C8: những ngày tháng còn đi học

72 0 0
                                    


  Bì Bì ngẩng đầu, nhìn thẳng vào mặt Uông Huyên, cũng cười lại: "Không cần, sẽ có người mời tôi vào. Nếu không, tôi không phải thế gia vọng tộc, sao lại đến chỗ này chứ?"

──────── ♥ ♥ ♥ ♥ ♥ ────────

Lúc tàu điện ngầm đi ra khỏi đường hầm vừa lúc ngang qua trường Nhất trung của thành phố C.

Sáng nay trời thật u ám. Xa xa, mấy chiếc ống khói khổng lồ không hề xả khói, đó là dấu tích của một thành phố công nghiệp.

Nhưng Bì Bì vẫn cảm thấy mùi khói lãng vãng trong gió, nên khi tàu điện ngầm tiến vào đường hầm, bị hơi ấm từ thiết bị sưởi ấm phả vào, cô liền ho như vừa rít phải một hơi thuốc lá.

Tuy ngày nào cũng đi qua ngôi trường mình từng học, nhưng Bì Bì luôn cố tình chuyển ánh mắt về phía tháp truyền hình gần đó hoặc là tòa nhà Kim An ở phía xa. Thà xem các biển quảng cáo trên cao một nghìn lần cũng không liếc mắt một lần về phía trường Nhất trung thành phố C.

Nhưng mà đêm qua vì chân đau mà cô ngủ muộn, Bì Bì ngủ không ngon, bây giờ mí mắt không nhấc lên được. Lại thêm được gặp Gia Lân nên có chút hoài niệm, liền nhìn thoáng qua trường học đã lâu không để ý tới.

Mái ngói của dãy nhà hành chính đã được thay mới, khối lớp học mới xây đã hoàn thành. Trên sân vận động khí thế phi phàm có treo mấy tấm banner tranh và chữ, bốn chữ đầu là: "Nhiệt liệt hoan nghênh..." Nhắm mắt lại có thể nghe thấy tiếng từ chiếc loa công suất lớn của trường. Trung học năm thứ hai, phòng học của lớp 11 ban 7 nằm ở gần cuối hành lang, bên tay phải. Điền Hân nói, bàn học nơi đó vẫn không thay đổi, trên bàn vẫn còn đường phân ranh giới. Có điều những bài thơ vô nghĩa chép trên bàn thì nhiều hơn, có một bài do cô và Bì Bì sáng tác, vần điệu rất thú vị, rất hài hước, bên cạnh còn có người vẽ thêm manga cho sinh động. Điền Hân dùng điện thoại chụp lại gửi cho Bì Bì xem, cô cứ vậy mà cười mấy ngày.

Khi đó, lớp văn được gọi là lớp "cặn bã", là nơi tập trung các học sinh kém, Bì Bì cũng nằm trong số đó. Toán học của cô trong kỳ thi lớp mười không đạt tiêu chuẩn, vật lý dưới bốn mươi điểm. Chỉ có ngữ văn khá hơn, thành tích nằm trong top 10. Vì thế mà thầy giáo nói, Bì Bì là nhân tài mới của lớp văn, vào lớp chuyên văn mới có thành tích tốt. Ba mẹ Bì Bì không phải là người đọc sách, lời của thầy giáo như thánh chỉ, Bì Bì cứ vậy mà vào lớp 11 ban 7.

Một năm qua đi, thành tích tốt không thấy đâu, nhưng trái lại, trên lớp cô có thêm ba người bạn tốt. Theo bảng xếp hạng thì, thứ ba mươi là Vương Ngọc Mẫn, ba mươi lăm: Đổng Tiểu Thiến, bốn mươi mốt: Trương Bội Bội. Xếp hạng của Bì Bì cứ di động lên xuống giữa ba mươi tám đến ba mươi chín.

