mì hoành thánh
Quán mì Tàu bán hơn tám mươi năm, qua ba đời đứng bếp vẫn còn chong đèn thắp lửa từ chiều đến tang tảng sáng. Năm cái bàn. Hai mươi cái ghế. Tương xanh dấm đỏ. Sa tế thơm lừng. Một vắt mì chan nước lèo suông, rắc nhúm lá hẹ cũng ngon đủ vị thời gian. Nghe nói, khách đến trước mười hai giờ đêm là người. Sau mười hai giờ, biết đâu không phải.
Phải hay không, Chi cũng đã ngồi đây rồi. Hơn nửa đêm một lát. Lúc đóng máy tính lại, chỉ còn một mình Chi và đèn neon ở góc chếch bàn làm việc của cô còn đó, trong văn phòng từ lâu đã đầy bóng tối. Bên ngoài vách kính, Chi thấy dòng ánh sáng trên đường phố như những sợi tơ đỏ vàng nhẹ nhàng đan vào nhau, cùng trôi đi lơ đãng. Lúc ra khỏi tòa nhà cơ quan, cậu bảo vệ mắt díu hết lại, gà gật hỏi chị ở tầng mấy, trên đó còn người không, hết rồi hả, chị làm trễ vậy? Lại gà gật. Điện thoại của cậu còn mở một trận bóng đá cậu bỏ dở đêm trước.
Thế rồi Chi đến đây, quán mì duy nhất còn sáng đèn ở góc đường bé xíu, có xe mì kiểu cũ sơn mấy chữ Tàu đỏ phai, trong đêm đen thấm lạnh và tràn lan mặt đất, trong cả cơn đói và mệt rũ người, mệt đến tưởng khóc lên được. Không tên, không bảng hiệu. Tấm bạt căng ra vỉa hè che khuất số nhà. Năm cái bàn. Hai mươi cái ghế. Chi dựng xe sát cạnh bên, bước vào, gọi một tô mì hoành thánh.
Ông chú đứng bếp hói đầu, phần tóc còn lại nhuốm bạc. Ông vắt cái khăn lên vai tựa hồ một nghi thức, rồi mở nắp nồi nước nghi ngút khói, thơm lừng lựng. Nồi kế bên là nước sôi, ông thả mấy chiếc hoành thánh tròn lựng vào vá, rồi thả vá vào nước sôi sùng sục một cách mượt mà như cả cuộc đời ông đã dùng để rèn luyện đúng chuyện bán mì. Có thằng nhóc đem ra cho cô một ly trà nóng, kêu khuya rồi uống đá lạnh bụng chị ơi. Cái này là bửu lị, uống không bị mất ngủ đâu a. Mì đem ra, nóng bừng, nước óng ánh trong veo. Hoành thánh mịn màng êm ái. Chi ngồi bàn ngoài vỉa hè cạnh xe mì nhìn vào trong nhà nhỏ, cái nhà cũ và phai như mọi căn nhà ở Chợ Lớn. Ai đó trên gác đang mở Thái Thanh hát mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông. Vừa nghe, vừa ăn đến lá hẹ cuối cùng, uống hết nước lèo, rồi mắt hoe hoe đỏ.
Chắc phải thường ghé quá. Chi nghĩ.
-
Lần thứ nhất, lần thứ hai, sẽ đến lần thứ ba.
Tháng Mười Một. Phố xá còn lành lạnh và ẩm mướt sau một cơn mưa dài. Trên gác, radio không biết ai mở đang phát một vở cải lương thu âm xa lơ xa lắc. Chi lại ngồi bàn ngoài vỉa hè, nhìn ánh đèn rọi loang loáng xuống mặt đường. Hoành thánh chưa ra mà có cậu kia đã bước đến thản nhiên ngồi xuống đối diện.
"A Tứ a? Ăn gì chú nấu?"
"Mì xá xíu hai vắt a ơi. Con ăn nhiều tóp mỡ."
"Rồi."
Chi ngước lên, thấy cậu kia mặc sơ mi ca rô xanh bên ngoài chiếc áo phông đen. Mặt mũi trạc tuổi mình, đôi mắt một mí, hơi díu lại để bên khóe có mấy nếp nhăn mệt mỏi. Cậu cứ như cũng vừa dứt mình khỏi một ngày thật dài. Cậu đưa tay dụi dụi mắt, ngáp dài một cái. Chú nấu xong, thằng nhóc bê tô hoành thánh ra cho Chi, lại bê tiếp tô mì xá xíu hai vắt nhiều tóp mỡ cho A Tứ. Cậu ta toe toét cười, dưới ánh đèn hơi tù mù của tiệm mì cũ trông tiếu lâm kỳ lạ. Chi cũng cười, hỏi: "Ăn khuya, ha?"
"Quao!" A Tứ giật mình, sửng sốt nhìn Chi, "Bạn thấy mình à?"
"Tại sao lại không?"
Chú treo vá lên cái đinh đóng trên vách xe mì, liếc nhìn hai cô cậu đang trố mắt nhìn nhau. Chậc, chậc. Chú tặc lưỡi.
