Một khung cảnh Trường Lạc hoa lệ hiện lên trước mắt Vọng Thư, tòa Thái Cực Điện như một con hổ lớn nằm giữa rừng xanh, muốn đến được chính điện phải bước qua hàng ngàn bậc thang bằng đá trắng muốt, chia làm ba lối dẫn vào cánh cổng bằng đồng đen chạm trổ hình Vũ Trụ, thềm rồng nằm ở lối đi giữa, là một tấm phù điêu khổng lồ khắc nổi tạo hình Phi Long và Phi Phụng (*), ít ai biết đây vốn là một bức tranh bằng ngọc trắng, cùng một loại với Hòa Thị Bích (*) trứ danh, là một bảo vật có tính sát rất mạnh, khi được gắn nơi trung tâm của thành Trường Lạc sẽ giúp nguyên khí quốc gia luôn hưng thịnh, trấn giữ thủy thổ. Từ những đời Hoàng Đế đầu tiên, Thiên Ngân Quốc đã sở hữu tấm phù điêu này và khảm nó vào lối đi giữa điện Thái Cực. Cung quy quy định chỉ Hoàng Đế và Hoàng Hậu, hoặc là các đại lễ sắc phong từ chính nhất phẩm trở lên mới được đi đến điện Thái Cực bằng lối giữa, còn lại đều phải đi bằng hai lối phụ. Vọng Thư bước lên hàng bên phải, bậc đá không tì vết, thậm chí còn không dám bước mạnh, không ngừng chuyển từ kinh ngạc này sang thán phục khác, sự xa hoa nơi đây vượt xa Lăng Quốc của chàng. Bên trong cánh cổng là một sự nghênh tiếp trang trọng dành cho chàng, trên chỗ cao nhất của chính điện, Thừa Danh ngồi trên Long Ngai bằng vàng ròng chói lọi, cạnh ngài là Hoàng Hậu Mạc Yên Cơ dịu dàng, dưới vị trí cao quý kia là Hoàng Quý Phi Mị Hải, cùng dàn phi tần đều đã an tọa, đang thưởng trà chờ nhập tiệc. Chàng khẽ nheo mắt cố nhìn xa một chút, cố ý tìm mái tóc quen thuộc, nhưng trong dàn mỹ nhân đang ngồi ở đây không có ai là Đại Công Chúa của chàng, dù rất ít khi chạm mặt, nhưng dáng vẻ của nàng không thể lẫn đi đâu được trong tâm trí chàng. Mải mê vừa nghĩ vừa bước, một dãy bậc thang dài cũng trở nên mau chóng vượt qua, tấm thảm đỏ đã được trải sẵn chờ chàng đến chầu. Vọng Thư bước đến trước Long Ngai, quỳ xuống trên một chân, chắp tay cúi đầu trước Thừa Danh:
- Tiểu Vương tử là Lăng Vọng Thư, tham kiến Thiên Ngân Đại Hoàng Đế, đa tạ ơn cứu mạng cũng như bảo vệ của ngài.
Ánh mắt của bá quan lúc này như dồn vào chàng, cuộc nói chuyện rôm rả giữa các hậu phi cũng trở nên im bặt, tập trung vào chàng và những lời chàng nói lúc này. Thừa Danh đứng dậy bước đến đỡ chàng dậy, cất lời:
- Lăng Vương tử miễn lễ, trẫm chỉ là làm việc nên làm. Sức khỏe của ngươi đã khá hơn chưa?
- Nhờ có sự tương trợ của Hoàng Đế, Vọng Thư đã hồi phục hẳn rồi.
Thừa Danh cười lớn, đoạn nâng ly rượu đầy đưa về phía chàng:
- Vậy thì quá tốt, ly rượu này xem như chúc mừng Lăng Vương tử thoát khỏi kiếp nạn, trở thành khách quý của Thiên Ngân.
Vọng Thư không ngần ngại mà nhanh chóng cạn chén, rượu ở đây ngọt thanh đến lạ, lưu hương vị rất thơm nơi cổ họng chàng. Vừa thưởng thức, chàng vừa không quên nhìn kỹ lại từng bàn hy vọng tìm thấy người con gái thổi sáo hàng ngày kia,...
Vừa kính Thừa Danh đến ly thứ ba thì cửa chính chầm chậm mở, linh cảm làm Vọng Thư giật mình chú ý. Từ phía ngoài, ba nữ nhân tôn quý đặt chân lên thềm ngọc, người đứng giữa không ai khác chính là người mà Vọng Thư đang mong đợi: Đại Công Chúa. Bên cạnh nàng, một người là Nhị Công Chúa, một người là Tam Công Chúa, cả ba được mệnh danh là bảo bối của hoàng thất đã xuất hiện. Dung nhan mỗi người mang một vẻ đẹp rất riêng pha vào nét kiêu kì thiên bẩm của bậc quý nữ, Hoàng Hậu Yên Cơ có vẻ rất vui lòng khi nhìn thấy các con, không đợi Hoàng Đế lên tiếng đã vội cất lời:
- Nhược Vân, Nhược Châu, Nhược Tuệ, mẫu hậu đã sắp xếp cho các con ngồi gần ta.
Ánh mắt Vọng Thư lúc này không thể rời Đại Công Chúa Nhược Vân, chàng vừa nghe tên nàng, vừa trông thấy vẻ yêu kiều vốn có của nàng được tô điểm thêm bằng trâm cài châu báu thật khác lạ so với mái tóc giản đơn ngày trước. Cuộc gặp gỡ mở ra cho một câu chuyện sắp được bắt đầu...
***
Quay trở về với thực tại,... Chớp mắt đã qua ba mùa xuân Vọng Thư sống ở Hoàng cung của Thiên Ngân Quốc, đã tìm thấy và yêu thương nữ nhân của cuộc đời mình, chàng từ lâu đã muốn đường đường chính chính mà ngỏ lời cầu hôn nàng nhưng danh phận của chàng khi ấy chỉ là một tiểu vương tử nhỏ bé, mang tiếng là con tin trong tay nước lớn, thì lấy tư cách gì đến với Đại Công Chúa Thiên Nhược Vân, đứng đầu trong Tam Thiên Nhược Quý Nữ lừng lẫy khắp tứ phương này. Nhưng chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, Lăng Quốc đã lung lay đến cực điểm, mùa đông năm đó Vọng Tín lâm bệnh nặng rồi mất, chiếu thư cho gọi đứa con trai duy nhất còn sống sót của mình là Lăng Vọng Thư về nối ngôi, hôn sự của Vọng Thư và Nhược Vân trở thành tâm điểm của bàn dân thiên hạ hai nước, ai cũng hết lời chúc phúc và ca tụng. Vọng Thư nguyện đem Lăng Quốc thần phục Thiên Ngân, cũng như sẵn sàng tương trợ giữa hai nước, quyết định cử hành hôn lễ với Đại Công Chúa ở nội đô Trường Lạc, rồi từ đây cả hai dưới sự hộ tống nghiêm ngặt của quân đội song phương đến Tấn Thượng Thành,...
BẠN ĐANG ĐỌC
Thiên Ngân Huyền Sử
FantasyHai vạn năm trước Công Nguyên, khi đó trên Trái Đất chưa tồn tại năm châu như bây giờ, mà là một thể thống nhất được gọi là Lục địa Bàn Cổ. Lục địa này được chia thành năm vương quốc không ngừng đấu tranh để mở rộng lãnh thổ và thôn tính lẫn nhau. T...