Chương 13 : Hơi ấm của Bánh đúc

2 1 0
                                    


    Mai và chị Hạ ngồi xuống ghế, trên bàn gỗ đã bày đầy đủ mọi thứ: giấy ăn, rau sống, nước chấm, bát đũa tre. Rất có không khí gia đình, thân thuộc lại hoài niệm. Mai thấy chị quen thuộc vào nhà bếp lấy thêm đĩa măng muối chua, một đĩa cho ông Tôn, còn một đĩa để lên bàn thì tò mò hỏi :

- Chị Hạ, chị là khách quen ở đây à ?

Hạ gật đầu, ngồi xuống lau đũa rồi đem cho cô

- Hồi nhỏ hay cùng ông đến đây ăn. Ông chị, ông Tôn, với mấy ông bà đang ngồi đây hầu hết hồi trước đều là đồng đội từng vào sinh ra tử. Hòa bình lập lại thì mỗi người một ngã, may có quán ăn này mà họ mới có thể đoàn tụ, ôn lại chuyện xưa.

Mai nhận lấy đũa, hơi thắc mắc

- Vậy sao bà vẫn đánh chị thế ? Bà không thích chị à ?

Để giải thích vấn đề này, có lẽ phải quay ngược về quá khứ.

Năm 1963, giặc Mỹ vẫn hung hăng càn quét, giày xéo đất nước ta. Thế hệ thanh niên trí thức Hà thành như ông Hạ ai cũng hăng hái tham gia chiến đấu, đều một lòng ra đi quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh, lớp lớp người người ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất của cha ông để lại. Khí thế sục sôi làm chấn động cả bầy trời xanh năm ấy. Trước khi ra đi, ông và bà Xu đã hứa hẹn với nhau chờ ngày độc lập thì ông sẽ đem cau trầu xin cưới bà về. Nhưng nếu một tuần sau đó không gặp lại thì hãy coi như ông đã chết rồi, bà cũng đừng chờ đợi nữa.

Năm 1975, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, ông chị trở về từ trong khói lửa. Nhưng đến ngày hẹn ước, ông cụ chưa già đã lẩm cẩm lại quên mất lời hứa hẹn, để con gái người ta phải nước mắt lưng tròng gả cho người khác kẻo lỡ tuổi xuân. Đến khi nhớ ra, thì người con gái ấy đã qua đò rồi, ông cho dù nhớ nhung bao nhiêu thì cũng phải lập gia đình.

Hơn hai mươi năm sau đó, hai người bạn cũ mới có cơ duyên gặp lại. Bà Xu lấy được một người chồng tốt, đáng tiếc lại mất sớm, khi gặp lại bà đã là góa phụ, đứa con gái duy nhất đã đi lấy chồng, một mình bà mở quán bánh đúc nhỏ, kiếm tiền sống qua ngày. Ông cụ thấy hối hận lắm, nhưng không biết làm sao, chỉ biết đưa đứa cháu nhỏ ngày ngày đến ăn ủng hộ quán. Còn bà Xu, nhớ lại chuyện cũ cũng chẳng có oán hận ông, chỉ là bà vẫn không quên được năm xưa mình lại bị người ta cho "leo cây" thôi.

Thực ra cũng không phải là bà Xu ghét ông và chị đâu, bà ra tay cũng biết nặng nhẹ, mắng đánh thế thôi bụng dạ hiền lành. Bà xù lông nhím lên là vì không muốn ông chị cảm thấy mắc nợ và có lỗi mà đem lòng thương hại mình. Chuyện cũ qua rồi thì cứ cho nó qua đi, để nó xuôi theo dòng chảy của thời gian. Thế là hai người già gặp nhau lần nào là cãi nhau lần đó.

Hạ không nhớ được mình được ông đưa đến đây bao nhiêu lần, nhưng cô biết hầu như tất cả khách quen ở đây đều biết cô, thậm chí là chứng kiến được những cột mốc trưởng thành của mình. Thỉnh thoảng cô vẫn nghe ông Tôn kể lại với mấy bạn già, kể đi kể lại không biết chán

- Hồi đó, ngày nào ông Huy cũng bế trên vai một đứa cháu nhỏ, cả ngày chỉ ngồi im ăn bánh đúc. Có một lần, ông ta có việc, để con bé lại cho bà Xu và tôi trông hộ. Con bé cũng ngồi ngoan lắm cơ, nhưng một lúc sau thì mếu máo, cứ tưởng là nhớ ông, ai ngờ lại nghe nó gọi : "Xu, xu", hóa ra vì muốn ăn bánh đúc. Ông Huy về nghe vậy thì giật mình

- Cháu gái tôi sinh thiếu tháng, hơn bốn tuổi rồi mà không nói câu nào làm tôi còn tưởng nó không nói chuyện được. Vậy mà câu đầu tiên lại gọi bà Xu chứ không phải người ông này...

