Chương 1: Giận dỗi
Dịch: bachtue_cungvuong
Biên: Phượng Vũ
Thơ đề tự: Long Tại Thiên
Nhóm dịch: Thanh Vân Môn
Nguồn: bachngocsach.comTrung Thổ cửu châu lấy Trung Châu làm trung tâm, khu vực có diện tích rộng lớn nhất, lại có dãy núi Thanh Vân vang danh thiên hạ tọa lạc, ngang dọc đông tây nam bắc hơn trăm vạn dặm, dáng vẻ hùng vĩ, động thiên phúc địa khắp nơi. Ngoài nơi này ra, tám châu còn cũng đều là tạo hóa của trời đất, trù phú rộng lớn. Trong đó có một nơi gọi là Ưu châu, gần với Nam Cương, giáp với thập vạn đại sơn. Khi đại kiếp thú thần xảy ra năm ngoái, châu này chịu sự tấn công đầu tiên của bầy thú, và cũng chịu sự tổn hại nghiêm trọng nhất. Mãi cho đến hôm nay, những người sống sót sau tai kiếp ấy, mỗi khi trông về phía nam thập vạn đại sơn đang ẩn mình dưới làn khói trắng dày đặc và đầy vẻ thần bí kia, đều thủy chung tồn tại một cảm giác sợ hãi và hoang mang.
Thập vạn đại sơn là một dãy núi nguyên sinh rộng lớn nhưng đầy hùng vĩ và hiểm trở, rừng rậm dày đặc, nhấp nhô kéo dài vô cùng tận, cộng thêm chướng khí cực độc bao trùm khắp nơi, lại là nơi cư trú của một lượng lớn các loài yêu thú nguyên thủy hung hãn, khiến cho nơi đây trở thành một rào cản chia cắt hai miền nam bắc. Nếu nói về dân số, Ưu châu là nơi có dân số ít nhất trong chín châu, trải qua hào kiếp thần thú lại càng trở nên hoang tàn, nếu không phải mười phòng bỏ chín, ít nhất cũng đã giảm đi sáu bảy phần, có thể nói là một tổn thất vô cùng nghiêm trọng.
Đặc biệt là tại phía nam của Ưu châu, nơi giáp ranh với thập vạn đại sơn, dân cư càng thưa thớt. Thần thú tuy đã chết, cuộc nổi loạn của yêu thú cũng đã sớm bị dập tắt, nhưng sâu hút trong thập vạn đại sơn vẫn còn sót lại rất nhiều yêu thú, lâu lâu lại chạy xuống núi tổn hại dân lành. Những yêu thú này đều rất hung tàn ngang ngược, người bình thường thường không có khả năng chống lại, chỉ có người tu đạo mới có thể hàng phục nổi chúng. Cho nên những người đã từng sinh sống lâu dài tại mảnh đất này nếu không chết trong trận hào kiếp khi xưa, thì cũng đã trốn chạy khỏi đây từ lâu, có lẽ chỉ còn sót lại một số ít người do lưu luyến mảnh đất quê hương mà không muốn bỏ đi, và cũng chỉ có thể dọn đến những thành trì vừa được xây cất lại sau trận hào kiếp năm xưa, nhờ vào sự bảo vệ của những bức tường thành kiên cố mới có thể tránh được sự uy hiếp của bọn yêu thú.
Phía tây nam của Ưu châu, từ trong thập vạn đại sơn trập trùng nhấp nhô ấy vươn ra một dãy núi, cao lớn hiểm trở, thổ dân bản địa gọi đấy là "Đại hoang sơn". Nguồn gốc của tên gọi này từ lâu đã thất truyền, tuy gọi là hoang, nhưng Đại hoang sơn lại không hề hoang sơ. Trên núi rừng nguyên sinh dày đặc, sự sống tràn trề, chỉ có điều là sương khói che phủ quanh năm, chướng khí ngập tràn, sau tai kiếp thần thú, trong ngọn núi này cũng có không ít yêu thú hung tợn cư trú, và chúng đã làm cho nơi đây trở thành một vùng cấm địa mà ngay cả thổ dân bản địa cũng chẳng dám đặt chân lên.
Cách chân núi Đại hoang sơn hơn hai mươi dặm có một tòa thành tọa lạc, tường thành sừng sững kiên cố, tên gọi là "Long Hồ thành". Hiện nay trong địa bàn Ưu châu, trong số những thế lực đại tu chân đang phục hưng sau đại kiếp thì Long Hồ Vương gia, là một lực lượng có thực lực không thể nào coi thường được.