Phân Tích Đoạn Đầu Bài Thơ "Vội Vàng" Của Xuân Diệu.
~~•••~~
Xuân Diệu (1916-1985) tên khai sinh là Ngô Xuân Diệu, là một nhà thơ lớn của nền văn học hiện đại, ông được xem là nhà thơ "mới nhất trong các nhà thơ mới ". Xuân Diệu để lại một sự nghiệp văn học lớn. Trong đó, "vội vàng' là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của ông trước cách mạng tháng tám. Đặc biệt đến với khổ thơ đầu, đó là sự thể hiện một mạch cảm xúc tuôn trào với tình yêu say mê, tha thiết mà ông dành cho thiên nhiên và cuộc sống. Đồng thời qua từng dòng thơ còn bộc lộ rõ nét về cái tôi trữ tình độc đáo, đầy sức sáng tạo của thi sĩ Xuân Diệu đã đem lại cho người đọc.Bài thơ "Vội Vàng" được in trong tập Thơ Thơ, xuất bản vào năm 1938. Là một trong những bài thơ tiêu biểu thể hiện cho sự bùng nổ mãnh liệt cho cái tôi trong thơ mới nói chung, thơ Xuân Diệu nói riêng. Xuân Diệu thật tinh tế khi lấy cảm hứng từ mùa xuân, ông nhận ra vẻ đẹp thiên nhiên ấy đã khiến ông bị say đắm vào cảm xúc giữa cảnh và tình. Để rồi trong ông như muốn trỗi dậy một khát vọng mãnh liệt thông qua bốn câu thơ đầu, đó là những ước muốn táo bạo của nhà thơ:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất.
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.Mở đầu bài thơ bằng bốn câu ngũ ngôn. Nhà thơ nêu lên hai ước muốn: "tắt nắng, buộc gió' để cho màu nắng đừng phai và mùi hương đừng lan toả đi mất. Điệp ngữ "tôi muốn" kết hợp với từ "cho" càng khẳng định hơn niềm khát vọng kì lạ đến ngông cuồng, ước muốn không tưởng không bao giờ thực hiện được. Ông muốn tước đoạt đi quyền tạo hoá của thiên nhiên, của tuổi thanh xuân tươi đẹp; muốn cuỡng lại quy luật của tự nhiên. Cấu trúc lặp "tôi muốn tắt nắng","tôi muốn buộc gió" không phải do ông ghét nắng, ghét gió mà vì ông quá yêu nó, quá yêu thiên nhiên này. Vì vậy, hai động từ mạnh "tắt"và "buộc" càng thể hiện khát vọng mãnh liệt hơn, ông muốn giữ mãi hương vị cuộc sống, màu sắc của thiên nhiên, của tuổi trẻ đừng trôi đi. Từ bốn câu thơ mở đầu, nhà thơ đã trực tiếp bộc lộ cái tôi cá nhân đầy khao khát đồng thời cũng là tuyên ngôn hành động với thời gian. Sang chín câu tiếp tác giả sẽ cho ta cảm nhận thiên đường mặt đất thật hùng vĩ:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa
Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần
Tôi sung sướng, nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.Nhịp thơ đột nhiên biến đổi một cách rõ rệt, đây là một chuyển đổi rất đẹp và rất nghệ thuật của tác giả. Câu thơ kéo dài từ năm chữ sang tám chữ để dễ dàng vẽ nên bức tranh cuộc sống thiên đường ngay trên chính mặt đất. Cảnh vật hiện lên dưới con mắt của nhà thơ thật phong phú, rực rỡ, tươi đẹp và đầy nhựa sống. Nhịp thơ nhanh, kết hợp với điệp ngữ "này đây" vang lên liên tiếp như vừa giới thiệu, vừa mời gọi mọi người quan sát và thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống. Ông sử dụng nghệ thuật liệt kê để nêu lên một loạt những hình ảnh, âm thanh, màu sắc của thiên nhiên rực rỡ: tuần tháng mật, hoa đồng nội, cành tơ phơ phất, khúc tình si. Cảnh thiên nhiên, cuộc sống quen thuộc hàng ngày nhưng qua cảm xúc nồng nàng của nhà thơ đã trở thành cảnh vật và cuộc sống rất đỗi tươi đẹp, rộn ràng như ở chốn thần tiên. Hình ảnh "yến anh" được nhắc đến trong thơ đó là cặp chim con trống con cái luôn bay quấn quít bên nhau, hình ảnh đó đã khiến tâm hồn ông như được vẽ ra những điệu khúc tình si thật ngọt ngào. Nhà thơ không còn dùng từ 'này đây" nữa mà là "và này đây", như thể vẫn còn chưa thoả, chưa hết, ông vẫn muốn níu giữ lấy tất cả những gì trong thiên nhiên cảnh đẹp. Để rồi ông dùng điệp từ, nhân hoá: ánh sáng, Thần Vui hằng gõ cửa, thể hiện lên cách ông thật sự tha thiết yêu cuộc sống này. Đặc biệt câu thơ "tháng Giêng ngon như một cặp môi gần", cách so sánh mới mẻ và độc đáo, dùng hình ảnh cụ thể của cơ thể mà sánh với đơn vị thời gian trừu tượng. Vì tháng Giêng là tháng đầu tiên trong năm cũng giống như tuổi trẻ là tuổi thanh xuân đẹp nhất trong cuộc đời. Hình ảnh so sánh ấy làm cho nhà thơ phát hiện ra vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên thổi vào đó một tình yêu rạo rực, khao khát mãnh liệt và thực hiện hoá. Chình vì thế tác giả sau khi thốt lên mới lại đột nhiên tiếc nuối, tâm trạng đầy mâu thuẫn nhưng thống nhất, sự đối lập giữa sung sướng và vội vàng. Sung sướng vì được tận hưởng vẻ đẹp đến ngây ngất, đến vô thực của mùa xuân. Còn vội vàng muốn sống gấp, sống nhanh, sống vội tranh thủ với thời gian.
Qua đó, đoạn thơ thể hiện tình yêu cuộc sống thiết tha, mãnh liệt với một tâm hồn tràn trề nhựa sống của nhà thơ. Tư tưởng đó được thể hiện qua hình thức nghệ thuật điêu luyện, giọng điệu say mê, sôi nổi, những sáng tạo độc đáo về ngôn từ và hình ảnh thơ.
Vội vàng là lời giục giã hãy sống mãnh liệt, sống hết mình, hãy quý trọng từng giây, từng phút của cuộc đời mình, nhất là những thâng năm tuổi trẻ của một hồn thơ yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tác Phẩm Văn Học
RandomP/S: Đây là những bài mình dựa vào văn mẫu và tự làm. Trình độ viết văn của mình còn yếu lắm. Nếu có gì sai sót xin m.n giúp đỡ mình nhé ^^