nói:
- Thiếu phu nhân sinh non, đứa bé không giữ lại được nhưng may mà thiếu phu nhân không nguy hiểm về tính mạng.
- Ông nói gì? – Tôi nghe giọng mình lạc hẳn đi.
- Tiểu thư... – Tiếng Gạo khóc nói cho tôi biết những gì người đàn ông vừa nói là sự thật.
Ông ta cúi đầu rồi xin phép đi ra ngoài kê đơn thuốc, ra ông ta là thầy thuốc. Tôi ngồi hẳn xuống nền gạch lạnh ngắt mặc cho tiếng khóc kề bên, tai tôi ù đi, không nghe thấy gì nữa.
***
Qua ngày hôm sau, Đinh Ngọc mặt mũi tái nhợt được quận công sai người bế vào võng khiêng về phủ. Tôi ngồi ở mép giường nhìn Đinh Ngọc suốt một ngày nhưng ngoài mí mắt chị hơi giựt ra thì không có phản ứng nào khác. Gạo đều đặn bón thuốc cho Đinh Ngọc đúng giờ, mẹ cả thường ngày lạnh nhạt cũng rơm rớm nước mắt nhìn chị nằm ngủ. Buổi chiều Phan Huy đến quỳ ở trước gian phòng khách nhưng bị quận công đuổi về, nếu quận công không có mặt ở đó thì tôi đoán chắc đến mười phần anh ta sẽ bị Đình Duệ đánh cho túi bụi.
Đình Duệ sau khi biết chuyện Đinh Ngọc sinh non thì giận dữ đòi đi tìm cô vợ bé của Phan Huy hỏi tội nhưng bị quân công ngăn lại, hơn nữa trong chuyện này cũng không thể trách cô ta, có trách thì trách Đinh Ngọc không may mắn.
Tối hôm trước Gạo thuật lại mọi chuyện trong tiếng nấc liên tục, tuy gián đoạn nhưng tôi đại khái hiểu được sự việc xảy ra. Ngày rằm, cả nhà Trang quận công cùng đi lễ phật cầu an, nói là cả nhà nhưng chỉ có phu nhân Trang quận công, Đinh Ngọc, cô vợ lẽ và vài người hầu trong phủ đi theo. Sau khi làm lễ xong, cả nhà mới đến ngồi ở một lương đình giữa hồ nước để nghỉ ngơi. Trong lúc chờ người hầu bày bánh trái ra bàn thì cô vợ lẽ của Phan Huy bị gió thổi bay cái khăn tay, cô ta theo phản xạ với người bắt lấy khăn tay thì bị trượt ngã, đúng lúc Đinh Ngọc ngồi ngay đó thấy nguy hiểm nên đưa tay kéo cô ta lại. Cô ta được Đinh Ngọc kéo lại chỉ bị ngã trên nền còn Đinh Ngọc thì thuận đà ngã ra sau, lan can thì quá thấp, tình huống lại quá nhanh người hầu không kịp trở tay, đến khi mọi người kịp chạy đến thì Đinh Ngọc đã chìm dưới hồ nước lạnh. Đinh Ngọc trước giờ không biết bơi, hơn nữa lúc ngã xuống lưng chị bị đập vào thành của lương đình thành ra khi người hầu nhanh nhẹn bơi xuống cứu chị lên thì chị đã nửa tỉnh nửa mê rồi.
Cô vợ lẽ của Phan Huy chỉ bị động thai nhẹ nhưng nhìn thấy Đinh Ngọc rớt xuống hồ nên sợ đến ngất đi. Còn Đinh Ngọc phải sinh non, đứa bé không sống được, sau khi sinh chị cũng lâm vào mê man.
Không biết Đinh Ngọc đã biết đứa con mà chị ấp ủ không còn hay chưa nhưng đã hai ngày rồi chị vẫn không mở mắt ra, chỉ nằm yên như đang ngủ một giấc thật sâu. Đôi khi tôi ước Đinh Ngọc cứ tiếp tục ngủ như vậy để tránh lúc tỉnh giấc phải đối mặt với cơn ác mộng này nhưng tôi lại sợ, sợ chị mãi không chịu thức dậy.
Tôi nắm lấy bàn tay gầy của Đinh Ngọc, khẽ vân vê ngón tay thon dài của chị, nói thầm thì: "Đinh Ngọc, có phải chị biết tất cả nên mới cố ý ngủ, giả vờ như không có chuyện gì đúng không?" Mí mắt của Đinh Ngọc khẽ động, tôi đưa tay vuốt nhẹ gò má của chị: "Chị phải mạnh mẽ lên."
***
Chiều ngày hôm sau tôi đang nằm nghỉ ở bên phòng thì nghe tiếng khóc, tiếng la hét rất lớn từ phòng bên cạnh vang đến. Không nghĩ nhiều, tôi bật dậy chạy qua phòng Đinh Ngọc thì thấy Gạo đang dùng hết sức ôm lấy người chị, Đinh Ngọc thì ngồi dưới nền gạch vừa khóc vừa không ngừng vung tay đánh vào người Gạo. Trên giường chăn mền hỗn loạn, dưới đất còn vung vãi gối ngủ, gương, lược... Tôi chầm chậm đến ngồi sụp trước mặt chị, Đinh Ngọc nhìn thấy tôi thì cầm lấy tay tôi mà nói gấp gáp:
- Đinh Thanh, con của chị đâu? Em sẽ không nói dối chị đúng không?
Tôi không trả lời, chỉ đưa tay khẽ gạt sợi tóc dính bên má chị ra đằng sau rồi nói:
- Đinh Ngọc, đừng sợ, chị cứ khóc đi.
Đinh Ngọc sững người trong giây lát rồi ôm chầm lấy tôi khóc lớn. Nếu là trước đây lúc chị quyết định cắt đứt tình cảm với Nguyễn Cảnh mà khóc nức nở thì lúc này tiếng khóc của chị đau đến xé lòng, tê tâm phế liệt. Tôi không kìm được cũng ôm lấy chị cùng khóc, tiếng khóc lớn dần.
Sau một hồi khóc đến khan cả giọng, Đinh Ngọc cũng chịu cho tôi và Gạo đỡ lên giường nằm. Mẹ cả từ lúc nghe tiếng khóc của chúng tôi thì đã đến nhưng chỉ ngồi im ở ghế, thỉnh thoảng rút khăn tay ra lau nước mắt.
Nếu là vài tháng trước đây cả phủ rộn ràng khi nghe tin vui thì lúc này không khí trong phủ hết sức tĩnh lặng. Ai cũng chú tâm làm việc của mình, ngoài tiếng thở dài ra thì không dám nói gì thêm.
***
Từ lúc Đinh Ngọc tỉnh đến nay đã hơn mười ngày, chị cũng đã chịu ăn cháo, thỉnh thoảng lại ngồi thừ người nhìn ra bên ngoài. Phan Huy và người bên nhà Trang quận công có đến vài lần nhưng mẹ cả không cho vào gặp Đinh Ngọc, sợ chị gặp người rồi nhớ lại chuyện cũ mà không ngừng khóc.
Sức khỏe của Đinh Ngọc trước giờ vốn đã yếu nay lại gặp chuyện này sợ rằng sẽ sinh bệnh lâu ngày khó khỏi nên thuốc bổ, thức ăn dinh dưỡng ngày nào cũng được nấu mang lên. Đinh Ngọc sợ mọi người lo lắng cũng chịu khó ăn uống nhưng mỗi thứ chỉ được một chút. Những lúc đó tôi thường ngồi bên cạnh dỗ dành chị, Đinh Ngọc nhìn chén cháo lại khẽ rơi vài giọt nước mắt vì thế tôi cũng không dám ép chị nữa.
Đình Duệ và quận công vẫn sáng đi tối về nhưng không ngày nào là không qua phòng nhìn Đinh Ngọc hoặc nói vài câu an ủi với chị. Đinh Ngọc vì thế thỉnh thoảng sẽ gượng cười để mọi người an tâm, thỉnh thoảng sẽ ghé đầu lên vai tôi nói tôi kể chuyện cho chị nghe. Lúc đó tôi sẽ nói đủ thứ trên trời dưới đất, từ việc mẹ cả sai người trồng một vườn hoa nhỏ trước sân, chỉ không lâu nữa là chị có thể ngắm được chúng đến việc bà bác làm bếp đã chặt đầu con gà mà nó vẫn có thể chạy lông bông ngoài sân... Có lần tôi và chị nhắc lại lần tôi dùng bút vẽ lông mày Nguyễn Hoàn khiến anh ta trông buồn cười thế nào. Nhìn thấy tinh thần Đinh Ngọc khá hơn, tôi vui quá nên kể lể:
- Nguyễn Hoàn vậy mà người ta sắp lên chức làm cha...
Tôi biết mình vừa lỡ miệng nên im bặt, Đinh Ngọc thì sững người rồi cúi đầu che đi giọt nước mắt vừa rơi ra. Không biết nói gì, tôi chỉ có thể bắt chước người lớn mà an ủi chị:
- Chị còn trẻ, rồi chị sẽ có thật nhiều đứa con xinh đẹp khác.
Thấy Đinh Ngọc vẫn không nói gì, tôi nắm lấy cánh tay của chị:
- Chị đừng buồn, đứa bé chắc hẳn là được thượng đế yêu thích nên mang lên thiên đường để sớm ở bên cạnh người.
Đinh Ngọc ngẩng đầu nhìn tôi:
- Thiên đường?
- Phải. Thiên đường là nơi rất đẹp, rất tốt. Ở đó chỉ có hạnh phúc và tự do, không có khổ đau cũng không có bị ai ép buộc bất cứ điều gì...
Tôi huyên thuyên một hồi mới nhận ra Đinh Ngọc đang nhìn bầu trời ngoài cửa với đôi mắt sáng lấp lánh. Bất giác nhìn theo ánh mắt của chị mới phát hiện ra bầu trời xanh với vài chùm mây trắng trên kia quả thật rất đẹp.
Sau hôm nói chuyện đó, Đinh Ngọc dù nghe ai vô tình nhắc đến con nít thì mặt chỉ hơi buồn nhưng cũng không khóc nữa.
Đôi khi để đối mặt với hiện thực khắc nghiệt đang diễn ra thì một niềm tin không có thực sẽ giúp sự việc dễ dàng hơn rất nhiều.Trong thời gian Đinh Ngọc dưỡng bệnh ở nhà, Phan Huy vẫn thường xuyên ghé qua thăm. Anh ta xin với quận công và mẹ cả để Đinh Ngọc ở nhà đến hết Tết sẽ qua đón chị về lại nhà bên kia. Quận công và mẹ cả đồng ý, một là để Đinh Ngọc ở nhà có thể chăm sóc chị tốt hơn, hai là vợ lẽ của Phan Huy cuối năm sẽ sinh em bé, sợ chị ở nhà Trang quận công sẽ buồn lòng.
Sức khỏe của Đinh Ngọc càng ngày càng khá hơn, tinh thần cũng tốt hơn, dần dần bớt u sầu. Đinh Ngọc ở nhà một thời gian khiến tôi rất vui vẻ, cảm giác giống như những ngày trước khi chị bị gả đi, hai chị em cùng ăn, cùng trò chuyện, cùng trêu đùa. Thỉnh thoảng tôi cùng chị sẽ ra ngoài dạo phố, có lần còn ghé qua lầu Dương Khê ngồi ăn bánh và nhắc lại kỷ niệm cũ. Những lúc ấy, sắc mặt Đinh Ngọc lại bừng sáng, đôi mắt long lanh. Nhìn chị, tôi lại càng thêm tiếc nuối những ngày tháng vui vẻ cùng anh em Nguyễn Hoàn, Nguyễn Cảnh. Đúng là hồi ức càng đẹp thì hiện thực càng trở nên ảm đạm.
***
Gần đây Đình Duệ lại có vẻ rảnh rỗi. Tôi thường thấy anh ở nhà nhiều hơn, có lúc ăn cơm trưa xong còn lấy sách ra ngồi đọc rất thoải mái, không có chút nào là bận rộn như trước kia. Một hôm Đình Duệ đang nằm đọc sách trên chõng tre sau nhà, tôi kéo tay Đinh Ngọc đến trêu chọc anh:
- Đình Duệ, có phải anh bị cắt chức rồi không?
Đinh Duệ liếc tôi rồi hừ một tiếng, nói:
- Em cho là anh kém cỏi vậy sao?
Đinh Ngọc khẽ cười:
- Anh Duệ không đi trấn Sơn Nam sao?
Lần này thì Đình Duệ ngồi hẳn người dậy trừa khoảng trống trên chõng tre cho chúng tôi ngồi, anh nói:
- Trong thời gian này anh chỉ đảm nhận vài công việc nhỏ trong phủ chúa thượng. – Anh nhìn chúng tôi rồi trầm giọng nói tiếp. – Sắp tới anh sẽ về lại thành Phú Xuân.
- Tại sao? – Tôi bị bất ngờ, hỏi gấp gáp. – Có phải chiến tranh sắp xảy ra không?
Đình Duệ thở dài rồi hỏi ngược trở lại tôi:
- Đinh Thanh, sao mỗi lần nhắc đến Phú Xuân em đều hốt hoảng như vậy?
Tôi cắn môi, đang không biết nên trả lời thế nào thì Đinh Ngọc lên tiếng:
- Vậy tại sao anh lại đột ngột trở về Phú Xuân?
- Thành Phú Xuân đang thiếu người, chú cũng muốn anh trở về trấn giữ tiền tuyến.
Tuy rằng lúc này nhà Tây Sơn đang đánh nhau kịch liệt với nhà chúa Nguyễn trong Gia Định nhưng không có nghĩa Phú Xuân được yên bình. Đã vài năm nay nhà chúa Trịnh và Tây Sơn liên tục giằng co nhau ở thành Phú Xuân, chỉ cần Phú Xuân thất thủ, Tây Sơn sẽ có cơ hội tiến công ra Đàng Trong và gây nguy hiểm cho Thăng Long.
Tôi kéo tay áo Đình Duệ:
- Anh Duệ không đi không được sao?
Anh đưa tay xoa đầu tôi rồi cười lớn:
- Đinh Thanh, em lớn rồi chứ có phải con nít lên ba đâu. Huống chi...
Đình Duệ không nói hết câu nhưng tôi biết anh rất khao khát được trở về Phú Xuân. Ở đó có cha anh và Đình Khuê đang cầm quân, anh cũng muốn ra chiến trận thay vì ở trấn Sơn Nam ngày ngày quản binh. Hơn nữa đây còn là mệnh lệnh của quận công, tôi có nói gì cũng vô ích.
Đinh Ngọc khẽ thở dài:
- Lúc nào thì anh đi?
Đình Duệ nói chưa biết được chính xác ngày đi, đợi đợt gom quân trong tháng tới xong anh sẽ lập tức lên đường. Tôi cắn môi một hồi mới hỏi Đình Duệ:
- Anh Duệ, nếu biết trước là sẽ thua trận thì anh có ra đánh không?
Đinh Ngọc và Đình Duệ cùng quay qua nhìn tôi một cách ngạc nhiên, sau đó thấy được vẻ mặt nghiêm túc của tôi thì anh mới thở dài mà đáp:
- Chưa ra trận làm sao biết được là thua hay thắng? Nhưng dù có biết trước sẽ thua, anh cũng muốn đánh. Thà rằng thất bại trong vinh quang còn hơn rụt cổ làm kẻ nhát gan.
Tôi bỗng nhiên hiểu ra, Đình Khuê, Đình Duệ và có lẽ nhiều người khác cũng vậy, đối với họ tính mạng không quan trọng bằng lòng tự trọng của nam nhi.
***
Giữa tháng chín, trong lúc tôi đang ngồi ở bàn đá nhìn Đinh Ngọc và Gạo thêu thùa thì Hải đến, hai tay nâng một vật được bọc trong tấm vải nâu mà nói:
- Tiểu thư Đinh Thanh, ngoài cửa có người nói là gởi cho người.
Tôi đưa tay cầm lấy, vật đó rất nhẹ, có lẽ là giấy hoặc vải. Sau khi nói Hải lui ra, tôi đang định mang vào trong phòng để xem thì Đinh Ngọc kéo tay lại:
- Đinh Thanh, là ai gửi em có biết không?
Tất nhiên là tôi biết rồi, người mà phải để Hải đưa tận tay cho tôi thì chỉ có thể là Trịnh Khải. Nhưng trước câu hỏi của Đinh Ngọc thì tôi thực sự ấp úng, đành trả lời:
- Em không biết.
Gạo ngồi bên cạnh Đinh Ngọc vừa xỏ chỉ vừa cười:
- Tiểu thư, hay là của công tử nào bên ngoài mến mộ người nên tặng quà?
Trừng mắt với Gạo xong quay qua lại thấy Đinh Ngọc đang lấy tay che miệng cười khúc khích, tôi thẹn quá không nói được gì đành quay người bỏ đi.
Để cho hai người họ tiếp tục cười nói ngoài sân, tôi vào phòng, cài then cẩn thận rồi mới mở lớp vải bọc bên ngoài, ra bên trong là một cuộn giấy được cột bằng dây vải màu xanh. Tháo dây, cuộn giấy mở ra, là một bức tranh vẽ ao sen dưới ánh trăng. Trong tranh, những bông sen đang đua nhau nở trên mặt nước, thấp thoáng còn thấy bóng trăng phản chiếu lại huyền ảo. Tôi đưa tay vuốt thẳng bức tranh, trong lòng ngọt ngào như mật, lúc bàn tay vuốt đến góc dưới cùng bên phải bức tranh mới phát hiện một chữ ký nhỏ, nhìn thật kỹ mới thấy là: Đinh Thanh.
