Sinh ra là trưởng tử phủ tể tướng, Duẫn Kì từ nhỏ được dạy dỗ vô cùng nghiêm khắc. Vốn tưởng một nam tử hán đầu đội trời chân đạp đất, lại còn là con nhà quyền quý nối dõi gia tộc, hẳn phải được dạy dỗ để trở thành người thiện lương nhân hậu. Nhưng những gì Duẫn Kì nghe thấy, nhìn thấy hằng ngày, lại là điều giáo về sự tham vọng, về những tranh giành đẫm máu để có được thứ mình muốn. Phải biết tàn ác, phải biết khôn ngoan, rời chẳng cho không ai cái gì, chi bằng tự giành lấy, bất kể thủ đoạn cũng được. Người không vì mình, trời tru đất diệt. Người phủ Tể tướng sinh ra là để mang lại niềm kiêu hãnh cho gia tộc, vậy nên nếu ngươi thất bại, bản thân ngươi thành ra cái dạng gì cũng không ai dám nghĩ đến.
Những lời đó ngấm dần, ngấm dần vào trong máu Duẫn Kì, biến tiểu tử đơn thuần chất phác ngày nào thành kẻ giấu mình sau lớp mặt nạn hòng tồn tại, ngoài mặt ôn nhu lãnh đạm thấu tình đạt lý, nhưng nội tâm, so với loài độc xà e là còn nguy hiểm hơn. Chỉ cần là Duẫn Kì muốn, cho dù là ai cũng không có khả năng chiếm đoạt. Y là trưởng tử, cũng là độc tôn của tể tướng, bởi vậy, đối với những biểu hiện này của y, cha y vô cùng hài lòng. Các quan trong triều có nói bóng nói gió về việc tể tướng chiều hư con, cha y cũng không lấy làm bận tâm, trên triều nói sẽ dạy bảo con, về nhà lại mang bảo vật ra trọng thưởng. Huyết mạch của ông, quả nhiên không lầm được.
Ngoài Duẫn Kì, tể tướng cũng có một tiểu nữ tử, song vì là phận nữ nhi, lại là con của thiếp thất xuất thân thấp kém, cùng quá chỉ có thể trở thành trắc phi làm quân cờ chống chân cho gia tộc. Vì vậy, việc nuôi dạy tiểu thư này, tể tướng phó mặc hoàn toàn cho phu nhân cùng di nương trong phủ.
(Di nương = mẹ nhỏ, vợ thiếp thất)
Lại nói, nhà họ Duẫn và nhà họ Trịnh đối đầu đến nay đã quá ba đời, dù rằng kẻ lo chinh chiến người kham chính trị, song hễ đụng mặt lại xảy ra khẩu chiến. Một bên ỷ mình được Hoàng thượng trọng dụng sinh kiêu, một bên lại là một gia tộc hùng mạnh sáu đời trấn giữ biên cương bảo vệ bách tính. Thù hằn, trái ngang thế nào đến đời huynh muội Duẫn Kì lại hóa thành duyên nợ, thành lưu luyến mãi mãi về sau. Cái ngày Duẫn Kì gặp Hiệu Tích năm đó, gã mãi không quên, lần đầu có người nhất quyết ăn thua đủ với gã, để rồi chàng quý tử của Tể tướng phải nhục nhã ê chề khi không thể mười lần bắn trúng hồng tâm cả mười vì vài khắc ngắn ngủi. Gã bắn cung giỏi đấy, vậy mà chỉ vì trông thấy dáng vẻ chăm chú bắn cung của Hiệu Tích bên cạnh mà chểnh mảng nhắm lệch hồng tâm.