Sau kì thi khảo sát cuối năm, trong khi các em lớp dưới đều đã được nghỉ học thì riêng học sinh lớp 9 vẫn tiếp tục đi học để ôn thi cho kì thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông, một kì thi rất quan trọng và gắt gao. Cũng không hẳn là nhà trường bắt buộc, một số đứa sau kì thi học kỳ hai thì "mất hút" vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng số đông vẫn đến trường đều đặn. Lớp của Minh Tuấn may ra ai cũng đi học đầy đủ, không thiếu một ai. bên lớp Nam Anh với Đức Dương thì vắng hai đến ba người.
Ở chỗ Minh Tuấn ở thì đăng ký thi kiểu này: học sinh thi chuyên có bốn nguyện vọng, trường chuyên lớp chuyên là một, trường chuyên lớp không chuyên là hai, trường trung học phổ thông đại trà là ba và bốn. Còn học sinh thi thường thì chỉ có hai nguyện vọng một và hai, tương đương với nguyện vọng ba và bốn của học sinh thi chuyên.
Hội bạn "6 xa" của Minh Tuấn đều đăng ký vào trường N - một ngôi trường được đánh giá cao, chất lượng tốt. Riêng Nam Anh còn đăng ký thi thêm vào trường chuyên T vì nó "muốn cọ xát một chút". Nam Anh nghịch vậy thôi chứ học lực của nó thì đỉnh khỏi bàn, lớp 6 vì điểm cao trong kì thi xếp lớp nên được chuyển sang lớp chọn bên cạnh, điểm Toán, Lý của nó lúc nào cũng tám, cũng chín, cuối năm ngoái còn nhận giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lý nữa.
Những ngày ôn thi là những ngày rất vất vả và tương đối áp lực với Minh Tuấn. Đề cương, tài liệu chồng chất, cuốn vở dày hai trăm trang vừa dùng được một tuần đã kín hết, các thầy cô giao bài liên tục để thực hành. Hết thuộc dẫn chứng nghị luận xã hội, thuộc thơ, thuộc nội dung đoạn trích truyện rồi đến rút gọn phân thức, chứng minh tứ giác nội tiếp đường tròn, thêm cả các cấu trúc tiếng anh phức tạp. Chưa kể còn mấy ca học thêm từ năm giờ chiều đến bảy giờ tối, rồi vội ăn bánh mì và chạy sang lớp tiếp theo học đến tận mười giờ đêm, về nhà còn làm bài tập và ôn lý thuyết. Thế là đến mười một giờ rưỡi, rồi năm giờ sáng đã dậy để đến trường cô kiểm tra học thuộc Văn. Lịch trình học dày đặc như vậy khiến sức khỏe của nó đã yếu nay lại còn yếu hơn, thức khuya dậy sớm khiến nó bị mất ngủ, đến trường thì ngủ gật, các ca học thêm gần nhau khiến nó hoa mắt không sao mà thấy rõ thầy cô ghi gì trên bảng. Còn có những pha "trù" không đỗ vào cấp ba của thầy cô khiến nó cảm thấy nhụt chí, tự trách bản thân còn yếu đuối, chưa cố gắng, chăm chỉ hết sức.
Nhưng người xưa từng nói: "Có công mài sắt có ngày nên kim". Có thể bây giờ là khoảng thời gian khó khăn với nó, nhưng nó phải cố gắng để đến ngày thi làm bài thật tốt, kết quả nhận được như mong muốn.
Áp lực, vất vả thì có đấy, nhưng mấy ngày ôn thi cũng nhiều kỉ niệm lắm. "Hội 6 xa" không còn là những đứa trẻ nghịch ngợm từng bị hiệu trưởng gọi lên văn phòng nhắc nhở nữa. Bây giờ chúng đã biết thân biết phận nhắc nhở nhau học tập cần cù để cùng đỗ vào một trường, thế mới không phải chịu cảnh mỗi người một nơi. Sáng sớm tinh mơ, Minh Tuấn - người từng đứng thứ năm đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn thành phố, dù còn ngái ngủ nhưng vẫn đến để ôn tập và kiểm tra học thuộc cho "chúa tể bày dại" Đông Hải đang rất yếu môn Văn. Giờ ra chơi ở trường thì "học trưởng" Nam Anh liều thân sang lớp Minh Tuấn để kèm cho Thái Sơn - người đang rất cố gắng cho môn toán. Trời chớm tối thì Đức Dương "vừa đẹp trai vừa giỏi ngoại ngữ" gọi điện video bổ trợ môn Anh cho Tại Minh - người từng ước trường dạy tiếng Nhật còn hơn. Đến khuya muộn thì cả bọn nhắn tin hỏi nhau những bài tập khó, những phần chưa hiểu, kèm với những lời động viên trước khi đi ngủ. Cứ như vậy việc học tập của chúng ngày càng khá lên, đề cương, bài tập Toán làm được ngon lành, môn Anh với các cấu trúc rắc rối từ khó mà thành dễ, những bài văn khó tiêu cũng được "nuốt sạch" vào đầu. Minh Tuấn - Đông Hải từ "thù" thành "đôi bạn cùng tiến", dính nhau nhiều đến nỗi người ngoài nhìn mà tưởng hai đứa yêu nhau. Thái Sơn trước hay trộm gói kẹo jelly Nam Anh để trong cặp mà giờ mua cho bạn mấy bịch liền đến lớp, Đức Dương và Minh điệu thỉnh thoảng còn giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh.