Côn Luân - Phượng Ca Quyển 3 Chương 1 - Hồi 5 chương 1 - VẠN VẬT QUY TÀNG - hồi 5
Liễu Tình cười rằng: -Nếu muốn bàn về đăng phong tạo cực, tất chẳng thể bỏ qua "Chu Dịch" . Các học giả xưa nay học Kinh Dịch nhiều đếm không xiết, sách vở chú giải chất cao từng đống. Chỉ có điều chú giải ít mà xuyên tạc thì nhiều, dựa theo thiển kiến mà tán loạn! Họ đâu có biết, dịch lý vốn là lẽ trời đất, mang tính tự nhiên. Ôi, qua nhiều năm tháng, một bản "Chu Dịch" tuyệt hảo đã bị bọn hủ nho quậy tầm bậy tầm bạ, thành ra năm cha ba mẹ!
Lương Tiêu nghe bà nghị luận đúng tủ, khoái chí vỗ tay: - Lời đạo trưởng bàn đó thật chính xác!.
Liễu Tình lắc đầu, nói: - Những ý ấy không phải của ta, đều xuất phát từ miệng của vị đại tông sư đó, Người bảo: 'Quy Tàng' " xuất phát từ những ý niệm sơ khai giản dị, từ những hào quẻ quái tượng, tam muội, rồi người gạn lọc tinh tuý của chúng, kết hợp với võ công diệu nghệ của chính mình, trong nhiều năm sau đó, đã sáng tạo ra một môn kiếm pháp, đặt tên 'Quy Tàng kiếm'.
Lương Tiêu buột miệng nói: - 'Quy Tàng kiếm'? Tất cả mọi thứ trong trời đất, đều chẳng phải đã bắt nguồn từ Quy Tàng hay sao?.
Liễu Tình nghe gã chỉ một câu mà nêu đúng ngay vào tinh tuý đạo lý của thuật dụng kiếm, bèn vui vẻ cười, khen: - Đúng vậy! Kiếm pháp Quy Tàng kiếm có tám kiếm đạo, chia ra làm càn , khôn , tốn , khảm, ly , cấn , đoài , chấn., theo ý của 'Quy Tàng', vạn vật tương sinh, chi phối tác động mọi thứ trong trời đất. Lương Tiêu ngươi hãy để ý xem đây. Nói xong, bà lấy ra một ngọn trúc tiêu, trước mặt Lương Tiêu sử mấy chiêu khởi đầu của 'Đường kiếm càn'. Càn tượng về trời, kiếm thế vời vợi, như bầu trời cao từ muôn thưở, vạn cổ vân tiêu, không linh vô cực.
Lương Tiêu theo dõi hai chiêu kiếm đó, chợt sang tỏ trong lòng: - Thì ra Liễu Tình đạo trưởng tốn bao nhiêu nước bọt giải thích lý luận, mục đích là dạy ta kiếm thuật, nhưng sao bà ấy đã không chịu nói rõ ý định đó ra, mà lại nói vòng vo nhiều lời làm chi vậy? Nhưng các chiêu thức của Quy Tàng kiếm thật tuyệt diệu không lời nảo tả cho xiết, vừa để mắt vào, đã bị thu hút đến mức không cách nào rứt ra cho được.
Đường kiếm càn bao gồm các chuyển vận tinh tú, thiên tượng, có chỗ gần giống với "Thiên Hành kiếm pháp", nhưng biến hoá phức tạp hơn, nhiều chi tiết hơn, trước sau có tất cả chín Đại kiếm thức, mỗi Đại Kiếm thức lại gồm chín Trung Kiếm thức, mỗi Trung Kiếm thức tự nó mỗi thức có chín Tiểu Kiếm thức, tất cả liền lạc, biến hoá không cùng.
Liễu Tình vừa giải thích vừa thi triển, đến một canh giờ mới diễn giải xong đường kiếm Càn, bèn hỏi: - Ngươi nhìn rõ chứ?
Lương Tiêu gật đầu: - Đại khái là nhìn rõ.
Liễu Tình nghe giọng gã khoa trương như vậy, bỗng ngẩn người, bởi vì Đường kiếm Càn biến hóa rất rắc rối, xếp hạng nhất trong tám đường kiếm, bà nhất thời không tin được, định bụng để xem Lương Tiêu còn chỗ nào chưa rõ thì sẽ tận tình chỉ bảo thêm, bèn nói: - Được, vậy ngươi diễn lại ta xem.
Lương Tiêu lặng lẽ ngẫm nghĩ rồi vụt tuốt trường kiếm, thi triển từng chiêu của Đường kiếm Càn, một mạch từ đầu tới cuối. Liễu Tình càng quan sát càng kinh ngạc, tuy động tác của Lương Tiêu còn chậm nhưng tiến thoái rất ung dung, trầm ổn, kiếm chiêu liền lạc nhịp nhàng, không hề vấp váp chỗ nào. Lương Tiêu diễn hết một lượt, dừng lại nói: - Tiểu tử diễn có đúng không?