Ông Huy thấy tiếc lắm, biết trước như thế không gọi bà Xu kia bằng tên thì tốt rồi. Rõ ràng là cháu nội ông, tiếng đầu tiên không gọi mẹ, gọi bố, gọi bà, gọi ông mà lại gọi bà bán bánh đúc.

Ông Tôn còn nhái theo bộ mặt buồn bã của ông chị, làm ai trong quán cũng ôm bụng cười.

Hạ nhìn đĩa bánh đúc nghi ngút hơi tỏa lên trước mặt, hơi bần thần nhớ về chuyện xưa, giọng điệu nửa tỉnh nữa mê

- Vì đánh là đánh yêu, mắng là mắng yêu, bà Xu nhỉ ?

Bà Xu lại cốc cho cô một cái

- Này thì yêu này !

Mai đói đến mức chỉ mời chị Hạ qua loa rồi cầm đũa, cô vội vàng gắp một miếng bánh đúc lên, cắn một miếng thật lớn. Vẫn còn nóng quá, hơi rát lưỡi, cô đành phải lè lưỡi ra thổi thổi cho nguội bớt. Hạ thấy vậy, nhíu mày

- Chậm chậm thôi !

Mai không ngờ bánh đúc này lại ngon đến vậy, rất ngon, khác xa với mùi vị bánh đúc toàn mùi hàn the ở quê cô. Bánh đúc này mềm mềm, dẻo dẻo, nhai vào hơi dai dai, cắn rất đã, lại có mùi thơm của lá dứa, ăn chung với nước cốt dừa thực sự rất tuyệt. Chỉ mới ăn một miếng thôi mà đã ấm bụng rồi, Mai lại nhớ về mấy năm trước ăn cơm nguội, uống canh lạnh ngắt mà xúc động

- Ngon quá !

Mấy năm nay, ngoài đồ ăn của chị Hương ra, đây là món ăn thứ hai cô cảm thấy ngon đến phát khóc như vậy. Bà Xu cũng không ngờ hương vị này lại làm cô bé kia suýt khóc, có phần không biết nói gì. Hạ cũng gắp một miếng, nhai thật chậm, để dư vị của món ăn quen thuộc quấn quýt bên đầu lưỡi không tan. Đúng là tay nghề của bà Xu chỉ có tăng chứ không có giảm, một món ăn có thể bắt gặp ở nhiều nơi lại có mùi vị khác biệt không thể lẫn vào đâu được

- Bà Xu này, hay bà truyền nghề cho con đi ! Không thì cho con biết "hương vị bí mật" của bà cũng được. Nếu lỡ con thất nghiệp, cũng có thể mở một quán ăn như thế này, đảm bảo ngày nào cũng có tiền bỏ túi.

- Với người nấu ăn mà như hạ độc người ta thì đừng có mơ. Bà mày còn muốn tích đức cho con cháu.

Bà Xu nói xong thì chạy vào bếp, bên kia bàn, khách đã giục bà cuống lên rồi. Hạ nhìn bà bận rộn, bĩu môi nói khẽ :

- Xì, chỉ nêm nhầm một lần, nhầm muối thành đường thôi mà, vậy mà vùi dập ý định của người ta thế chứ!

Mai nín cười đến đỏ mặt, cuối cùng không nhịn nổi thì bật cười thành tiếng

- Ha ha... ha ha

Hạ trừng mắt

- Cười cái gì ? Có gì đáng cười chứ !

- Chị Hạ, chị thực sự không biệt được muối và đường sao ? Không phân biệt bằng mắt thường được cũng có thể nếm thử mà... Ha ha

Hạ ngượng chín mặt, gào lên

- Đã bảo là nêm nhầm mà... Cấm được cười !

- Ha... ha ha.

Thấy chưa, thấy chưa, chỉ mới quen một chút mà dám chê bai, cười vào mặt chị như thế rồi, nếu mà thân hơn nữa thì không biết còn như thế nào nữa đây ?

Vẫn chờ anh đến nói lời yêu - Cải TímWhere stories live. Discover now