Điều ước của tôi 6

759 58 2
                                    

17.

Minh Hưởng đi rồi, Đông Hách nhắng nhít ngày nào cũng bỏ theo cậu ấy. Thằng Tuấn hay đùa rằng hoàng hôn ngày hôm đó đã trộm mất của tôi mười năm tuổi thọ, đứa bạn tưởng cả đời sống như Hồng Hà Nhi bỗng trở thành người đàn ông trải qua mấy bận thăng trầm. Khuôn mặt quen thuộc mà nụ cười xa lạ làm nó bao lần muốn nặng lời nhưng lại không nỡ.

Năm đầu tiên xa người, tôi không khác nào đứa dở hơi, hoàn toàn bài xích và không chịu chấp nhận việc Minh Hưởng đang ở nửa kia địa cầu. Mọi thứ trên đời đều có sự tương quan, chúng ta thấy buồn vì chúng ta đã từng biết vui, chúng ta thấy đau khổ vì chúng ta đã từng nếm mùi vị hạnh phúc. Cũng như tôi mãi về sau vẫn ôm nỗi mất mát bởi trước đây đã từng có một Minh Hưởng sánh bước với tôi đoạn đường trải đầy kỷ niệm khó phai.

Có những ngày đi học, tôi dừng lại đúng nơi lần đầu gặp cậu ấy, tháo tuột xích xe rồi nhắm mắt đếm một... hai... ba... sau đó quay lưng nhìn về phía con đường dài trống rỗng mong chờ hình bóng quen thuộc xuất hiện. Kết quả tôi vào lớp muộn với đôi tay nhem nhuốc nhớt cùng hai con mắt đỏ hoe và hàng mi vương đầy nước.

Chỗ của Minh Hưởng vẫn để trống cho đến tận khi tốt nghiệp. Thầy Thái bảo bản thân thầy là một người hoài niệm, xem như gìn giữ chút ký ức về cậu học trò sẽ luôn là một phần của khóa A3 chúng tôi năm đó, khóa đầu tiên mà thầy chủ nhiệm. Vậy nên suốt ngày tháng còn lại của thời cấp ba, tôi cứ chăm chăm nhìn vào khoảng trống trước mặt và tưởng tượng một ngày Minh Hưởng trở về lấp đầy nó, lấp đầy cả những mong nhớ khôn nguôi.

Mỗi lần ngang qua nhà cậu ấy, tôi cố gắng đi thật chậm, thật chậm, bánh xe chệch hướng kéo theo tay lái loạng choạng hết nghiêng bên này lại ngả bên kia. Mắt tôi dán vào khoảng trống trước hiệu thuốc cũ, tưởng tượng Minh Hưởng đang đứng mỉm cười đợi tôi đến đón. Tôi dừng xe, cậu sẽ lẹ làng leo lên yên sau và khe khẽ hòa tiếng hát trôi theo làn gió lướt qua.

Ở nhà cũng không khá hơn bao nhiêu. Nhìn thấy cây ghita, tôi ôm nó ra vườn, quặn thắt đánh tới đánh lui từng nốt nhạc, cố tình đánh sai rồi nhỏ giọng năn nỉ: "Tôi quên mất khúc này, cậu chỉ lại được không?" Giữa không gian yên tĩnh, tiếng đập cánh của mấy con chuồn chuồn ớt trả lời tôi, "Người ta chẳng về nữa đâu."

Trước ngày lên máy bay, Minh Hưởng có gọi vào điện thoại bàn nhà tôi, giọng cậu ấy truyền qua khiến cõi lòng tôi nặng như chì. Tôi chẳng rõ lời cậu ấy dông dài lưu luyến, chỉ nhớ câu dặn dò: "Dù bất cứ chuyện gì xảy ra, cậu cũng phải sống thật tốt nhé. Nếu có thể, hãy sống thay phần tôi nữa." Nghe thế, nước mắt tôi lập tức rơi thẳng xuống ống nghe, vỡ tan tành. Bao nhiêu chữ nghĩa muốn thành âm lại nghẹn ứ nơi cuống họng ép tôi òa lên nức nở. Đầu dây bên kia, hình như vừa buông tiếng thở dài đè nén.

Đó cũng là lần cuối cùng tôi được nghe giọng Minh Hưởng, được nghe tin tức về cậu ấy. Đôi lần tôi không thể giấu lòng mình và sợ hãi tự hỏi liệu cậu ấy có còn... có còn sống hay không...? Nhưng tôi vội gạt phăng suy nghĩ tệ hại ra khỏi đầu, dù mù quáng cũng nhất quyết bám víu niềm tin mong manh, bám víu điều ước trẻ con mà hy vọng rằng cậu ấy đã được phẫu thuật thành công. Nước Mỹ rộng lớn chắc chắn sẽ có chỗ cho Minh Hưởng dung thân, chắc chắn là như vậy.

[MARKHYUCK] Điều ước của tôiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