ta chỉ biết những gì ta đang biết
Trở thành khách thường xuyên của quán đồng nghĩa với việc chỉ cần thấy Chi là thằng nhóc phụ việc sẽ ngoắc ngoắc tay chào từ lúc Chi bật xi nhan rẽ vào. Nó sẽ liến thoắng, chạy vòng quanh giữa năm cái bàn để dọn lên cho Chi một bữa ăn như ở trong bếp nhà. Chị mệt hông? Nhà có la hán quả, uống miếng cho đỡ nhức đầu nha. Hôm nay ăn xá xíu, thập cẩm hay hoành thánh? Ô tê la. A Tiều ơi chị ăn mì xá xíu một vắt! Chi chỉ việc ngồi đó, nhỏ nhẹ đáp lại từng câu hỏi của thằng bé. Cô thấy ngộ ngộ, rằng ở một nơi lưng chừng thế này - không phải nhà, không phải cơ quan, không phải nơi cô thường dành phần lớn thời gian - lại có cảm giác ấm nóng và nhẹ nhõm như được trở về nhà. Ở chỗ xe mì, chú Tiều sẽ lại vắt cái khăn lên vai một cách thiện nghệ trước khi bỏ nắm giá vào trụng sơ, "Con ăn vầy sao mà khỏe cho nổi, thêm xương ha. Ba lăm ngàn thôi. Thấy A Tứ ăn hông, toàn hai ba vắt, vậy mới làm việc được chớ!"
"Bạn ấy làm việc gì ạ?"
"... Gần nhất nó làm ở bệnh viện thì phải. Cực lắm, nhiều hôm nó đến đây cứ thấy mặt mũi thất thần, xanh xao kiệt sức. Nhưng nó thích làm ở đó lắm, nó nói mệt thì có mệt, nhưng đáng..."
Thỉnh thoảng lại thấy cậu A Tứ nọ, xuất hiện nhẹ nhàng đến không có tiếng chân, ngồi xuống đối diện Chi mà như bất chợt trồi lên từ ke hở của một miền không gian khác. Hôm mì cật, hôm hủ tiếu khô trộn sa tế cay thật cay. Nói ba câu tầm phào với Chi. Rồi nhìn Chi, khù khờ cười, tươi như một đọt lá xanh, nói hôm nay trông đằng ấy đỡ mệt hơn thì phải, hay, chà có phải vừa bị sếp la hay không mà thấy tái xanh như vầy. Rồi A Tứ sẽ quẹt miệng đứng dậy, chào chú , rồi lặng lẽ đi mất khi Chi còn chưa ăn hết đến muỗng cuối cùng.
-
...Có hôm, chiếc đồng hồ treo tường trong quán trệu trạo đẩy kim giờ qua số mười hai. Từ chỗ Chi nhìn ra, những trụ đèn đường tỏa thứ ánh sáng vàng mờ và im lặng, tách một phần phố xá ra khỏi bóng tối. Từ bóng tối ấy, cũng đầy hoài nghi và thản nhiên như cách A Tứ xất hiện, sẽ có thêm vài người khách đến.
Qua mấy lần Chi đếm, đâu như bảy - tám người. Những ông chú nom ở tuổi năm mấy sáu mươi, tóc điểm hoa râm, thường mặc com lê chỉnh tề, dáng vẻ nghiêm trang và lịch thiệp. Ánh mắt các ông quắc thước, bước chân thẳng thớm và dày dạn, như thể đã đặt chân lên hết mọi ngõ ngách của thế gian. Các ông chú đến vào buổi khuya mà đóng bộ như vừa bước ra khỏi nhà đi làm, tiện thể ghé A Tiều ăn lót dạ.
Mà hình như đều là người quen. Họ bước đến, ngồi xuống theo một chuỗi các cử chỉ lưu loát như thể chỗ ngồi này đã dành cho họ từ hồi nào không biết. Lần đầu thấy cô gái ở cái bàn ở vỉa hè ăn dở bữa khuya, các ông chú đều ngạc nhiên một chút. Thấy cô lễ phép gật đầu chào, các ông chú ngạc nhiên chút nữa. Thú vị. Thú vị. "A Tiều ơi, lâu quá mới có khách mới ghé quán giờ này nhỉ? Từ bao lâu rồi, có phải từ lúc Quảng đại ca dẫn A Tứ đến không?"
"Hôm kia đúng là thấy A Tứ đấy, rồi cũng tình cờ gặp mấy lần nữa. Thằng bé nhìn con nhà người ta suốt mới đi", chú Tiều vừa múc những tô mì nóng hôi hổi vừa nói, "Cô Chi gặp được người nhà mình chắc là có duyên lắm đa."
BẠN ĐANG ĐỌC
A Tứ
RomanceQuán mì Tàu bán hơn tám mươi năm, qua ba đời đứng bếp vẫn còn chong đèn thắp lửa từ chiều đến tang tảng sáng. Năm cái bàn. Hai mươi cái ghế. Tương xanh dấm đỏ. Sa tế thơm lừng. Một vắt mì chan nước lèo suông, rắc nhúm lá hẹ cũng ngon đủ vị thời gian...