"A... đúng rồi, ăn khuya. Mình ăn chỗ của A Tiều từ hồi con nít, như kiểu một tuần không ghé mấy lần thì cứ thiếu thiếu sao đấy." A Tứ nhẹ nhàng đáp. Cậu bỗng dưng nghĩ, như cậu bây giờ, còn chuyện gì trên thế gian này có thể gọi là lạ thường nữa đâu?
"Thế thì quán phải mở lâu lắm rồi."
"Tới A Tiều là đời thứ ba đấy. Đằng ấy vừa đi làm về a? Sao trễ thế này?"
"Ừ, mấy hôm nay hơi nhiều việc."
A Tứ vừa gắp mì lùa vào miệng vừa nhìn cô gái trước mặt từ tốn múc từng muỗng hoành thánh. Tóc cô buộc cao lên, nước da cô mỏng tựa hồ ánh sáng có thể xuyên qua. Cổ áo sơ mi tím của cô cài một cái hoa mai kết bằng vải lụa trắng ngà. Sự yên tĩnh nơi cô có một vẻ mê man mà A Tứ đoán là do tan sở muộn. Câu chuyện của cô, những gì cô đã trải qua trong ngày, ngày này qua ngày khác, có phải đã gọt giũa cô đến nhẵn nhụi như thế hay không? A Tứ phỏng đoán. Kể từ khi bắt đầu công việc này, cậu dần dần có thói quen nhìn lớp khí bao bọc lấy người khác. Mỗi người lại có những rung động khác nhau, theo những nhịp điệu riêng tư, gợi dấu vết của những câu chuyện, những ký ức mà thời gian của họ đã để lại. Cậu nhìn thấy quanh Chi có lớp bụi ngà như màu trăng, lan ra êm ái đến mức cậu cứ nhìn mà mỉm cười.
"Chúng ta có biết nhau à?" Chi ngạc nhiên.
A Tứ lúng túng đến mức đánh rơi chiếc đũa, "A... có... a không. Có không nhỉ? Hình như là không?"
"Chắc là không thật."
Chú Tiều vắt khăn ướt lau trán, "Ai đến quán chú rốt cuộc cũng biết nhau hết trơn á. Đây đây, để chú giới thiệu. A Tứ, ăn mì chỗ này từ hồi lên năm. Lúc đó ba chú đứng nấu. Ổng trăm tuổi già rồi tới chú mà A Tứ vẫn còn tới hoài. Bạn này tên Chi, khách mới a. Hay ghé toàn khuya khoắt. "
"Vì bắt đầu vào mùa nhiều số để làm rồi ạ. Mùa này, các bạn nhóm con ai cũng về trễ."
"Mùa nào thì ăn mì hoành thánh nóng hổi cũng là nhất gái ơi."
"Dạ."
A Tứ húp hết chén nước lèo, quẹt miệng đứng dậy khoanh tay chào chú ra về. Thằng bé chạy bàn mới đó đã chui vào trong ngủ gục mất tiêu không thấy bê ly trà bửu lị đã loãng đến nước thứ sáu cho cả hai cô cậu. Chi còn ngồi lại với hai viên hoành thánh dang dở. A Tứ chào xong, vẫn nán lại một hồi, vì cậu bắt gặp lớp bụi ngà quanh Chi như đang nhảy múa, loang loáng những sợi màu đan nhau mà mỗi lần nhìn thấy A Tứ đều nghĩ, a, có lẽ mình làm công việc này luôn cũng không sao cả.
Thấy ai đó được bao bọc ấm áp, tròn trịa như vậy, dù chỉ trong tích tắc khi vừa xong một bữa ăn muộn, dù ngày hôm nay của họ dài hơn hạ chí và nặng nề hơn những đám mây dông - A Tứ đã đủ thấy vui rồi.
Lúc Chi ăn xong hai viên hoành thánh, ngước lên gọi tính tiền, cậu trai kia đã không còn ở đó. Thật lạ, cứ như cậu ấy đã ở đây, với hơi thở, cùng mùi gió còn quện vào các nếp nhàu trên áo sơ mi. Rồi tất cả bỗng dưng mờ thành một nỗi hoài nghi rằng cậu chưa bao giờ hiện hữu. Cứ như A Tứ đã bước ra khỏi vùng Chi nhìn thấy và bước vào đâu đó, dù thật gần, nhưng là một nơi rất khác mà ánh đèn quán chú Tiều đã không thể nào rọi tới.
BẠN ĐANG ĐỌC
A Tứ
RomansaQuán mì Tàu bán hơn tám mươi năm, qua ba đời đứng bếp vẫn còn chong đèn thắp lửa từ chiều đến tang tảng sáng. Năm cái bàn. Hai mươi cái ghế. Tương xanh dấm đỏ. Sa tế thơm lừng. Một vắt mì chan nước lèo suông, rắc nhúm lá hẹ cũng ngon đủ vị thời gian...