Tôi vừa cười vừa vuốt chữ ký được viết bằng nét bút cứng cỏi, người ta vẽ tranh sẽ ký tên mình, ai lại ký tên người nhận thế này? Nghĩ lại cũng may là Trịnh Khải ký tên tôi, nếu ký tên anh mà để người khác phát hiện ra thì tôi không biết phải ăn nói thế nào. Chiều hôm đó tôi sai người treo bức tranh lên tường ở nơi dễ nhìn nhất, dù ngồi ở bàn hay nằm trên giường đều có thể ngắm được.
***
Một tháng trôi qua thực sự rất nhanh, chớp mắt một cái đã đến ngày Đình Duệ lên đường về Phú Xuân. Trước ngày đi, Đình Duệ đã chào hỏi và trà rượu xong xuôi với các quan trong triều cũng như bạn bè ở Thăng Long. Tối trước ngày lên đường một ngày, Đình Duệ gọi tôi và Đinh Ngọc ra bàn đá dưới cây lựu uống trà. Anh lấy từ trong túi ra hai chiếc vòng tay bằng ngọc màu trắng, giống nhau như đúc. Đình Duệ nói hôm trước anh gặp được một thương buôn người Thanh ở Sơn Nam, nhìn thấy cặp vòng ngọc liền nghĩ đến chúng tôi nên đã mua lại.
Đinh Ngọc cầm vòng tay, mũi chị ửng đỏ, khóe mắt đã ươn ướt, mãi vẫn không nói được câu nào. Đình Duệ đưa tay xoa đầu tôi và Đinh Ngọc rồi nói:
- Anh đi rồi không ai bảo vệ hai em, hai em không được để cho ai bắt nạt, có biết không?
Tôi nghe sống mũi mình cay cay nhưng vẫn bĩu môi trả lời:
- Ai dám bắt nạt con gái quận công chứ?
Đình Duệ và Đinh Ngọc cùng bật cười. Sau Đình Duệ nháy mắt với tôi, hỏi:
- Anh muốn hỏi em lâu rồi, lúc trước em và Đình Khuê thường hay ra ngoài đến tối mới trở về, là đi đâu chơi vậy?
Đinh Ngọc cũng quay qua chờ câu trả lời của tôi.
- Anh Khuê dẫn em đi quán Cổ Cầm. – Tôi thành thật nói.
- Cổ Cầm? – Đình Duệ nhíu mày hỏi lại.
Nhìn bộ dáng của Đình Duệ là biết anh chưa từng đến Cổ Cầm rồi, tôi hất mặt nói sẽ dẫn hai người đến đó.
Từ ngày Đình Khuê đi Phú Xuân, tôi cũng chưa quay trở lại quán Cổ Cầm lần nào. Lúc chúng tôi đến nơi thì Cổ Cầm đã rất đông khách, từ trong ra ngoài quán đều được thắp đèn lồng sáng trưng. Đình Duệ đi trước, tôi và Đinh Ngọc theo sau đến ngồi ở chiếc bàn trống cuối cùng trong góc phòng. Sau khi trà và bánh được dọn lên, đèn lồng trong phòng cũng được tắt bớt chỉ để lại thứ ánh sáng màu vàng yếu ớt. Đinh Ngọc quay qua nhìn tôi, tôi khẽ cười với chị, nói:
- Sắp bắt đầu rồi.
Tôi vừa dứt lời thì tiếng trống, tiếng đàn cũng vừa vang lên, màn che được kéo ra để lộ sân khấu sáng trưng. Cô đào nương mặt tròn như trăng ngồi trên chiếu vừa gõ phách vừa cất tiếng hát thánh thót:
" ...Tôi hát chơi mà khách cũng nghe chơiThảm thiết chi giọt lệ tuôn rơi
Mai sớm đã ngược xuôi người mỗi xứ
Cô nhạn nam phi hồng bắc khứ
Nhàn vân tây hướng thủy đông lưu..." *
(Trích: Cuốn chiếu nhân tình hết)
BẠN ĐANG ĐỌC
Đoá sen bên hồ Tả Vọng [Updating]
Historical FictionTác giả: Dưa Hấu Cre: webtruyen Mình chỉ up truyện lên wattpad đơn thuần chỉ để tải truyện về điện thoại mà thuận tiện đọc ở mọi nơi chứ không vì mục đích nào khác. Cám ơn!