Đó là về năm Nhâm Dần (1782), tháng Mạnh Xuân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 43. Buổi ấy ánh nắng xuân sáng dịu, hoa cỏ đua tươi. Tôi ở trong U trai, trước sân vài ba cây trổ hoa kết quả, ngậm hương vương tuyết, ánh mặt trời chiếu xiên ngang, tạo nên những bóng hình tựa các bà phi nơi sông Tương (Tương phi) ngồi quỳ. Những con rắn mối đuổi nhau chạy từng đàn. Thỉnh thoảng mùi hương lạ bay qua chốn tây viên, trong ao phẳng lặng, cá nhởn nhơ nhô lên lặn xuống mà hớp lấy bóng trăng hoặc nuốt lấy làn sóng. Những con chim oanh hay hót, do chân tính trời phú cho, thời thường tới những chỗ có bóng mát mà nhảy nhót tung tăng.Lúc ấy tôi dắt tiểu đồng trèo lên núi, đưa mắt ngắm khói mây, biết bao hứng thú! Lại thả câu ở đình Nghinh Phong, hoặc gảy đàn cầm trong nhà "tị huyên", hoặc đọc sách ở đình "Tối quảng", hoặc chơi cờ ở nhà "Di chân" rồi ngủ tại đó. Tùy ý tìm thú vui, ngày ngày thường say sưa mới quay về.
Ngày 12 tháng ấy, thấy hai người dịch mục của quan thự trấn bản xứ sai tới. Vừa mới vào trước sân họ đã nói rằng : "Bản quan kính mừng." Tôi chưa biết là việc gì, mở giấy ra coi thì thấy hai đạo văn thư.
Bức thư thứ nhất là bản sao tờ chỉ, truyền rằng nội san bình phiên Trạch Trung Hầu vâng chỉ truyền cho quan thự trấn Nghệ An là Côn Lĩnh Hầu hãy tìm hỏi tính danh người con của tiền thượng thư họ Lê ở huyện Đường Hào, xã Liêu Xá; người con đó là Lê Hữu Trác, tục gọi là Bảy Chiêu, hiện ngụ ở quê mẹ là huyện Hương Sơn, xã Tình Diễm. Chỉ còn truyền cho trấn binh tức khắc đón về kinh đợi mệnh.
Chỉ truyền năm Cảnh Hưng thứ 42, tháng 11 ngày 29.
Bức thứ hai do chính quan thự trấn viết, tỏ lời mừng, đại lược nói rằng kẻ sĩ ở chốn hoang vu một sớm danh thấu Cửu trùng, hẳn cái tiến trình vạn lý sẽ nhẹ bước khôn kể, còn thêm rằng Vương mệnh không đợi thắng ngựa, nội trong ngày phải lên đường đi trấn Vĩnh Hưng, nơi đây trấn binh đều đã sẵn sàng chờ đón để lên đường. Người mang thư còn nói riêng rằng : "Việc này do quan Chính Đường đề cử để coi bệnh cho Đông cung Vương Thế tử bị đau nặng từ lâu; việc chẳng nhỏ, ngày đêm phải gấp rút mà đi".
Tôi nhận thấy cơ sự này rất lợi hại, dạ lấy làm kinh hãi, người như ngốc như si hồi lâu. Người nhà nghe thấy vậy, kẻ hiểu tôi vì tôi mà lo phiền, kẻ không biết thì mừng cho tôi. Sự ồn ào nhất thời bất tất nói làm gì.
Nguyên là bốn, năm năm về trước, quan Chính Đường vâng mệnh ra trấn đất Hoan Châu, từng mời tôi đến bắt mạch, chữa bệnh, đãi tôi như thượng khách, ngồi liền chiếu, ăn uống lấy lễ đãi rất hậu. Sau ông dẹp giặc biển có công, về triều tước vị đến tam công được tin dùng không ai bằng.
Việc này tôi nghe biết từ nhiều năm, lòng lo âu như đeo nặng một việc gì, thầm có sự ưu phiền sâu xa, thường than với môn nhân rằng :"Ắt có một phen ta phải nhọc nhằn vào kinh, lăn lộn trong cái phồn hoa đất đô hội, phụ tình hoa cỏ chốn non xưa. Sự thể ngày nay là giận mình chẳng vào ở sâu thêm trong núi. Tuy nhiên vị này có tài như Cơ công, thường kính nhường hậu đãi kẻ sĩ trong thiên hạ, huống hồ là đối với mình sao?"
Có kẻ vì tôi giải muộn mà rằng :"Ông dày công thâu thái, hiểu rõ cái học về tính mạng con người, chẳng làm lương tướng thì cũng làm lương y chẳng sai đâu; giữ gìn vẻ quý, che giấu đức tốt, cố nhiên là thái độ cao thượng. Nay cửu trùng tri ngộ, bốn bể nghe danh, há chẳng phải là việc xứng đáng của kẻ trượng phu sao?".
BẠN ĐANG ĐỌC
THƯỢNG KINH KÝ SỰ
Historical Fiction"Đây là một thiên phóng sự duy nhất của văn học Việt xưa viết về người thật, việc thật với cách hành văn giản dị, tinh tế và sinh động" (nhà văn Đoàn Minh Tuấn)