1.
Sự khác nhau giữa nhiếp ảnh và điện ảnh gần giống sự khác nhau giữa haiku và tiểu thuyết.
Haiku giống thơ tanka và các thể loại thơ khác, đặc trưng nằm ở lượng chữ ít hơn hẳn tiểu thuyết. Phải nắm bắt được những rung động trong khoảnh khắc rồi thể hiện vào bài thơ chỉ hạn chế trong một số chữ. Tác giả cảm nhận thế giới rồi dùng những câu chữ ngắn gọn nói lên mọi xúc cảm của mình.
Mọi tình tiết trong tiểu thuyết đều mang tính liên tục. Miêu tả tâm lý liên tục, hình thức miêu tả thay đổi theo diễn biến các tình tiết. Tâm lý nhân vật thể hiện qua các sự kiện phát sinh trong tiểu thuyết thường không giống nhau. Nếu chỉ trích ra một đoạn thì đó là miêu tả, nhưng nếu để các đoạn văn miêu tả ấy gắn kết với nhau, thì đó là miêu tả những sự "thay đổi". Hình thức miêu tả tâm lý nhân vật sẽ biến đổi từ trang đầu đến trang cuối tác phẩm. Quá trình biến hóa này là một tuyến đường cong lên xuống, và đó là một câu chuyện. Xét theo phương diện toán học, nếu chia nhỏ một tiểu thuyết, ta sẽ được những haiku hoặc thơ, và nếu chia nhỏ một câu chuyện, ta sẽ được các đoạn miêu tả.Ảnh là một cách miêu tả. Chụp ảnh là một nghệ thuật chớp lấy cảnh vật trong một khoảnh khắc thu vào một cái khung, chẳng hạn như miêu tả khuôn mặt một cậu bé đang khóc. Vậy nên nhiếp ảnh gần với haiku hoặc thơ. Giữa hai thứ đó có sự khác biệt giữa hình ảnh với văn tự, nhưng chúng đều chung mục đích nắm bắt được một khoảnh khắc quan trọng, sau đó lưu giữ lâu dài.
Bây giờ chúng ta có vài chục, vài trăm tấm ảnh liên tục nhưng không giống nhau. Chúng ta trải các tấm ảnh ra, sắp xếp chúng theo trật tự thời gian chụp rồi lật chúng thật nhanh. Hiện tượng dư ảnh sẽ xuất hiện và thể hiện cả một khoảng thời gian. Ví dụ như ban đầu là hình ảnh đứa tre khóc, nhưng sau cùng nó lại mỉm cười. Điều này khác với một tấm ảnh duy nhất. Mỗi tấm ảnh không hoàn toàn khác nhau, chúng chỉ tiếp nối nhau. Từ ảnh khóc đến ảnh cười là một quá trình, nghĩa là chúng ta có thể nhìn thấy những nét thay đổi tâm lý của đứa trẻ. Xâu chuỗi "khoảnh khắc", ta được "thời gian" và cuối cùng có thể miêu tả được mọi "biến hóa". Nói cách khác, sắp đặt ra một câu chuyện, chính là điện ảnh. Bản thân tôi hiểu là như vậy.
Sáng nay lại có ảnh nhét vào thùng thư của tôi. Ðây là lần thứ mấy rồi nhỉ? Tình trạng này đă kéo dài trên trăm ngày nhưng tôi vẫn không thể lờ nó đi được. Trong không khí lạnh giá cảu buổi sớm, cảm giác chông chênh, căm tức và tuyệt vọng lại đồng thời ập đến khi tôi nhìn thấy tấm ảnh trong thùng thư nhà mình. Tôi đành cầm tấm ảnh ra, đứng bất động. Ngày nào cũng như ngày nào.
Người gửi không cho ảnh vào phong bì mà thả luôn vào thùng thư. Ảnh chụp một xác người, là xác cô bạn gái ngày trước của tôi. Cái xác nằm trong hố đất ở một nơi nào đó, từ phần ngực trở lên đã không còn nguyên vẹn. Khuôn mặt bị phân hủy lở lói, không thể nhận ra những đường nét khi xưa.
Mức độ phân hủy có vẻ nhiều hơn so với tấm ảnh hôm qua. Nhưng sự biến đổi này rất nhỏ, nhìn thoáng qua sẽ không phân biệt được, chỉ thấy vài chỗ dòi bọ lúc nhúc thì có khác biệt.
Tôi cầm ảnh bước vào nhà rồi scan nó vào máy tính của mình. Tất cả những tấm ảnh được nhận trước đây đều được lưu trong máy tính. Tôi còn lần lướt đánh số thứ tự nữa. Người bạn gái của tôi giờ đây tồn tại dưới hình thức này.
BẠN ĐANG ĐỌC
zoo _ Otsuichi_ Ngô Thị Vân dịch
No FicciónĐây là gì?! Chính là loạt truyện vô cùng kỳ lạ của thiên tài Otsuichi. Cảnh ngộ của người chị cô độc trong cặp song sinh "Kazari và Yoko" không may bị chính mẹ mình ruồng bỏ, lời kể về cuộc đào thoát khỏi "Bảy căn phòng" của cậu bé và chị gái khi si...