Nội dung xoay quanh tâm thức có rất nhiều, tuy nhiên điểm mấu chốt vẫn là cách vận hành của tâm thức. Jung đã cung cấp cho chúng ta 3 nguyên lý. Trong đó nguyên lý đầu tiên là nguyên lý đối nghịch. Mỗi trạng thái tâm thức đều có đem theo nó những điều đối nghịch. Ví dụ khi ta nói: Mình thấy tội nghiệp nó. Ngay lập tức có một tiếng nói khác cất lên: ông chỉ là đạo đức giả. Có lẽ điều này xuất hiện vì chúng ta luôn luôn trong tình trạng so sánh. Không có đen sẽ không có trắng. Nóng và lạnh, tối và sáng, thiện và ác…Và vì thế trong cái tốt luôn luôn có một phiên bản của chính nó là xấu. Những khái niệm đối nghịch này hiện diện theo từng cặp trong hệ tâm thức của mỗi chúng ta.
Theo Jung, chính sự đối nghịch đã tạo nên năng lực hay còn gọi là dục năng. Một ví dụ liên tưởng là hai cực âm và cực dương của một bình ắc–quy, hay như một nguyên tử được tách đôi, và chính sự đối nghịch ấy đã tạo nên năng lượng, vì thế càng có sự đối nghịch mạnh mẽ, chúng ta càng có những xung lực lớn hơn.
Nguyên lý thứ 2 là nguyên lý cân bằng. Năng lượng sinh ra bởi quá trình đối nghịch được chia đều cho hai phía. Ví dụ khi ta nhìn thấy một con chim bị thương đang hấp hối: Ta muốn cứu nó (ý tốt) nhưng sợ khi rút mũi tên ra có thể làm nát ngực và con chim sẽ chết nhanh hơn (ý xấu).
Và sau đó năng lượng chia ra hai ngả sẽ dằn vặt chúng ta: Nên cứu hay không cứu? Vậy khi đứng giữa thái độ lưỡng lự ấy, năng lượng của chúng ta sẽ đi đâu? Điều này phụ thuộc vào triết lý sống và thái độ của chúng ta về khát khao chưa được thỏa mãn. Ví dụ ta thật sự muốn cứu chim thì đó là giải thích cho quyết định cứu chim: Rút mũi tên ra. Hoặc ta có khát khao giữ nguyên tình trạng cũ thế là ta quyết định dằn lòng lại để nhìn chim giãy dụa. Tuy nhiên, với bất cứ quyết định nào, một cá nhân đều trưởng thành từ kinh nghiệm quyết định ấy.
Nếu một cá nhân nghĩ mình không bao giờ có tính ác, họ sẽ đè nén tính ác đó lại, tạo thành một hội chứng tập trung, nhóm lên một nguyên mẫu cần thiết để giúp xử lý cho hoàn cảnh cứu chim. Hành vi kế đến là những thao tác được điều khiển bởi nguyên mẫu khẩn cấp vừa được nhóm lên. Cứu chim là hành động đến từ nguyên mẫu anh hùng. Và thích thú khi nhìn thấy chim bị bắt chết là hành vi đến từ nguyên mẫu bóng tối.
Nguyên lý thứ 3 là nguyên lý giảm thiểu năng lượng qua quá trình phát tán, nhằm giải thích về khuynh hướng các nguồn năng lượng đối ngược tỏa ra khi có cơ hội phát triển. Sau đó các nguồn năng lượng này giảm dần vì bị phân tán: Ví dụ lò sưởi chỉ nằm một chỗ nhưng cả căn phòng được sưởi ấm vì năng lượng đã phát tán khắp căn phòng.
Khi còn trẻ chúng ta có rất nhiều năng lượng vì có rất nhiều điều đối nghịch trong hệ thống tâm thức. Các bé trai và các bé gái ở lứa tuổi dậy thì luôn hăng hái trong việc phấn đấu chứng minh khả năng nam tính và nữ tính của mình. Và vì chưa ổn định trong phát triển tâm thức, các bé nam và bé nữ trong giai đoạn này thường thay đổi từ nhiều thái cực trong việc tìm tòi, khám phá, và thể nghiệm bản thân.
Khi chúng ta lớn tuổi hơn, nhiều người trong chúng ta trở nên dễ dàng thoải mái với những khía cạnh khác của đời sống, giảm thiểu những thơ ngây với cuộc đời và có óc thực tế nhiều hơn. Ta có thể nhận ra những mặt mạnh và mặt yếu, điều xấu và điều tốt nơi bản thân. Cái nhìn từ nội tâm của chúng ta về người khác phái bắt đầu thay đổi nhiều hơn trước. Chúng ta càng trở nên gần gũi hơn với trạng thái lưỡng tính. Càng về già, cả hai phái nam và nữ bắt đầu có những sự giống nhau về nét mặt và cấu trúc cơ thể. Đây là quá trình vượt lên trên cả những khác biệt của toàn bộ cơ thể (so với trước đó) được gọi là trạng thái vượt qua chính mình.