Tôi bước xuống đò mà đi. Đêm nay đến một cái điếm, trú tại đó. Quan văn thư đến tận điếm mà bảo tôi rằng :"Chuyến đi này can hệ dến việc công khẩn yếu. Bọn ta đi một ngày chẳng vượt quá năm mươi dặm đường. Trước kia được lệnh ngày mùng mười thì đến Vĩnh Dinh, nay sắp hết nửa tháng rồi mà đường dài còn phải đi sáu, bảy ngày nữa. Nếu việc phải tấu trình thì sự đằng đãi này thực đáng sợ, mong lão sư định đoạt, chọn những kẻ khỏe mạnh cho đi theo, cứ ban ngày thì đi, đêm khuya mới dừng để nghỉ, gấp đường mà tiến, bọn yếu đuối thì cho ở lại sau."Tôi cười mà đáp rằng :"Quý huynh bất tất phải quá lo! Tuy có chỉ truyền ngày mồng mười thì đến nhà tôi, nhưng tôi bận chữa bệnh phương xa, đi tìm về đã mất mấy ngày, vả trong lúc đi đường còn gặp gió mưa cản trở. Như vậy tưởng rằng ngày nay dẫu mọc lông mọc cánh vị tất sẽ đến nơi đúng kỳ hạn được".
Ông ta vừa cười vừa nói: "Cái thế tất phải như vậy". Trò chuyện uống trà xong, ai nấy về nhà trọ.
Ngày 27 gà gáy đã vội khởi hành. Bên đường đi núi non đứng sững, bao bọc lấy nhau, khói mây mịt mù che khắp mặt đất. Hươu nai nghe bước chân đi thì vội chạy tán loạn; chim chóc nghe tiếng người nói bay vút lên đầu non (hiệu Ba Dội). Ánh hồng ban mai mới dâng cao, màn sương đêm giá tan chừng nửa. Bọn hành nhân áo quần ướt át phải dừng bước nghỉ ngơi trên núi, trong một cái quán bỏ không. Chúng đốt lửa, hơ áo, ngồi sưởi cho ấm. Tôi sai người lau sạch cái thạch bàn, tựa lưng vào một cành cổ thụ bên thạch bàn ấy. Dược đồng pha trà, sửa soạn bữa ăn sáng. Tôi cho mời quan văn thư đến, cùng nhau uống rượu. Trèo lên cao mà trông ra xa, mới cảm thấy cái thú vị man mác là dường nào. Tôi đọc mấy câu thơ của cổ nhân để giải phiền trong lòng, bất giác thốt lên rằng :
Tần Lĩnh mây nhà che khuất bóng
Lam quan tuyết phủ ngựa chồn chân
Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại?
Tuyết ủng Lam quan mã bất tiềnNgâm xong dường như bị xúc cảm quá, tôi thẫn thờ chẳng nói năng gì. Quan văn thư thấy tôi buồn bã hiện ra sắc mặt thì cười mà rằng: "Trăm khóm hoa cỏ, một khoảnh càn khôn, dường có cái phong vị của Hương Sơn. Lão sư xúc cảnh sinh tình, có vẻ không vui".
Ông ta lại tiếp: "Lão sư lầm rồi! Kẻ sĩ quân tử có hai đường : xuất và xử. Xử (đi ở ẩn) thì giữ đạo làm vui; xuất (ra làm quan) thì đem dùng đạo giúp đời. Lão sư che giấu tung tích chốn núi sâu, một sớm cửu trùng biết tên, đại thần trọng đãi, thực là cuộc gặp gỡ lạ kỳ, ngàn năm mới có, cớ gì lại thế!".
Tôi cười, đáp rằng: "Quan lớn khen quá lời, khiến người phải hổ thẹn. Người xưa tài cao học rộng, uẩn súc kinh luân, xử thì trau giồi vẻ quý, cất giấu đức sáng, xuất thì phò vua giúp nước. Còn như tôi học hành thô kém, tài hèn trí thiển, đối với đời thật là vô dụng; học được cái nghề mọn tùy thân đã là may mắn rồi, tưởng đâu một sớm đến được thế này, khác chi áo mặc không xứng đức, sao gọi là điều hạnh được!".
Quan văn thư nói rằng: "Tôi từng được nghe quan tôi trong những lúc nhàn đàm, ý giả lão sư muốn cao ẩn mà mượn cái danh là làm thuốc đó thôi".
Tôi cười mà rằng: "Há lại có cái lý ấy sao ?".
Quan văn thư lại tiếp: "Chí lão sư như vàng đá, tôi chẳng dám dài lời, được biết lão sư ngâm vịnh rất nhiều, nguyện được nghe lời vàng, rồi tôi cũng xin nối điêu để dâng cười mà giải muộn được chăng ?". Tôi mừng rỡ mà rằng: "Kẻ ôm đàn khổ tâm vì không bạn tri âm. Câu cao sơn lưu thủy hẳn ông đã biết rồi vậy".
BẠN ĐANG ĐỌC
THƯỢNG KINH KÝ SỰ
Ficción histórica"Đây là một thiên phóng sự duy nhất của văn học Việt xưa viết về người thật, việc thật với cách hành văn giản dị, tinh tế và sinh động" (nhà văn Đoàn Minh Tuấn)