Hai Đứa Trẻ

108 0 0
                                    

Phân Tích Ý Nghĩa Hình Ảnh Chuyến Tàu Đêm Qua Tác Phẩm "Hai Đứa Trẻ".
~~•••~~

   Thạch Lam là một nhà văn lớn, ông được xem là cây bút văn xuôi lãng mạn có sở trường về truyện ngắn. Văn Thạch Lam giàu tính hiện thực và mang tính nhân đạo sâu sắc. Đến với tác phẩm "Hai Đứa Trẻ", một trong những truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, được in ở tập "Nắng Trong Vườn". Tác phẩm viết về bức tranh chân thật, cảm động về cuộc sống ở phố huyện xa xôi hẻo lánh hằng đêm có một chuyến tàu chạy ngang trong niềm mong mỏi của những người dân nơi ấy. Mà ở đây điểm nhấn sâu sắc nhất trong truyện đó là ý nghĩa hình tượng chuyến tàu đêm trong sự mong đợi cùng với bao niềm khát khao của hai chị em Liên và An.

   Liên và An là hai đứa trẻ từng sống ở Hà Nội, do cha bị mất việc nên cả nhà phải chuyển về quê sinh sống tại một khu phố huyện nghèo hẻo lánh. Hai chị em được mẹ giao cho trông coi một cửa hàng tạp hóa nhỏ "một gian hàng bé thuê lại của bà lão móm, ngăn ra bằng một tấm phên nứa dán giấy nhật trình". Hàng ngày, Liên quan sát những gì xảy ra xung quanh, Liên thấy những đứa trẻ nhà nghèo bên chợ đi nhặc nhạnh những thứ có thể dùng được do người đi chợ bỏ lại. Liên chứng kiến cuộc sống vất vả, nghèo túng của mẹ con chị Tý (ngày thì mò cua bắt ốc, tối về bán hàng nước), của gia đình bác Xẩm, của bà cụ Thi, của bác phở Siêu,... và cũng như nhiều người dân lam lũ trong phố huyện. Hai chị em Liên và An vừa bán hàng vừa trông ngóng chờ đợi cho chuyến tàu đêm từ Hà Nội trở về.

   Trước khi hình ảnh chuyến tàu đêm xuất hiện, tác giả đã miêu tả về quan cảnh cuộc sống nghèo khổ ở nơi đây, đó là bức tranh phố huyện lúc chiều tà. Không gian tạo vật được hiện lên với nhiều âm thanh, màu sắc, hình ảnh và đường nét: tiếng trống thu không, tiếng ếch nhái kêu ran, tiếng muỗi vo ve, phương Tây đỏ rực, đám mây ánh hồng, dãy tre làng đen lại,... Khung cảnh ấy được tác giả thể hiện qua những câu văn êm dịu, uyển chuyển tạo nên một giọng điệu trữ tình sâu lắng. Mỗi câu văn như một nét vẽ đơn sơ, không cầu kỳ, kiểu cách nhưng lại gợi được cái hồn của cảnh vật, cái thần thái của thiên nhiên; và vẽ lên cả một bức tranh quê hương vào thời khắc ngày tàn quen thuộc, thanh bình, thơ mộng nhưng hiu hắt, đượm buồn. Còn về bức tranh phố huyện lúc về đêm, cảnh vật như ngập chìm trong bóng tối mênh mông, gợi nỗi buồn đầy cảm thương về cuộc sống của người dân nghèo quẩn quanh, bế tắc. Mặc dù cả khung cảnh như bị bao phủ bởi một màu tối ưu buồn, nhưng ở đâu đó trong phố huyện vẫn còn có một vài tia sáng còn le lói, yếu ớt lóe lên: với những quầng sáng từ ngọn đèn dầu của chị Tí, chấm lửa nhỏ từ bếp lửa của Bác Siêu, hột sáng, khe sáng, lọt qua những phên nứa,... Tác giả sử dụng thủ pháp tương phản giữa cái bóng tối bao trùm, đậm đặc mênh mông với thứ ánh sáng nhỏ bé, le lói, biểu tượng cho chính cuộc  đời, số phận của những người dân phố huyện nghèo trong xã hội cũ. Thực vậy, họ vẫn không mất hết hy vọng và niềm tin vào cuộc sống. Vì khi những đoàn tàu bắt đầu xuất hiện ở nơi đây đã giúp bao người dân phố huyện nhận ra được những ước mong đổi đời về một tương lại tươi sáng của họ.

   Về đêm cũng là lúc đoàn tàu xuất hiện và trở vào ga để trả khách. Thạch Lam đã sử dụng cách miêu tả từ xa tới gần, nhờ đó người đọc có thể nhận ra sự xuất hiện của đoàn tàu: những ánh sáng đèn màu xanh như ma trơi của đèn ghi, tiếng còi xe lửa ở đâu xa lắm vọng lại,  rồi con tàu cũng xuất hiện,... Tiếng dồn đạp, tiếng xe rít mạnh vào ghi, làn khói trắng bừng sáng, tiếng khách ồn ào,... Phố huyện này nhờ có đoàn tàu hằng đêm ghé qua sân ga chở khách mà trở nên sống động và náo nhiệt hơn. Con tàu như một phần quan trọng trong cuộc sống của khu phố huyện. Nó là niềm hy vọng của nhiều người trong cuộc mưu sinh nhưng với hai chị em Liên còn mang đến với ý nghĩa khác nữa. Vì muốn được nhìn chuyến tàu hoạt động cuối cùng của đêm khuya. Những toa tàu sáng trưng làm cho chị em Liên nhớ lại những ký ức tuổi thơ. Khi cha Liên chưa mất việc, hai chị em vẫn được đi ngắm phố ăn kem, "Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo". Con tàu đã mang lại ký ức ùa về, niềm mơ ước khát khao về một tương lai không quẩn quanh tù đọng. Chính vì thế nên đêm đêm, người dân phố huyện từ hai chị em Liên đến gia đình Bác Sẩm, quán phở của Bác Siêu, hai mẹ con chị Tí vẫn đợi tàu trở về.

   Hình ảnh chuyến tàu đêm trong tác phẩm đã thể hiện một ước nguyện to lớn, và nó để lại trong trái tim người đọc nhiều cảm xúc. Hình ảnh đoàn tàu là biểu tượng của một thế giới đáng sống: sức sống mãnh liệt của những con người lạc quan, và rực rỡ  ánh sáng tươi mới từ cuộc sống. Nó đối lập với ánh sáng mòn mỏi, nghèo khổ, tăm tối của người dân phố huyện. Đồng thời hình ảnh đoàn tàu đối với Liên và An còn là hình ảnh của Hà Nội, của hạnh phúc, của những ký ức tuổi thơ êm đềm.

   Với một mẫu truyện ngắn trữ tình có cốt truyện đơn giản, Thạch Lam đã thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía niềm xót thương đối với những kiếp người sống cơ cực, quẩn quanh, tăm tối ở phố huyện nghèo trước Cách Mạng. Đồng thời ông cũng biểu lộ sự trân trọng ước mong đổi đời tuy còn mơ hồ của họ.

Tác Phẩm Văn Học Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