Bốn cô gái tự đặt cho mình cái tên nhóm là: "Đảo hoa đào.", chế ra đủ loại danh hiệu. Sau giờ học, liền túm tụm lại nói chuyện phiếm, nhảy dây. Trong bốn người thì Bội Bội xinh đẹp nhất, gia đình giàu có nhất. Nhưng trong lòng mọi người đều xem thường cô ấy. Giống như trường Nhất trung thành phố C là trường cấp ba trọng điểm, xếp thứ ba mươi là một đẳng cấp, thứ hạng bốn mươi lại là một đẳng cấp khác. Năm mươi người một lớp, bốn mươi người sau chính là học sinh yếu kém, và lẽ dĩ nhiên không ai muốn chơi với học sinh kém. Nếu như chơi với những người ấy chính là sự ban ơn. Trương Bội Bội rất thân thiết với lớp 11 ban 7 chuyên hóa, rất ái mộ và tâng bốc những người đó. Mỗi sáng đều mua một túi bánh bao chiên rất lớn, chỉ ăn một cái còn lại mang đến trường, chia cho bạn bè.

Ngày đó, ăn bánh bao chiên là một sự xa xỉ. Bì Bì mặt mỏng, ăn mấy lần rồi sau không ăn nữa, Đến lúc muốn ăn thì lại ngượng. Vương Ngọc Mẫn và Đồng Tiểu Thiến lại cho rằng nên ăn. Bọn họ làm bài tập sẽ cho Bội Bội chép, nhảy dây, chơi trò chơi đều gọi cô ấy đến chơi, có người bắt nạt cô ấy sẽ hò nhau cùng đánh lại... Bởi vậy gần như nguyên cả năm ấy, bọn họ không tốn đồng xu nào để mua đồ ăn sáng, đem tiền đó để dành mua truyện tranh. Nếu như có ngày bọn họ không ăn bánh bao của Bội Bội, Bội Bội sẽ rất hoảng hốt, cho rằng mình đã làm gì mích lòng bọn họ.

Bì Bì nghĩ rằng, làm người mà hèn mọn như vậy thật thảm hại. Nhưng không thể không thừa nhận, quan hệ của Bội Bội với những người thuộc đẳng cấp khác rất tốt. Quả nhiên, thái độ của Ngọc Mẫn và Tiểu Thiến rất nhiệt tình. Ví dụ như tháng ba chơi xuân, thầy giáo để học sinh tự chia ba người thành một tổ nhỏ. Ngọc Mẫn và Tiểu Thiến tranh nhau Bội Bội, làm hại Bì Bì phải kết nhóm với hai bạn nữ không hề thân thiết khác. Sau đó vì phân công nhiệm vụ mà cãi nhau, cuối cùng kết thúc không vui vẻ. Môt năm có một lần nghỉ xuân cứ thế mà hỏng bét. Sau này cô đem việc này nói lại cho Bội Bội nghe, Bội Bội chỉ hé miệng cười: "Có nhiêu đó cũng kể khổ? Cậu cũng không tự suy xét lại, mỗi ngày tan học, là ai cùng cậu về nhà? Biết có bao nhiêu nữ sinh trong lớp ghen tị với cậu không? Uông Huyên kia à, chỉ cần Đào Gia Lân chịu cười với cô ta, để cho cô ta nhường thứ hạng cho hai mươi người nữa, cô ta cũng cam tâm tình nguyện ấy chứ. Có cái được tất sẽ có cái mất, đúng không? Nhìn lại mình nè, chỉ vì chút tình bạn đáng thương mà suốt hai năm chưa từng ăn sáng tử tế, bây giờ bị dạ dầy rồi."

"Vậy mà cậu còn gọi đó là tình bạn. Chẳng qua là đổi lấy bánh bao chiên thôi."

"Cho nên mình đã sớm biết tình bạn vốn cũng chẳng thanh cao gì, cũng có thể xem như một món hàng mua bán. Không giống như cậu và Gia Lân, thanh mai trúc mã, vô tư từ nhỏ."

Không biết tại sao, bất kể là Bội Bội, Ngọc Mẫn cùng Tiểu Thiến đều thích nói về Gia Lân trước mặt cô. Trong mắt mọi người, anh là sao sáng, mọi người đều muốn thơm lây. Mà quan hệ giữa Bì Bì và Gia Lân quả thực làm cho nhiều nữ sinh ghen tỵ. Ít nhất Ngọc Mẫn và Tiểu Thiến rất rất nhiệt tình nghe Bì Bì kể chuyện linh tinh về Gia Lân.

