20. Những điểm nối

46 1 0
                                    

Một mặt nào đó, Jung vẫn còn liên hệ với Freud qua những nền tảng rất cơ bản. Ông đã bàn luận và nhấn mạnh về cõi vô thức nhiều hơn Freud đã đào sâu trước đó. Có thể nói rằng Jung là người đã đi sâu hơn và tiếp tục khai phá rộng thêm những khoảng đất mà Freud đã khai hoang. Jung đã cho rằng những hành vi của chúng ta có ảnh hưởng của cõi vô thức, và đây cũng là điều đã được Freud nhắc đến. Chính Freud cũng đã sử dụng thần thoại (hội chứng khủng hoảng Oedipus) cho thấy sự liên hệ giữa thần thoại và tâm lý hiện đại mà hai người đã ứng dụng.

Mặt khác, Jung có rất nhiều điểm chung với những nhà tâm lý không đi theo đường hướng của Freud. Các nhà nhân học và những người theo chủ trương hiện sinh cũng có những liên hệ gần gũi với Jung. Ông tin rằng con người về bản chất là hướng về điều tốt đẹp, tiến đến chiều hướng tích cực, chứ không chỉ dừng lại ở chỗ thích nghi với hoàn cảnh và điều kiện sống như vẫn thấy ở trường phái Freudian hay những nhà tâm lý thuộc nhóm hành vi. Khái niệm nhận ra mình chính là khái niệm rất giống với trạng thái giác ngộ mà hiện nay nhiều người bắt đầu quan tâm đến.

Khái niệm cân bằng hay giảm thiểu những xung đột đối nghịch mà ông đã đề xướng có những đối tác trong các học thuyết khác. Các nhà học thuyết tâm lý nhân cách như Alfred Alđer, Otto Rank, Andreas Angyal, David Bakan, Gardner Murphy và Rollo May đều nhắm đến quá trình cân bằng giữa hai xu hướng mâu thuẫn để tìm lại ổn định trên bình diện cá nhân trong cách tìm đến những dung hòa với môi trường xã hội. Rollo May nói về tâm thức là một tổng hợp gồm nhiều những ông thần nhỏ, đại diện cho những đam mê về quyền lực, tiền tài, dục vọng, và danh vọng. Tuy những phạm trù nhu cầu này vẫn có những giá trị tích cực nhất định nếu được điều tiết trong một khuôn khổ, và đừng để chúng khống chế và lũng đoạn con người. Nếu không, con người sẽ dễ bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến bệnh tâm thần.

Sau cùng, chúng ta phải nhớ đến công lao của ông là người đã xây dựng một hệ thống những giải thích về những giấc mơ, dù đó là những triệu chứng hay những giấc mơ để phân tích các quá trình liên tưởng tự do của thân chủ.

Nếu như Freud đào sâu và khoanh vùng các hướng giải thích trong bối cảnh tính dục thì Jung cho phép chúng ta nhìn ra rộng và xa hơn, nhất là qua lăng kính của thần thoại học. Và những phân tích của nhóm hiện sinh đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những khám phá của Jung.

Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh

Trích trong ‘Các học thuyết tâm lý nhân cách’

🎉 Bạn đã đọc xong Học thuyết nhân cách biểu tượng - Carl Jung 🎉
Học thuyết nhân cách biểu tượng - Carl JungNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