Jung cho rằng không chỉ có một số nguyên mẫu nhất định nào đó tồn tại trong hệ thống tâm thức chung của nhân loại để có thể liệt kê. Ông cho rằng có nhiều loại nguyên mẫu giao thoa và hòa quyện vào những nguyên mẫu khác mỗi khi cần thiết và tính năng logíc của chúng đôi khi khó xác định độc lập được. Dưới đây là vài nguyên mẫu chung khác:– Nguyên mẫu gia đình (bao gồm hình ảnh người cha) và những hình ảnh có quyền hành trong thứ bậc vai vế của một gia đình. Đây có thể là nguyên mẫu bao gồm hình ảnh máu mủ ruột thịt vốn thiêng liêng hơn, nằm sâu bên dưới ranh giới của ý thức con người.
– Nguyên mẫu trẻ em, được nhìn thấy ở nhiều góc độ của đời sống như nghệ thuật, văn hóa, như những ngày lễ cho trẻ em (trung thu, ngày lễ Noel, em bé Jesus, các tiên đồng), các em bé ngoan, các vị thần nhỏ, thỏ, cuội… Có lẽ nguyên mẫu trẻ em đã giúp con người luôn có những ước mơ và hy vọng vì đó là điểm khởi đầu của hành trình con người.
Nhiều nguyên mẫu có chức năng như nhân vật của cốt truyện, trong đó nguyên mẫu anh hùng là một điển hình. Đây là một dạng biến thể của nguyên mẫu năng lực siêu nhiên trong những mô tả các anh hùng dẹp loạn, trừ ác, giúp đời trong việc chống lại những thế lực đen tối đến từ nguyên mẫu bóng tối. Theo Jung thì nguyên mẫu anh hùng có vẻ gần giống với nhân vật Don Quixote chuyên môn đi dẹp loạn và cứu vớt những người cô thế.
Theo Jung chúng ta có cả những nguyên mẫu động vật, diễn tả những cảm xúc rất sâu lắng đến độ khó giải thích về quan hệ giữa con người và thú vật. Trong đó con người có vẻ thương chó vì chúng trung thành, quý trâu bò vì chúng giúp ta cày ruộng. Hoặc trong nhiều nền văn hóa ta thấy hiện tượng thờ cúng thú vật. Nhiều người sợ thú vật rắn, rết, cọp, ghét một số loại thú vật như cóc, muỗi, giun, quạ.
– Nguyên mẫu phá đám: là lời giải thích cho những kinh nghiệm của chúng ta thích phá ngang vào những công việc của người khác, dù những chương trình và kế hoạch của họ chẳng có sự liên hệ ăn nhập nào đối với chúng ta cả. Phải chăng điều này là một thực tế có nguồn gốc từ nguyên mẫu bóng tối, vì lý do sinh tồn nhiều hơn là vì bản tính ác của con người. Chúng ta thường có thói quen không vui khi nhìn thấy người khác thành công.
– Nguyên mẫu Thượng Đế: là một nguyên mẫu khá nổi cộm trong bối cảnh của tôn giáo nhằm giúp con người duy trì cân bằng đời sống tâm linh qua cách nhìn và cách chúng ta giải thích những vận hành của vũ trụ và những điều kỳ bí xung quanh.
– Nguyên mẫu lưỡng cực: là có cả nam cả nữ cho thấy việc cân bằng và điều hòa âm dương trong tôn giáo và nghệ thuật cũng được nhắc đến trong thuyết của Jung.
Nguyên mẫu quan trọng nhất có lẽ là nguyên mẫu bản thân. Đây là nguyên mẫu tổng hợp sau cùng của nhân cách và được biểu tượng bằng một đường tròn, một dấu thập tự hay hình trang trí có nhiều họa tiết làm thành một vòng tròn mà Jung rất thích vẽ, vốn mang đậm tính chất thiền. Vì thiền thường đưa con người ta về một tâm điểm. Mandala vốn được sử dụng như một hình thức trang trí ở cửa sổ các thánh đường. Ngoài ra biểu tượng con người của nguyên mẫu bản thân được nhìn thấy qua hình ảnh Jesus hay Đức Phật. Đây là hai cá nhân được coi là đã đạt đến giới cảnh hoàn hảo. Tuy nhiên theo Jung, trạng thái hoàn hảo của nhân cách chỉ đạt được khi con người đi vào cõi chết.