Từ nhà Bì Bì đến trường có hai con đường, bắt đầu từ cấp hai, các bậc phụ huynh đã bàn bạc để cho hai đứa trẻ đi học cùng nhau. Thứ nhất có bạn bè, thứ hai cũng an toàn hơn. Cứ như vậy mặc mưa gió cũng giữ được nhiều năm. Sau này trưởng thành, dù không còn là hàng xóm, cũng không cùng nhau học lên nữa, nhưng hai nhà cũng không xa nên hai người vẫn hẹn cùng nhau về nhà. Thời tiết đẹp thì không đón xe, sẽ cùng đi bộ.

"Đường về dài như vậy, các cậu thường nói về cái gì?" Ngọc Mẫn và Tiểu Thiến thường hỏi vậy.

Bì Bì không nhiệt tình đáp: "Không nói gì, chỉ là đi theo cậu ấy, nói về bài tập. vân vân. Chúng mình là hàng xóm, cha mẹ là đồng nghiệp, mẹ của mình sợ mình đi đường không an toàn nên nhờ cậu ấy chú ý mình thôi."

"Cậu lớn thế này rồi mà còn nhờ cậu ấy chú ý??"

"Chẳng còn cách nào cả, an ninh chỗ mình không tốt, mẹ mình rất lo." Cô nói có sách, mách có chứng, "Hôm trước các cậu có xem báo không? Khu mình có đám kéo bè lũ đánh nhau, gạch bay đầy trời, chớp cái đã chết hai người. Ngay cả người đi đường cũng bị thương."

"Chúa ơi...", Xuất thân từ gia đình theo đạo, Ngọc Mẫn và Tiểu Thiến đồng thời sợ hãi, "Thì ra là như vậy!"

Kỳ thật, sau khi tan học, đi trên con đường dài như vậy, đương nhiên phải nói chuyện với nhau.

Bì Bì sẽ kể chuyện xưa, Gia Lân sẽ là thính giả trung thành.

Tới gần kì thi Đại Học năm đó, Gia Lân luôn căng mình như dây cung, nghe Bì Bì kể chuyện xưa chính là thời khắc thoải mái nhất của anh.

Mẹ Gia Lân quản lý đặc biệt nghiêm khắc, thi toán học được tám mươi điểm sẽ bị đánh, là dùng thước đánh, vừa đánh vừa mắng: "Mẹ nói con không cẩn thận! Mẹ nói con không chăm chỉ! Lần sau thi không được 100 điểm đừng về gặp mẹ! Gặp mẹ thì hãy quỳ trên tấm ván giặt!" Trong nhà, chỉ cần là vật có thể khiến người ta phân tâm đều bị cấm. Bốn tác phẩm lớn nổi tiếng, "Shakespeare toàn tập", "gia", "xuân", "thu" đều bị bỏ vào tủ kính rồi khóa, "Xạ điêu" không được xem, mp3 không được mua. Tuy nhiên mỗi ngày đi cùng Bì Bì, nhưng ngược lại dì ấy không hề lo Gia Lân yêu sớm. Bởi mắt Gia Lân sẽ không kém như vậy. Bì Bì quá bình thường, bề ngoài rất phổ biến, thành tích lại quá kém, cha mẹ không có học lại không có chí tiến thủ, cô chính là một cô gái không có tiền đồ sống trong một gia đình không có tiền đồ.

Thế nhưng Gia Lân cũng không hiểu mẹ mình. Mẹ anh tốt nghiệp trường Thanh Hoa, sao lại đánh trẻ em còn dã man hơn cả những người công nhân không có văn hóa?

Không có thiên phú về toán học thì Bì Bì có thiên phú về biên tập các câu chuyện.

Những câu chuyện được cô tổng hợp từ tiểu thuyết, tạp chí, chuyện phiếm, các tình tiết trên TV và nghe được từ thầy giáo, một chuyện rồi thêm một chuyện, số trang bản tổng hợp còn dài hơn so với truyền thuyết. Một chủ đề rất tầm thường được cô kể, nghe giống như mưa dầm tí tách vào tháng năm mãi không dứt. Kỳ thật những chuyện Bì Bì kể, tất cả chỉ là những chuyện ngôn tình vụn vặt, lo lắng về sự hứng thú của Gia Lân nên còn thêm cả các môn võ thuật cho hồi hộp, gay cấn. Nào là, nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản, chuyện gì cũng có, rất sống động. Những khúc quan trọng, cô sẽ dừng lại đúng lúc, và mời nghe lần sau sẽ rõ.

