Một trong những tình huống giao tiếp khiến chúng ta thấp thỏm nhất: Xin kinh phí sau khi kết thúc công việc.
“Hóa đơn này của tôi có được tính vào chi phí hợp lệ không?”
Trong thời buổi các doanh nghiệp nỗ lực siết chặt chi phí như hiện nay, chắc hiếm câu hỏi nào có khả năng bao trùm cả văn phòng trong không khí căng thẳng như thế này. Nó chẳng khác nào một luồng điện chạy dọc sống lưng, khiến người xung quanh phải tò mò ngoái lại.
Và rồi chị tổng vụ sẽ lạnh lùng đáp lời mà không thèm cho bạn một ánh nhìn: “Không được.”
Thế nhưng, nếu bạn thay đổi cách diễn đạt, sắp xếp con chữ thành một tổ hợp kì diệu khác, thì hiệu quả mang lại rất có thể làm bạn bất ngờ. Chẳng hạn như: “Cảm ơn chị đã luôn giúp đỡ tôi. Chị Yamada, hóa đơn này của tôi có được tính vào chi phí hợp lệ không?”
Những từ ngữ không màu mè, nịnh bợ, cách diễn đạt giản dị, tự nhiên nhưng vẫn tạo ra được thiện cảm cho đối phương chính là một trong những bí quyết mà cuốn “Nghệ thuật truyền đạt” của Keiichi Sasaki nhắc đến.
Ngôn từ qua từng bước biến hóa của tư duy có sức mạnh xoay ngược tình thế. Chúng ta có thể vần vò con chữ, nhào nặn nên chúng chứ không chỉ bị động chờ chúng xuất hiện trong đầu. Giao tiếp bằng vài mẹo nhỏ khiến tinh thần của cả hai bên đều thoải mái, giúp hiệu quả trò chuyện được cải thiện, thoát khỏi sự quẩn quanh luống cuống gây mất thời gian.
Tuy nhiên, hơn cả những lợi ích nói trên, thứ khiến ta ao ước nhất khi sử dụng ngôn ngữ đó là mang được tiếng lòng của bản thân tới người ta trân trọng. Khi các tòa nhà cao hơn nhưng tình yêu thương bé lại, chẳng còn gì có thể mang được hơi thở của hai con người đang cô độc lại nhanh bằng sự diệu kì của ngôn ngữ nói ra.
Chính vì thế, bạn thân mến của tôi, cuốn sách này là dành cho chúng ta, những tâm hồn còn lang thang giữa cung đường đông vui cuộc sống, những trái tim thổn thức trong mỗi đêm tàn. Mở sách ra đi, để mùa đông này không còn lạnh lẽo mình ta.