Chương 4: Trại giam

77 6 1
                                    

Thấm thoát Dung Anh cũng ở trại giam được mấy tháng rồi. Ngoại trừ lần trước bị Trần Kim Chi đương không vu khống hại nàng bị biệt giam mấy ngày, còn lại mọi chuyện trôi qua cũng khá ổn. Cán bộ quản giáo cũng khen nàng rất cố gắng, chịu khó và biết tuân thủ kỉ luật. Dung Anh cũng thấy nhẹ lòng. Bây giờ với nàng chỉ cầu mọi chuyện cứ bình đạm mà trôi qua hết năm năm, mãn hạn tù được ra ngoài gặp lại Yến Vy.

Yến Vy từ lúc Dung Anh bị giam, cô đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ, cương quyết và mạnh mẽ hơn rất nhiều. Sau vài lần đến trại thăm, cùng Dung Anh tâm sự và động viên lẫn nhau, Dung Anh cũng khuyên Yến Vy hay là tạm thời cứ đi đâu đó rời khỏi cái xứ nhà quê tư tưởng hạn hẹp cổ hủ chỉ cần thấy ai khác biệt liền đủ lời đủ cách dè bĩu trù dập người ta. Ở cái nơi như thế cũng chẳng được tích sự gì, chỉ tổ thêm chán nản, oán hận và tuyệt vọng với cuộc đời mà thôi. Yến Vy thấy cũng phải. Tuy rằng mọi chuyện xảy ra, Dung Anh đã đứng ra một mình nhận tội và chịu án, thế nhưng từ đầu làng đến cuối xóm vẫn không ngừng chỉ trỏ bàn tán xôn xao. Rằng hai cô là đồng bóng ô môi, là biến thái dị dạng, tàn bạo dã man, ghen tuông bừa bãi làm sao rồi giết chết Quốc Thái. Hiện trường rõ rành rành ra đó là Quốc Thái trong tư thế khả nghi, có tâm địa bất chính với Dung Anh đến như thế. Kể cả có đứa nhỏ hàng xóm của chủ quán nước cũng làm chứng là Quốc Thái bỏ thuốc mê vào li nước của Dung Anh rồi sau đó đưa nàng trong tình trạng hôn mê đem đi. Mọi người đến xem hiện trường, xem tòa xử án đều nhìn thấy và hiểu rõ như thế nhưng vẫn nhất định phải nói là Dung Anh biến thái dã man, Dung Anh là ô môi có tình cảm bất chính với Yến Vy cho nên thấy Yến Vy gả cho Quốc Thái, không cam tâm mới làm điều tàn ác...

Thế đấy, miệng lưỡi nhân thế cay nghiệt và tàn độc lắm! Họ cho rằng họ đúng, họ muốn thì họ nói thôi chứ có bao giờ nghĩ đến người trong cuộc phải khổ sở thế nào, thương tổn làm sao bởi những lời độc địa nhẫn tâm của mình gây ra đâu? Trong lúc Dung Anh chịu án trong trại giam, Yến Vy ở ngoài cũng đâu dễ dàng gì? Cô ở trong nhà, luôn bị người nhà giám sát vì sợ cô một lúc nông nỗi tự mình gieo đầu vào nghiệt oan với Dung Anh thì khổ lây đến cả nhà. Cô mà một bước ra đến cửa thì y như rằng bị chỉ trỏ, lằm bằm xì xầm sau lưng cô. Thật, cái cảnh như vậy, sống làm sao nổi đây?

Bởi vậy, cô đi. Nghe theo lời Dung Anh, cô một mình tìm đến thị trấn tìm một công việc làm thuê vừa tranh thủ học thêm để tìm cơ hội thăng tiến lên môi trường mới. Dung Anh và cô đều là gái quê. Mà lối sống ở quê, học chỉ để biết lấy cái chữ. Như các cô được học hết lớp 12 là đã hay lắm rồi. Hai chữ đại học chính là một điều xa xỉ. Bởi quan niệm của người ở đây, con gái chỉ cần khéo léo hiếu hạnh, học cho lắm cũng chẳng để làm gì. Hầu như nhà nào có con gái, học hết cấp ba là ép lấy chồng hết chứ đâu lại có chuyện học thêm lên, và càng không có gia đình nào rãnh tiền để chi cho con gái đi học đại học.

Nhưng mà Dung Anh và Yến Vy lại suy nghĩ rất khác những người ở đây. Các cô đều ham học và học rất giỏi, cũng rất có khát vọng và lý tưởng muốn vươn mình ra thế giới bên ngoài, muốn tiếp thu và phát triển trong môi trường tươi sáng mà những khi đến lớp đã được thầy cô nói qua đó gọi là thành phố xa hoa. Ấy nhưng ước mơ là một chuyện và hiện thực lại là một chuyện khác. Các cô học xong cấp ba thì cũng bị bắt về nhà phụ giúp gia đình. Cái chuyện đi thành phố và học đại học thật sự quá xa xôi khi cuộc sống của các cô chỉ là những cô gái miền quê nghèo nát. Cho nên hai người đã nuôi chí phấn đấu, mò cua bắt ốc, hái quả trồng rau cũng âm thầm chắt chiu tích mót để dành tiền cho một ngày nào đó thích hợp sẽ đi tìm thế giới mới, tìm tương lai.

OÁN TÌNH NGHIỆT NGÃ - TG: TRIỆU KITNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