Vì vậy, mỗi khi tan học, ra đến cổng trường Bì Bì vừa trông thấy Gia Lân sẽ làm bộ nhìn mấy bức ảnh tuyên truyền cổ động. Nói vài câu bàn bạc về bài tập, Gia Lân đều không kiên nhẫn mà tiến vào chủ đề chính: "Sau đó thì sao?"

Gia Lân không thừa nhận Bì Bì là bạn gái của mình, năm đó người ta gọi là yêu sớm. Thế nhưng, ngày nào anh cũng cùng Bì Bì về nhà, mặc kệ người ta nói như thế nào. Thậm chí, hai người còn rủ nhau đến vệ đường chỗ nhà máy thủy tinh để nhặt những bình thủy tinh bị vứt đi, mang ra sông rửa sạch rồi mang về nhà để nuôi con rùa nhỏ.

Học kỳ sau của lớp 11, bạn cùng bàn với Bì Bì thay đổi, chính là Điền Hân.

Điền Hân là lớp phó học tập, cũng là thành viên duy nhất nằm trong top 3 mũi nhọn trước khi vào lớp chuyên văn. Ngày đầu tiên ngồi cùng, Điền Hân đã chủ động chia sẻ những kinh nghiệm học tập của mình với Bì Bì, cũng tận tình trả lời mọi vấn đề của Bì Bì: ví dụ như mỗi ngày học mấy giờ, khi nào dậy, khi nào đi ngủ, là bài tập thường xuyên như thế nào, thời gian biểu cho từng môn học, thậm chí, ăn uống những thực phẩm dinh dưỡng gì và tập Thái cực quyền như thế nào đều trả lời rõ ràng. Bì Bì cực kỳ vui mừng, cảm giác rằng mình may mắn hơn Bội Bội rất nhiều.

Ngồi cùng bàn thứ hai với Bội Bội là Uông Huyên. Uông Huyên là bạn thân của Điền Hân nhưng tính tình kiêu căng, bình thường đều không nói chuyện với Bội Bội, lúc kiểm tra còn cố ý nghiêng người đi, sợ cô ấy nhìn lén bài. Tệ hơn cô ta còn tố cáo với thầy Hướng, nói Bội Bội thích ăn vặt làm ảnh hưởng đến việc học tập của cô ta, rồi hỏi vì sao lại bắt cô ta kèm học sinh yếu? Nếu so sánh thì Điền Hân vừa hào phóng lại hiền hòa. Biết Bì Bì thi không tốt sẽ bị mẹ mắng nên khi kiểm tra toán liền cho Bì Bì chép bài để đạt điểm chuẩn. Chỉ cần là đề mục mà Bì Bì không hiểu, hỏi thì cô ấy sẽ kiên nhẫn giảng giải, giảng hết lần này đến lần khác, đến tận lúc hiểu rồi mới thôi. Khó trách mỗi năm cô đều được bầu vào top ba học sinh tốt của thành phố. Bì Bì đối với cô ấy tâm phục khẩu phục, cảm tạ, khắc sâu trong lòng. Sinh nhật Điền Hân, cô không tiếc khi tiêu tất cả tiền tiêu vặt của mình để mua cho cô ấy một con mèo màu nâu.

Đến ngày sinh nhật Bì Bì vào tháng sáu, trời mưa to. Thành phố C bỗng nhiên biến thành đại dương mênh mông. Nghe đài báo thì bên ngoài sấm sét vang dội, có người đi đường bị sét đánh trúng. Đồng thời cũng khuyên mọi người không nên ra ngoài đường vì đường thành phố C có nhiều cống thoát nước bị mất nắp đậy, đã có một thiếu niên trượt chân rơi vào cống đến giờ chưa tìm thấy xác. Nhưng từ một tuần trước, Điền Hân đã hứa sẽ đến nhà Bì Bì ăn mừng sinh nhật. Ngày ấy, mẹ Bì Bì mua bánh ngọt, mời mấy người bạn thân, mưa to như trút nước, mấy người trong Đảo Hoa Đào vẫn chưa ai tới, Điền Hân đúng giờ đã đến. Còn mang theo một cái làn trống không, vẻ mặt vô cùng chật vật, nói là bị sấm dọa, tay run nên hoa quả cùng quà trong giỏ xách đều rơi mất. Bì Bì cảm thấy sinh nhật đó thật tuyệt vời, nhưng Điền Hân vì lần đó mà bệnh nặng, bị viêm phổi, ở bệnh viện một tháng mới bình phục, thiếu chút nữa là không đến trường kịp kỳ thi.

Đời người chỉ cần có một tri kỷ là đủ, lúc này quay đầu soi xét lại mới nhận ra. Bì Bì cảm thấy, đánh giá một người có tốt đẹp hay không thì hãy xem người đó đối xử với những người thấp kém hơn mình ra sao, chứ không phải đối xử với những người tài giỏi hơn mình như thế nào. Đối với những người tài giỏi thì nịnh bợ, chỉ có đối xử tử tế với người yếu kém mới lộ ra được bản tính thiện lương của con người. Cho nên, Điền Hân chính là người bạn thân tốt nhất của cô.

Tại trường Nhất Trung thành phố C, thi vào đại học tuyệt đối xứng đáng là khoảnh khắc ấn tượng nhất, nhưng với Bì Bì đáng nhớ nhất không phải là ngày thi Đại học hay là thời điểm công bố điểm mà là thời gian họp lớp nhiều năm về sau.

Tuy rằng mỗi học sinh đều từ chối việc dùng điểm số để đánh giá bản thân mình, vô hình trung, họ lại đều là những tín đồ ngoan đạo của điểm số. Đúng vậy, vào độ tuổi đó, họ tên do cha mẹ đặt, tiền của là của cha mẹ, quần áo mặc trên người đều là của cha mẹ, chỉ có điểm là của mình.

Trong đám bạn học của Bì Bì, luôn có thành tích là tốt, ổn định thi đậu cao đẳng, vào đại học danh giá trước sau như một vẫn là Điền Hân và Uông Huyên ưu tú. Học lực không tốt, nơi nơi nhận lấy sự xem thường, kỳ thi đại học kém, nhưng công việc sau đó lai nước chảy mây trôi, ở thành phố C có Trương Bội Bội đã có chút danh tiếng. Còn có một loại khác là học lực không tệ, kỳ thi đại học lại đột nhiên thất bại, một trường đại học cũng không đỗ, trở thành thanh niên thất nghiệp là Tân Tiểu Cúc.

Hôm nay Bì Bì tham gia một cuộc bán đấu giá tại trung tâm một công viên lớn phía đối diện.

Cùng chạy bộ với một đám người vào sáng sớm, cô gặp một ông lão mặc một chiếc áo jacket rất mỏng đang run lẩy bẩy co người ngồi trên ghế đá, vùi đầu viết gì đó. Đầu tóc rối loạn, quần áo cũng rách nát, hai hàng lông mày nhíu chặt có chút vẻ uy nghiêm kỳ lạ.

"Chào buổi sáng, bác Tân."

Ông quay đầu nhìn cô: "Chào buổi sáng, Bì Bì."

"Phỏng đoán Goldbach của bác chứng minh như thế nào rồi?"

"Nhanh thôi."

"Bác có lạnh không?" Bì Bì hỏi.

"Không lạnh." Ông cười híp mí, kéo ống quần lên, bên trong có một lớp túi plastic bao lấy chân, dùng keo dính dính thành từng vòng rất chặt, "Vô cùng ấm áp, Bì Bì có thể cho bác mượn vài đồng không?"

"Đây là 50 đồng, lần trước cháu nợ Tiểu Cúc, bác không cần trả lại." Bì Bì mở ví ra, đưa ra cho ông một sấp tiền mặt.

"Cảm ơn." Ông quay đầu nhận tiền, rút một chồng giấy từ túi xách, nghiêm túc đưa qua, "Đây là bản thảo của bác cho cháu. Tương lai bác nhận được huy chương Fields[1] cháu có thể cầm lấy cái này bán lấy tiền đó."

Cuộc Gặp Gỡ Kỳ Lạ: Vạn Kiếp Yêu EmNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